Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP), 33 năm Ngày BPTD, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP về huy động sức mạnh toàn dân vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia.
 |
Trung tướng Đỗ Danh Vượng. |
Phóng viên (PV): Đề nghị đồng chí cho biết việc xây dựng nền BPTD và thế trận BPTD được quy định trong Luật Biên phòng Việt Nam như thế nào?
Trung tướng Đỗ Danh Vượng: Luật Biên phòng Việt Nam đã quy định rõ tại Điều 2: Biên phòng là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT), an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Nền BPTD là sức mạnh biên phòng của đất nước, được xây dựng trên nền tảng chính trị, tinh thần và các nguồn lực với phương châm toàn dân, toàn diện, độc lập, tự chủ, tự cường. Thế trận BPTD là việc tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ biên phòng phù hợp với Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia. Luật cũng đã quy định một trong 4 nguyên tắc thực thi nhiệm vụ biên phòng là: “Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hệ thống chính trị, dựa vào nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân”.
Tại Điều 9, Luật Biên phòng Việt Nam xác định cụ thể 5 nội dung cơ bản xây dựng nền BPTD, gồm: Xây dựng, tổ chức thực hiện Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực phòng thủ (KVPT), phòng thủ dân sự và kế hoạch phòng thủ ở khu vực biên giới; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở khu vực biên giới; xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng; xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân vững mạnh, rộng khắp; xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại; xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn ANTT, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.
Cùng với đó, 4 nội dung xây dựng thế trận BPTD cũng được quy định rõ: Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, bố trí các cụm dân cư đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), quốc phòng, an ninh (QP, AN) ở khu vực biên giới; xây dựng công trình phòng thủ liên hoàn, vững chắc; tổ chức, bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ biên phòng; phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, lực lượng phát huy sức mạnh tổng hợp, kịp thời xử lý các tình huống ở biên giới, khu vực biên giới; tổ chức nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ biên phòng.
Như vậy, Luật Biên phòng Việt Nam đã xác định rất rõ vị trí, vai trò của việc xây dựng nền BPTD và thế trận BPTD; khẳng định sức mạnh bảo vệ biên giới là sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc và phải xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân vững mạnh, rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. Trách nhiệm xây dựng nền BPTD và thế trận BPTD là của cả hệ thống chính trị.
PV: Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới, thời gian qua, BĐBP đã cụ thể hóa quan điểm của Đảng về xây dựng nền BPTD và thế trận BPTD như thế nào, thưa đồng chí?
Trung tướng Đỗ Danh Vượng: Những năm qua, bên cạnh việc làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ biên phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ vững ANTT, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu; phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với hoạt động của các thế lực thù địch, tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới... BĐBP luôn chú trọng tham mưu, làm nòng cốt trong xây dựng nền BPTD, thế trận BPTD ở khu vực biên giới.
Không chỉ thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng KVPT cấp tỉnh, cấp huyện biên giới, BĐBP còn triển khai nhiều chủ trương, giải pháp tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở; sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, phát triển KT-XH và thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo ở khu vực biên giới gắn với xây dựng, củng cố QP, AN; chủ động, tích cực tham gia phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn ở khu vực biên giới, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo...
Đặc biệt, BĐBP đã tổ chức triển khai hiệu quả “Ngày Biên phòng toàn dân” và Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, với 100% thôn, bản biên giới thành lập tổ tự quản ANTT, nhân dân tự nguyện đăng ký tự quản đường biên giới, mốc quốc giới; thành lập hơn 3.000 tổ tàu, thuyền an toàn, đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo; gần 500 bến bãi an toàn... góp phần xây dựng nền BPTD, thế trận BPTD vững chắc. Trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, BĐBP đã phát động Phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới, đạt hiệu quả rất thiết thực. Vững biên cương phải từ “thế trận lòng dân”. Nước ta có đường biên giới rất dài, địa bàn biên giới rất rộng, nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân và toàn hệ thống chính trị thì lực lượng BĐBP không thể nào quản lý tốt được.
 |
Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma (Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn) hướng dẫn hội phụ nữ và đoàn thanh niên địa phương quan sát các điểm mốc
quốc giới phục vụ phong trào tự quản đường biên, cột mốc (ảnh chụp khi chưa có dịch Covid-19). Ảnh: VI TOÀN
|
PV: Đồng chí có thể kể một số việc BĐBP đã và đang triển khai để góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trong bảo vệ biên giới?
Trung tướng Đỗ Danh Vượng: Trong xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ biên giới, BĐBP xác định công tác tuyên truyền, vận động là một trong những yếu tố then chốt, quyết định, phải được tiến hành đồng bộ, thường xuyên, liên tục. Trên các tuyến biên giới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP thực hiện “3 bám, 4 cùng” để tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu, tin tưởng và chấp hành tốt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ biên giới; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, tội phạm...
Nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đồng thời xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ biên giới, Bộ tư lệnh BĐBP đã phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và địa phương triển khai nhiều hoạt động hướng về biên giới, hải đảo, như: Chương trình “Mái ấm biên cương” xây tặng gần 10.000 căn nhà và hàng trăm công trình dân sinh; Chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới” đã trao hơn 30.000 con bò giống; Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” huy động gần 200 tỷ đồng hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình...
Riêng lực lượng BĐBP đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, như: Phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách, giúp đỡ hơn 42.000 hộ gia đình khu vực biên giới phát triển kinh tế; Phong trào “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới” đã giúp hàng nghìn thôn, bản, hàng trăm xã biên giới; Chương trình “Nâng bước em tới trường” nhận đỡ đầu, hỗ trợ gần 3.000 học sinh; Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” nhận nuôi 356 cháu hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” đã huy động hàng chục tỷ đồng mỗi năm để chăm lo Tết cho đồng bào biên giới. Các đơn vị BĐBP thực hiện tốt Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo” và các chương trình: Tặng cờ Tổ quốc và ảnh Bác Hồ, giúp ngư dân vươn khơi, bám biển; “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh” tham gia phát triển giáo dục, y tế vùng biên giới, hải đảo... Những hoạt động này có tính nhân văn sâu sắc, là sự tri ân của BĐBP với đồng bào khu vực biên giới; được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao; góp phần tăng cường đoàn kết quân-dân, xây dựng vùng biên ngày càng vững mạnh, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” bảo vệ biên giới.
Đặc biệt, BĐBP đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp giúp các địa phương biên giới xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Từ năm 1999 đến nay, BĐBP tăng cường hàng nghìn lượt cán bộ cho các xã biên giới, nhiều đồng chí giữ chức danh chủ chốt; giới thiệu hàng vạn lượt đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ các thôn, bản biên giới. Hiện BĐBP có 630 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện, cấp xã biên giới, hải đảo nhiệm kỳ 2020-2025...
Việc rất thiết thực nữa là chúng tôi chỉ đạo các đồn biên phòng chú trọng xây dựng lực lượng quần chúng cốt cán ở từng địa bàn, từng thôn, bản để làm nòng cốt tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ biên giới, giúp đỡ BĐBP hoàn thành nhiệm vụ.
PV: Đã nhiều năm công tác trong lực lượng BĐBP, gắn bó với biên cương Tổ quốc, đồng chí có điều gì trăn trở trong việc xây dựng “thế trận lòng dân” nơi biên giới?
Trung tướng Đỗ Danh Vượng: Những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách chăm lo xây dựng vùng biên giới, nhưng do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là về điều kiện tự nhiên, khí hậu, thời tiết, văn hóa, tập quán... nên đây vẫn là địa bàn chậm phát triển về KT-XH, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, biên giới là địa bàn các thế lực thù địch, phản động không ngừng lợi dụng để lôi kéo, kích động nhân dân, tăng cường hoạt động chống phá, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; các hoạt động tôn giáo trái pháp luật, buôn lậu, tội phạm ma túy, mua bán người qua biên giới... vẫn diễn biến rất phức tạp. Những thách thức đó ảnh hưởng không nhỏ tới “thế trận lòng dân” bảo vệ biên cương Tổ quốc.
PV: Vậy, chúng ta cần làm gì để khắc phục những khó khăn, thách thức đó?
Trung tướng Đỗ Danh Vượng: Phát triển KT-XH, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân là những nhân tố quyết định sự vững mạnh của “thế trận lòng dân” nơi biên giới, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Về phía BĐBP, chúng tôi luôn xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Quán triệt quan điểm “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, ta phải hết sức tránh”, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tiếp tục thực hiện “3 bám” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách) và “4 cùng” với nhân dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào). Thời gian tới, BĐBP chú trọng triển khai sáng tạo, nâng cao chất lượng các phong trào, mô hình, cách làm hiệu quả trong tuyên truyền, vận động và trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo; tập trung nhân rộng những mô hình, việc làm thiết thực để nâng cao trình độ nhận thức và tạo việc làm cho đồng bào vùng biên giới, để đồng bào ổn định cuộc sống, là cách phát triển bền vững nhất.
Cùng với đó, mong Đảng, Nhà nước, các địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư hơn nữa cho vùng biên giới, hải đảo. Trong điều kiện kinh tế của đất nước còn hạn hẹp, chúng ta cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, nhất là các doanh nghiệp, các mạnh thường quân quan tâm chăm lo, đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, phát triển giáo dục, y tế... đặc biệt là tạo việc làm để bà con yên tâm an cư lập nghiệp, vững vàng bám trụ vùng biên giới, hải đảo, bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
QUANG KIÊN - VIẾT LAM (thực hiện)