Bài 1: Trong bình minh Miếu Môn
38 giây, không thể và có thể
Trung tâm Huấn luyện quân sự quốc gia 4 ngày thi đấu “Xạ thủ bắn tỉa” với phần thi mang tên Kim tự tháp. Các xạ thủ của 8 nước đã tề tựu đông đủ. Họ ngồi ung dung trên tuyến bắn đúng phong thái dân bắn súng, như không hề để ý đến xung quanh.
Bản lĩnh của giới xạ thủ là vậy. Điềm tĩnh đến từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim. Mấy xạ thủ người Nga và Belarus tỏ ra tự tin vượt trội. Họ từng nhiều lần đoạt ngôi vương nên lần này sang Việt Nam, nhiệm vụ là phải mang huy chương vàng về đất nước.
 |
Xạ thủ Vi Thái Bình cơ động trong giai đoạn thi đấu thứ 4, nội dung "Xạ thủ bắn tỉa". Ảnh: Phú Sơn. |
 |
Tinh thần và thành tích thi đấu của các xạ thủ bắn tỉa Việt Nam đã khiến các đội tuyển bạn nể phục. Ảnh: Phú Sơn. |
Ở bài bắn số 7, mỗi xạ thủ sẽ có 6 viên đạn với thời gian ngắm bắn không quá 3 phút. Xạ thủ có thể tùy ý lựa chọn vị trí ẩn nấp để hạ 6 bia mục tiêu. Số điểm ghi được căn cứ vào số bia trúng đạn. Các xạ thủ nước ngoài thi đấu rất tốt. Xạ thủ Masobirov của đội tuyển Uzbekistan đã hạ gục cả 5 bia chỉ với 47 giây 41. Xạ thủ Suleimanov của đội tuyển Nga với 52 giây 20; chưa ai đến một phút. Quả là những bậc kỳ tài!
Đến lượt Trung úy Vi Thái Bình của đội tuyển Thăng Long (Việt Nam) bước lên tuyến bắn, mọi con mắt như đổ dồn vào anh. Liệu Bình có vượt qua được những ngọn núi lớn kia không?
Nhanh nhẹn, dứt khoát. Bình thao tác, lên đạn và ngắm bắn trên bậc kim tự tháp. “Pằng! Pằng! Pằng…Pằng…!”. Bia đổ rồi, đổ rồi! Hoan hô! Hoan hô Vi Thái Bình!
Những tiếc vỗ tay vang dội. Trên màn hình điện tử, đồng hồ đo con số kinh ngạc: Vi Thái Bình đã nhanh chóng hạ 5 bia mục tiêu chỉ với 38 giây 52, đạt tổng 50 điểm ở cả 5 bài bắn. Một con số tưởng như không thể?
 |
Niềm vui chiến thắng. Ảnh: Phú Sơn. |
Những ngày sau đó, cặp xạ thủ Vi Thái Bình và Lê Đình Quân còn lập nhiều cột mốc khác trước sự thán phục của các đội bạn. Năm nay có sự tham gia của nhiều đội tuyển mạnh có truyền thống giành thành tích cao tại các kỳ hội thao Army Games như: Nga, Belarus, Uzbekistan… Chính vì thế, không khí tranh tài rất sôi nổi. Các đội tuyển bám sát nhau trong từng bài bắn, từng giai đoạn thi đấu. Dù gặp khó khăn do vũ khí thi đấu là loại không có trong trang bị, cũng như kinh nghiệm thi đấu quốc tế, nhưng đội tuyển Thăng Long và Long Bình càng thi đấu càng bứt phá và gây ngạc nhiên lớn.
Thiếu tướng Trần Văn Ba, Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu cho biết: “Đội tuyển các nước bạn đánh giá trình độ bắn tỉa của các xạ thủ Việt Nam rất cao, có bước tiến vượt bậc so với những năm trước đây”.
Qua nhiều phần thi cam go, thể hiện sự khổ luyện, dù bắn súng ban đêm hay ban ngày, trong mưa hay nắng lóa, dù phải chạy vượt qua nhiều vật cản phức tạp với thể hình nhỏ con so với đội bạn cao lớn song các xạ thủ Việt Nam…đã thể hiện bản lĩnh thép và kỹ năng tuyệt vời. Tấm huy chương vàng họ giành được đúng kỷ niệm ngày Quốc khánh như làm tươi thắm thêm lá cờ Tổ quốc phần phật tung bay trên cánh tay những sĩ quan trẻ dưới nắng bình minh Miếu Môn.
Vi Thái Bình là một sĩ quan trẻ từng nhập ngũ ở Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, đến với cuộc thi từ chính kết quả huấn luyện, công tác hằng ngày ở đơn vị. Đường tới công việc “xạ thủ” là hành trình khổ luyện của người lính đặc công đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu. Họ được tôi luyện không phải để đi thi mà để khi nào Tổ quốc cần. Bình và đồng đội luyện bắn kỹ đến mức có thể tính toán giữa hai lần tim đập để giảm thiểu rung súng hay phải cân bằng trên con lắc dao động hai chân hai bên. Họ cũng có thể nhìn trời, nhìn mây, ngắm nắng, đo gió để tính toán đường bay của viên đạn.
Các xạ thủ ấn định kính ngắm và súng trùng nhau ở một khoảng cách bắn nhất định, tức là ở khoảng cách đó viên đạn bay chính xác vào tâm điểm trên kính ngắm. Khi biết điểm viên đạn sẽ chạm ở khoảng cách biết trước, xạ thủ sẽ tính toán để điều chỉnh phù hợp với sức gió, khoảng cách dựa trên hiểu biết về đường bay của viên đạn. Mỗi xạ thủ điều chỉnh súng thường xuyên để thích nghi với điều kiện với áp suất và đảm bảo rằng đường đạn luôn ổn định.
Thời gian huấn luyện là cần thiết để các kỹ năng được hấp thụ đầy đủ, xạ thủ khi đó có thể ước tính chính xác khoảng cách, các yếu tố không khí (gió, mưa, nhiệt độ, độ ẩm) và bắn trúng mục tiêu chỉ với một phát đạn.
Theo dấu chân lịch sử
Bắn tỉa là một nội dung kỹ chiến thuật hết sức quan trọng đối với quân đội của nhiều nước trên thế giới. Trong cuộc chiến tranh Vệ quốc, quân đội Liên Xô từng có tới hơn 60.000 xạ thủ bắn tỉa. Có lúc, chỉ với 5 chiến sĩ bắn tỉa của Hồng quân Liên Xô đã hạ gục được gần 3.000 tên lính địch.
Trong chiến tranh hiện đại, như ở Iraq năm 2003, chiến thuật bắn tỉa được Mỹ rất chú trọng áp dụng. Trong thời bình, xạ thủ bắn tỉa còn làm nhiều công việc của lực lượng cảnh sát, phòng chống bạo loạn.
Lật giở những trang Báo Quân đội nhân dân in tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954, thấy rõ có phong trào thi đua “săn tây, bắn tỉa” phát động vào trung tuần tháng 4. Chiến sĩ Lộc Văn Thông chỉ với một khẩu súng bắn tỉa diệt 30 lính Pháp trên đồi A1.
 |
Bộ đội Đặc công Rừng Sác với những chiến công huyền thoại trong kháng chiến, chống Mỹ. Ảnh tư liệu.
|
Năm 1966, tại hậu phương miền Bắc, lực lượng bắn tỉa chuyên nghiệp đầu tiên được quân đội ta thành lập mang phiên hiệu tiểu đoàn 413 và tổ chức huấn luyện đặc biệt để có thể nhanh chóng chi viện cho chiến trường miền Nam. Đơn vị là sự tập hợp của hơn 100 chiến sĩ trẻ có tài năng về thiện xạ, tung vào chiến trường đã trở thành nỗi khiếp sợ của kẻ thù.
Năm 1972, từng có chuẩn tướng chỉ huy trưởng Lữ đoàn 199 bộ binh nhẹ của Mỹ đã bị một xạ thủ bắn tỉa Quân giải phóng Việt Nam bắn hạ khi đi thị sát chiến trường.
Thời bình, Quân đội đã và đang tạo điều kiện phát triển các xạ thủ giỏi, trong đó phải kể đến Hoàng Xuân Vinh, người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử đoạt huy chương Vàng Olympic.
Ngày nay Việt Nam không chỉ là “cường quốc” đào luyện những người lính bắn tỉa mà nhà máy Z111 của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng còn có dây chuyền sản xuất được nhiều loại súng bắn tỉa hiện đại, đã được sản xuất để trang bị cho một số đơn vị đặc biệt như đặc nhiệm biên phòng, đặc công…
Câu chuyện những người lính bắn tỉa có thể coi là một ví dụ điển hình trong chủ trương chiến lược, xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” mà chúng ta đã và đang thực hiện.
 |
Cán bộ, chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 với trang bị hiện đại phù hợp với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ảnh: Tiến Đạt
|
Những “hiệp sĩ” bé hạt tiêu trong “Vùng tai nạn”
Vùng tai nạn là cuộc thi dành cho những người lính cứu hộ cứu nạn. Tình huống giả định họ rơi vào một vùng của những sự cố thiên tai, nhân tai, thảm họa. Nơi có cháy nhà, tường đổ, khói lửa mịt mù, có những người cần cấp cứu và những hiểm nguy rình rập khắp nơi đòi hỏi sự nhanh nhẹn, sáng tạo, quyết đoán để cứu hộ, cứu nạn.
Đối thủ vẫn là các đội tuyển mạnh như Nga, Belarus, Uzbekistan có thể lực và kinh nghiệm rất tốt. Không ít người chỉ xem trên truyền hình so sánh với những “chiến binh sao vàng” thấp bé nhẹ cân đã vội lắc đầu nói: “Khó”.
 |
Các tuyển thủ Việt Nam thi đấu đầy quyết tâm tại nội dung "Vùng tai nạn". Ảnh: Tuấn Huy. |
Nhưng sự thật hoàn toàn khác... Vóc dáng nhỏ mang lại lợi thế giúp bộ đội ta di chuyển mau lẹ hơn, giữ thăng bằng tốt hơn ngay cả khi đang mặc bộ đồ bảo hộ thùng thình, kín mít hay vừa vác thang vừa vượt chướng ngại vật. Nhanh đến nỗi máy quay của chúng tôi không kịp lia theo hành động thoăn thoắt của họ. Chỉ chậm vài giây là người đã biến mất khỏi khuôn hình.
Kịch tính nhất là những màn thi đấu với đội tuyển Liên bang Nga. Nếu như thi cùng đội Lào hay Mali, những người lính cứu hộ - cứu nạn Việt Nam bỏ xa đội bạn về thời gian thì trong cuộc tranh tài với nhà đương kim vô địch “Vùng tai nạn” năm 2020, hai đội bám đuổi nhau sát sạt khiến tim của những người dõi theo như bắn ra khỏi lồng ngực.
Trái tim khán giả lại rung lên khi chứng kiến một vận động viên của chúng ta đang mang vác thang và phải vượt chướng ngại vật cầu treo không cố định, mặt cầu trơn ướt sau cơn mưa lớn trước đó, người đi trước liền dừng lại giữ cầu cho đồng đội vượt qua. Những “hiệp sĩ” có lá cờ đỏ sao vàng trên ngực trái hiểu rõ kỷ luật, đoàn kết làm nên sức mạnh.
Vừa hoàn thành phần thi đầy tốc độ trong tiếp sức vượt chướng ngại vật, những vận động viên phải lấy lại sự ổn định cơ thể, động tác để bước vào thi bắn súng K59 cho thấy độ khó của cuộc thi “Vùng tai nạn”. Bản lĩnh này không phải ai cũng làm được nhưng bộ đội ta rất bình tĩnh thể hiện yếu lĩnh rồi tiếp tục gồng mình với đội Nga để về đích. Lồng ngực các vận động viên ưỡn căng, môi mím chặt hằn rõ sự quyết tâm vì màu cờ sắc áo và guồng chân như bay trên quãng đường nước rút. Hình ảnh đó đã khiến những nữ phóng viên trên khán đài bật khóc!
Những quân nhân đến từ xứ sở Bạch Dương với thể hình cao lớn cộng thêm họ có kỹ năng thi đấu được rèn luyện trong môi trường quân đội mạnh hàng đầu thế giới đầu thế giới, không ngạc nhiên khi năm nay họ tiếp tục đứng vị trí số 1. Nhưng với thành tích đoạt huy chương Bạc, những chiến binh cờ đỏ sao vàng đã gây bất ngờ lớn đối với đội bạn bởi tại nội dung “Vùng tai nạn” năm 2020, Việt Nam chỉ giành huy chương Đồng. Đại úy Obidin Anton, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển “Vùng tai nạn” Liên bang Nga đã phải thốt lên rằng: “Chúng tôi coi Việt Nam là một đối thủ đáng gờm. Các bạn đã tiến bộ vượt bậc so với năm trước, những kỹ năng được thể hiện rất tốt và rất mạnh”.
Đội tuyển Vùng tai nạn là những người lính công binh làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn. Phát huy truyền thống “Mở đường thắng lợi” với khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm” trong kháng chiến chống Mỹ, Binh chủng Công binh đã chiến đấu dũng cảm, lao động quên mình, ngày đêm xẻ núi, san đồi, bắc cầu, ghép phà, mở đường, bảo đảm giao thông, rà phá, khắc phục bom, mìn, vật nổ... Hiện nay, binh chủng đang tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm, như: Xây dựng công trình quốc phòng, khắc phục hậu quả thiên tai từ biên giới vùng sâu, vùng xa đến hải đảo.
 |
Trung đoàn 6 công binh anh hùng Bộ đội Trường Sơn trong nhiệm vụ mở đường lớn bằng phương tiện cơ giới chuẩn bị cho Chiến dịch Tổng công kích mùa Xuân 1975. Ảnh tư liệu.
|
Điển hình trong mưa lũ lịch sử miền Trung 2020, công binh là lực lượng đầu tiên có mặt khắc phục hậu quả sạt lở đất. Lực lượng công binh Quân khu 4 đã linh hoạt sử dụng sức người, sức máy ngày đêm thông tuyến mở đường một cách nhanh nhất vào khu vực bị cô lập để tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh sử dụng máy xúc, máy múc, lực lượng công binh dùng flycam thông qua đó nhận định mức độ khu vực sạt lở, triển khai các phương án khắc phục nhanh chóng, phù hợp.
Hoạt động của lực lượng công binh đã góp phần quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, củng cố thế trận, tiềm lực quốc phòng, tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc. Binh chủng đã có sự phát triển về tổ chức, lực lượng và biên chế: Thành lập Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Đội Công binh cứu sập ASEAN và phòng chống khủng bố; Đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc…
 |
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 270 hỗ trợ ngư dân xã đảo Tân Hiệp, Quảng Nam chuẩn bị chống bão. Ảnh: Tùng Lâm |
 |
Phân đội Công binh công trình 1 thuộc Đại đội công binh gìn giữ hòa bình huấn luyện thi công cầu Beilay. Ảnh: Phú Sơn
|
Tuy công binh và một số lưc lượng chưa được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại nhưng luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm, có sự đầu tư phù hợp về con người và trang bị, Army Games là một cơ hội tốt để các lực lượng cọ sát. Và như thế, nội dung thi đấu “Vùng tai nạn” đã giúp bộ đội cứu hộ-cứu nạn “vượt vũ môn”, tinh nhuệ hơn, hiện đại hơn rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu thời bình “đi về phía nhân dân” trong những hành trình đối mặt với thiên tai, địch họa nơi đất nước "sáng ngăn bão dông, chiều ngăn nắng lửa".
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO QĐND ĐIỆN TỬ