Phóng viên Báo Quân đội nhân dân phỏng vấn Thiếu tướng Đào Văn Nhận, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ tư lệnh (BTL) Thủ đô Hà Nội về chủ đề này.

Phóng viên (PV): Bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại lớn cho các địa phương của Hà Nội. Là lực lượng nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, vậy BTL Thủ đô Hà Nội đã tham mưu, chỉ đạo và triển khai lực lượng để thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, thưa đồng chí?  

Thiếu tướng Đào Văn Nhận: Với vai trò là cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, đồng thời là cơ quan thường trực Ban chỉ huy phòng thủ dân sự TP Hà Nội, ngay từ khi có thông tin dự báo bão số 3 có thể đổ bộ trực tiếp vào Hà Nội, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo triển khai trực 100% quân số và ban hành 12 công điện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương rà soát, kiểm tra kế hoạch, phương án ứng phó; kiểm tra, rà soát các trọng điểm, điểm xung yếu về đê, kè; phối hợp với chính quyền địa phương di dời hơn 800 hộ dân ở các địa bàn có nguy cơ sạt lở, sập đổ nhà; hiệp đồng chuẩn bị lực lượng hơn 10.000 người gồm cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc LLVT Thủ đô Hà Nội và các đơn vị đóng quân trên địa bàn, huy động hơn 300 phương tiện các loại... sẵn sàng ứng phó với cơn bão.  

leftcenterrightdel

 Lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội kiểm tra sở chỉ huy diễn tập. Ảnh: HỮU THU

Ngay khi cơn bão đi qua, BTL Thủ đô Hà Nội đã điều động, huy động hơn 15.000 người (bao gồm quân chủ lực, địa phương, dân quân tự vệ và cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn) phối hợp với các lực lượng giúp địa phương khắc phục hậu quả, tập trung xử lý cây xanh bị đổ, gãy để giải phóng, thông các tuyến đường giao thông.

Cùng với đó, các đơn vị Quân đội, dân quân tự vệ tiếp tục giúp nhân dân thu hoạch hoa màu tại các vùng ngập, úng; thăm hỏi, động viên các gia đình gặp nạn. Tính đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội, bão số 3 đã làm 4 người chết, 17 người bị thương; làm tốc mái hơn 1.000 nhà; hư hỏng hơn 70 xe ô tô; làm đổ gần 30.000 cây xanh; gãy, đổ hơn 200 cột điện, cột viễn thông; chìm 3 thuyền; gây ngập, đổ gần 16.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả.

Hiện BTL Thủ đô Hà Nội chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục nắm chắc tình hình địa bàn, kịp thời tham mưu, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục hậu quả bão lũ; tiếp tục phối hợp với các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, tham gia phòng, chống, khắc phục tràn đê sông Tích, sông Bùi và xử lý các tình huống khác có thể xảy ra trên địa bàn. Đồng thời với khắc phục hậu quả cơn bão, các cơ quan, đơn vị cũng nhanh chóng hoàn thành công tác chuẩn bị để sẵn sàng tổ chức diễn tập KVPT TP Hà Nội năm 2024.

Phóng viên (PV): Diễn tập KVPT được xác định là nhiệm vụ quan trọng trong công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Đồng chí có thể chia sẻ về ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ này đối với địa bàn Thủ đô Hà Nội?

Thiếu tướng Đào Văn Nhận: Thủ đô Hà Nội với vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh; là nơi đặt trụ sở của các cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học-công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Vì thế, Thủ đô Hà Nội luôn là trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Để tạo nền tảng bảo vệ vững chắc Thủ đô trong mọi tình huống, góp phần bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy”, đòi hỏi toàn Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân Thủ đô phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh; xây dựng KVPT thành phố thực sự vững chắc, đi vào chiều sâu, có tiềm lực và sức mạnh tổng hợp ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, tổ chức xây dựng, hoạt động trong KVPT nói chung, tổ chức diễn tập KVPT thành phố nói riêng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Cuộc diễn tập năm nay nhằm tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Kết luận số 64-KL/TW ngày 30-10-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong tình hình mới; Nghị quyết số 44-NQ/TW ngày 24-11-2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cuộc diễn tập cũng là cơ sở để tiếp tục củng cố, tăng cường các tiềm lực, xây dựng KVPT, thế trận phòng thủ dân sự vững chắc.

Đây cũng là dịp để nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của cơ quan quân sự, công an và các sở, ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng, hoạt động KVPT. Là cơ sở để các sở, ban, ngành bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện tác chiến phòng thủ. Đồng thời để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng tham gia diễn tập thấm nhuần sâu sắc hơn kiến thức quốc phòng, an ninh; tạo nền tảng, động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng KVPT TP Hà Nội ngày càng vững chắc.

Bên cạnh đó, cuộc diễn tập còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; thể hiện được sức mạnh, khả năng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, LLVT và nhân dân trong việc xây dựng và bảo vệ Thủ đô nói riêng cũng như bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

PV: Là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, vậy nội dung diễn tập của TP Hà Nội có gì mới và khác so với các tỉnh, thành phố khác, thưa đồng chí?

Thiếu tướng Đào Văn Nhận: Năm nay, các nội dung diễn tập KVPT của TP Hà Nội được thực hiện theo chủ trương đổi mới về nội dung, phương pháp.

Thứ nhất, đây là cuộc diễn tập có quy mô, lực lượng, vũ khí, trang bị, phương tiện và sự phối hợp, hiệp đồng quân, binh chủng lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó có sự tham gia của 17 đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đứng chân trên địa bàn tham gia diễn tập vận hành cơ chế cùng với thành phố; có 10 đơn vị quân, binh chủng cùng tham gia diễn tập chỉ huy-tham mưu. Đặc biệt, diễn tập có sự đổi mới về phương pháp tổ chức. Lần đầu tiên có 28 đầu mối ban, bộ, ngành cùng tham gia Ban chỉ đạo diễn tập, trực tiếp chỉ đạo thành phố tiến hành diễn tập.

Thứ hai, so với các cuộc diễn tập trước đây, diễn tập năm nay diễn ra trên địa bàn rất rộng. Các khu vực diễn tập vận hành cơ chế, thực binh được bố trí phân tán rộng khắp tại các tỉnh, thành phố từ Hà Nội đến Hòa Bình, Bắc Giang.

Thứ ba, cuộc diễn tập phát huy sử dụng công năng hệ thống công trình ngầm, công trình lưỡng dụng trong KVPT, vận dụng tối đa khả năng động viên công nghiệp quốc phòng.

Thứ tư, đầu bài, đáp án của diễn tập được giữ kín, không phổ biến đến khung diễn tập để tạo yếu tố bất ngờ, sát, giống với tình huống thực tế có thể xảy ra. Đây là điều kiện để hệ thống chính trị, các lực lượng tham gia diễn tập nâng cao năng lực, trình độ ứng phó với các tình huống. Để xử lý được đòi hỏi khung diễn tập phải nghiêm túc trong tập huấn, bồi dưỡng, chủ động nghiên cứu nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; nắm vững âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá, tác chiến của các thế lực thù địch, từ đó mới hoàn thành được nội dung diễn tập theo yêu cầu.

Theo tôi, đây là phương pháp rất hay, cần thiết, không chỉ riêng cho diễn tập của Hà Nội mà cũng nên áp dụng cho các đơn vị, địa phương khác để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả diễn tập.

PV: Vậy BTL Thủ đô Hà Nội đã tham mưu cho thành phố làm công tác chuẩn bị như thế nào để bảo đảm tổ chức thành công cuộc diễn tập này?

Thiếu tướng Đào Văn Nhận: Đến thời điểm hiện tại, thành phố, BTL Thủ đô Hà Nội và các lực lượng đã cơ bản làm tốt công tác chuẩn bị cho diễn tập. Cụ thể, BTL Thủ đô Hà Nội đã tham mưu với thành phố ban hành đầy đủ hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các cấp về nhiệm vụ diễn tập; tổ chức tập huấn nội dung diễn tập cho ban chỉ đạo, ban tổ chức, khung diễn tập, tổ đạo diễn... theo đúng kế hoạch.

Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức xây dựng, củng cố sở chỉ huy diễn tập; hệ thống công sự, trận địa, hệ thống sa bàn, căn cứ hậu cần-kỹ thuật, khu vực trú quân của bộ đội; khu vực bệnh viện dã chiến; khu vực tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự... bảo đảm đúng tiến độ. Đồng thời, tổ chức hiệp đồng các lực lượng tham gia diễn tập chặt chẽ, huấn luyện các lực lượng thực binh sát thực tế chiến đấu, tổ chức luyện tập phân đoạn, sơ duyệt, hướng dẫn các nội dung diễn tập cho sở, ban, ngành theo đúng kế hoạch.

Với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chúng tôi tin tưởng rằng diễn tập KVPT của TP Hà Nội năm 2024 sẽ thành công tốt đẹp, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGỌC HÂN (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.