Quán triệt quan điểm của Đảng, chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về GD-ĐT, nhận thức rõ vị trí, vai trò của đội ngũ giảng viên đối với việc nâng cao chất lượng GD-ĐT trong các nhà trường quân đội (NTQĐ), những năm qua, Đảng ủy, ban giám hiệu, ban giám đốc các NTQĐ đã có nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng, kiện toàn đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn giảng dạy; tập trung kiện toàn tổ chức biên chế, bổ sung lực lượng; kết hợp chặt chẽ công tác quy hoạch với việc tạo nguồn và từng bước chuẩn hóa đội ngũ giảng viên cả về trình độ học vấn, kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp sư phạm, năng lực NCKH và chức danh thực tế theo yêu cầu, nhiệm vụ.

Giảng viên Khoa Văn hóa, Ngoại ngữ (Trường Sĩ quan Chính trị) trao đổi chuyên môn (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: TUỆ HẢI 

Vì vậy, đội ngũ giảng viên các NTQĐ có sự phát triển cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, gương mẫu chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật; có trình độ kiến thức, năng lực sư phạm, NCKH, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng các nhà trường vững mạnh toàn diện.

Tuy nhiên, trước yêu cầu xây dựng quân đội và đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công tác xây dựng đội ngũ giảng viên trong các NTQĐ vẫn còn một số hạn chế, như: Một số chỉ tiêu về xây dựng đội ngũ nhà giáo chưa đạt theo yêu cầu; công tác quy hoạch cán bộ của một số cấp ủy, chi bộ có mặt còn hạn chế, nhất là trong quy hoạch đội ngũ cán bộ sư phạm; trình độ, năng lực, kỹ năng sư phạm, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, trình độ ngoại ngữ, tin học của một bộ phận giảng viên còn bất cập trước thực tiễn phát triển GD-ĐT của các NTQĐ.

Để xây dựng đội ngũ giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT của các nhà trường trong giai đoạn hiện nay, cần làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ nhà giáo, nhất là giảng viên dạy giỏi, giảng viên trẻ. Các khoa giáo viên căn cứ vào số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên hiện có để quy hoạch, xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên ở từng khoa, tổ bộ môn, bảo đảm về số lượng, chất lượng.

Quá trình quy hoạch phải luôn chú ý đến tính cân đối, hợp lý của đội ngũ giảng viên, đáp ứng đủ số lượng cho từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của nhà trường, nhiệm vụ của khoa và tổ bộ môn. Về chất lượng, tiến tới tất cả giảng viên phải đạt chuẩn và vượt chuẩn về trình độ học vấn, chức danh, kinh nghiệm thực tiễn, tuổi đời và sức khỏe. Về cơ cấu, phải bảo đảm sự cân đối, hợp lý giữa các khoa, các môn học, các chuyên ngành đào tạo.

Mặt khác, việc quy hoạch xây dựng đội ngũ giảng viên của từng khoa, tổ bộ môn phải bảo đảm tính thống nhất, khoa học, kế thừa, liên tục và phát triển. Cùng với công tác đào tạo, bồi dưỡng, các bộ môn, khoa cần tăng cường và thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy sau mỗi bài giảng, từng học kỳ và năm học của giảng viên, nhận xét rõ ưu điểm, hạn chế và hướng khắc phục đến từng giảng viên.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên về phẩm chất, năng lực, kỹ năng sư phạm, đạo đức nhà giáo. Biện pháp này xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của nhà trường, từ thực trạng đội ngũ giảng viên hiện có, yêu cầu về cơ cấu, trình độ học vấn, chuyên môn đào tạo, để xây dựng kế hoạch sắp xếp, tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giảng viên.

Đào tạo gắn với NCKH, phát triển tư duy độc lập, sáng tạo trong giảng dạy và NCKH của đội ngũ giảng viên; đổi mới, hoàn thiện quy trình, chương trình, nội dung đào tạo theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”; gắn đào tạo theo chức vụ với trình độ học vấn; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sư phạm cho giảng viên.

Nội dung bồi dưỡng phải bảo đảm tính toàn diện, chuyên sâu, trong đó cần tập trung bồi dưỡng những vấn đề phát triển mới của chương trình đào tạo; bổ sung tri thức mới cho những ngành cần thiết như cập nhật những vấn đề mới về quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của quân đội. Cùng với nâng cao trình độ lý luận, năng lực sư phạm, các nhà trường cần quan tâm xây dựng đội ngũ giảng viên thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách sư phạm.

Đặc biệt, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên phải gắn với hoạt động NCKH, thông qua hoạt động NCKH để rèn luyện, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ GD-ĐT của các NTQĐ. Trên cơ sở kế hoạch NCKH hằng năm, các khoa giáo viên cần chủ động và phát huy tốt vai trò của đội ngũ giảng viên trong NCKH, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về chất lượng GD-ĐT; đồng thời khẳng định vị thế, uy tín của nhà trường. Thông qua hoạt động NCKH giúp giảng viên có điều kiện đào sâu hơn, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung kiến thức cho phù hợp. 

Đại tá, TS BÙI QUANG HUY và Thiếu tá, ThS DƯƠNG VĂN TÙNG, Giảng viên Trường Sĩ quan Chính trị