Đại tá Trần Thanh Đức, Chỉ huy trưởng BĐBP TP Hồ Chí Minh có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, đặc điểm tình hình tuyến biên giới biển, cửa khẩu cảng của TP Hồ Chí Minh tác động như thế nào đến việc thực hiện nhiệm vụ của BĐBP thành phố?

Đại tá Trần Thanh Đức: Địa bàn đơn vị được phân công quản lý bảo vệ trên hai tuyến là khu vực biên giới biển và cửa khẩu cảng. Trong đó, khu vực biên giới biển của thành phố có chiều dài bờ biển hơn 23km, gồm các xã: Thạnh An, Long Hòa, Lý Nhơn và thị trấn Cần Thạnh thuộc huyện Cần Giờ. Tuyến cửa khẩu cảng biển gồm 59 cảng với 102 cầu cảng, 75 cặp phao và 1 phao neo dọc theo các sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp, Gò Gia... với tổng chiều dài khoảng 130km. Toàn tuyến thuộc địa bàn TP Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ và các quận: 1, 4, 7, tiếp giáp với TP Dĩ An (Bình Dương), huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng thành phố cơ bản được giữ vững nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về khai thác, vận chuyển khoáng sản, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy... với thủ đoạn ngày càng tinh vi của các loại tội phạm.

Lực lượng chức năng Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh tuần tra kiểm soát trên tuyến cửa khẩu cảng. Ảnh: HỒNG GIANG 

PV: Từ nhận định tình hình, đặc thù địa bàn, BĐBP TP Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp gì trong thực hiện nhiệm vụ?

Đại tá Trần Thanh Đức: Với chức trách nhiệm vụ là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển, cửa khẩu cảng, BĐBP TP Hồ Chí Minh đã triển khai lực lượng, phương tiện và đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, tập trung vào mục tiêu trọng tâm, trọng điểm. Các đơn vị phối hợp rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án, kế hoạch và tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn, đấu tranh trấn áp hiệu quả các loại tội phạm. BĐBP thành phố cùng Bộ tư lệnh thành phố, Công an thành phố phối hợp tham mưu có hiệu quả với cấp ủy, chính quyền địa phương trong đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, chủ động xây dựng kế hoạch, trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ tuần tra khép kín địa bàn, bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Từ năm 2013 đến nay, BĐBP thành phố đã chủ động phối hợp, trao đổi với các lực lượng chức năng tiếp nhận hơn 3.300 tin về an ninh trật tự. Những năm qua, đơn vị đã chủ trì, phối hợp bắt giữ hơn 2.400 vụ với gần 4.300 đối tượng, đã khởi tố 20 vụ, xử phạt hành chính gần 2.100 vụ với số tiền hơn 17,3 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá hơn 45 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, BĐBP thành phố đã chủ trì, phối hợp phát hiện 123 vụ/228 đối tượng/156 phương tiện, xử phạt hành chính với số tiền gần 3 tỷ đồng. BĐBP thành phố cũng chủ động phối hợp với BĐBP tỉnh Tiền Giang và Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải đoàn Biên phòng 18, Vùng 2 Hải quân, Vùng Cảnh sát biển 3 trong bảo vệ biên giới vùng biển, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đấu tranh hiệu quả với hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

PV: Trọng tâm trong xây dựng thế trận biên phòng toàn dân trên tuyến biên giới biển, cửa khẩu cảng của BĐBP TP Hồ Chí Minh là gì, thưa đồng chí?

Đại tá Trần Thanh Đức: Đó chính là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, tham gia củng cố cơ sở chính trị ở địa phương, thực hiện tốt công tác chính sách, an sinh xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ năm 2013 đến nay, BĐBP thành phố đã tuyên truyền tập trung hơn 300 lượt với hơn 17.300 người, tuyên truyền nhỏ lẻ gần 2.100 lượt với gần 38.200 người. Đặc biệt, đã tuyên truyền đối ngoại, tuyên truyền đặc biệt được gần 150 lượt với gần 1.400 người. BĐBP thành phố đã vận động thành lập 23 “Tổ tự quản an ninh trật tự” (208 hộ gia đình), 16 “Tổ tàu, thuyền tự quản” (127 phương tiện) và 5 “Bến đò tự quản” (50 phương tiện).

Đảng ủy BĐBP thành phố đã ký kết quy chế phối hợp với Thành ủy Thủ Đức, Quận ủy quận 4, quận 7, Huyện ủy Nhà Bè, Cần Giờ, tham gia phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội địa bàn biên giới biển, cửa khẩu cảng gắn với thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của địa phương. BĐBP thành phố triển khai hiệu quả Chương trình “Nâng bước em tới trường”, mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, tham gia xây dựng nông thôn mới đã tạo dấu ấn đẹp đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân.

PV: Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác xây dựng thế trận biên phòng toàn dân của BĐBP TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện như thế nào?

Đại tá Trần Thanh Đức: BĐBP thành phố luôn nâng cao năng lực quản lý, chỉ huy, nắm và dự báo tình hình từ sớm, từ xa, gắn với triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, cửa khẩu cảng. Đơn vị phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu, đề xuất các chủ trương, giải pháp và triển khai toàn diện, hiệu quả việc xây dựng khu vực biên giới, nền biên phòng toàn dân vững chắc. 

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HỒNG GIANG (thực hiện)