QĐND - Năm 2010, nền kinh tế thế giới chưa thoát khỏi sự khủng hoảng, song thị trường vũ khí vẫn không ngừng sôi động và việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển, chế tạo vũ khí, trang thiết bị khí tài quân sự công nghệ cao tiếp tục nâng lên. Ngoài các cường quốc quân sự như Mỹ, Nga và một số nước Tây Âu, còn có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, I-xra-en, Nam Phi... đã phát triển, nâng cấp cải tiến và chế tạo nhiều loại vũ khí mới, hiện đại. Khép lại thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, đã có nhiều thế hệ vũ khí, trang thiết bị khí tài quân sự mới ra đời, tạo tiềm năng cho cuộc cách mạng vũ khí công nghệ cao, hiện đại. 

Máy bay quân sự và vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hàng không, vũ trụ phát triển nổi bật. Một trong những đặc trưng của chiến tranh công nghệ cao là sử dụng vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại dẫn đường, tự động hóa điều khiển từ xa và đánh đòn phủ đầu bằng tập kích đường không. Chính vì thế, việc đầu tư cho nghiên cứu phát triển, nâng cấp hiện đại hóa máy bay quân sự và vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật hàng không-vũ trụ ngày càng nâng lên. Khi hệ thống vệ tinh ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, thì việc khai thác chúng để ứng dụng vào mục đích quân sự trở nên mạnh mẽ. Hàng loạt các loại vũ khí ứng dụng công nghệ vệ tinh vào dẫn đường, điều khiển, định vị ra đời với độ chính xác và hiệu quả tiêu diệt mục tiêu rất cao.

Máy bay tiêm kích PAK-FA của Nga. Ảnh sưu tầm.

Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 ra đời và đưa vào biên chế đang tạo nên cuộc chạy đua quyết liệt. Mỹ đã đưa vào biên chế máy bay chiến đấu bay với tốc độ tối đa 1.72M (vận tốc máy bay so với tốc độ âm thanh), năm 2010, Mỹ tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm hoàn thiện máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 5 với các loại F-22 Raptor, F-35 Lightning-II với các biến thể F-35A, F-35B, F-35C. Không dừng lại ở đó, Hãng chế tạo máy bay Bô-ing còn công bố đang nghiên cứu chế tạo máy bay chiến đấu đa năng thế hệ thứ 6 F/A-XX hai động cơ, hai chỗ ngồi, dùng cho hải quân để thay thế các loại máy bay chiến đấu F/A 18E sau năm 2025. Nga cũng đã đầu tư phát triển và đang thử nghiệm tính năng kỹ thuật, chiến thuật của máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 PAK FA T-50 để thay thế máy bay chiến đấu MiG-29 và Su-27 Flanker hiện đang có trong biên chế. Năm 2010, Nga đã tiến hành bay thử nghiệm máy bay chiến đấu PAK FA T-50 với tầm hoạt động hơn 5000km, được ứng dụng các công nghệ chế tạo trình độ hàng đầu thế giới. Công nghệ chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 của Nga đang được chia sẻ kinh nghiệm trong dự án hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu hiện đại giữa Nga và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Nga tiếp tục phát triển, hiện đại hóa máy bay chiến đấu như Su-35, MiG-35 và MiG-39 và ký hợp đồng với nhiều nước để xuất khẩu các loại máy bay hiện đại.

Đi cùng với máy bay chiến đấu thế hệ mới là các loại vũ khí, thiết bị hàng không tiên tiến. Máy bay PAK FA T-50 của Nga trang bị tên lửa không đối không R-73, R-77, tên lửa không đối đất X-31, X-35, X-4 và các loại tên lửa đối hạm, bom không quân dẫn đường chính xác cao, pháo 30mm... có khả năng tiến công đồng thời cả mục tiêu trên không, mặt đất và trên biển. Ra-đa N050 BLRS lắp trên máy bay cho phép quét đồng thời 32 mục tiêu khác nhau trong phạm vi 400km, và hướng tên lửa để tiêu diệt đồng thời 8 mục tiêu nguy hiểm nhất. Máy bay F-22 Raptor và F-35 Lightning-II của Mỹ mang được nhiều loại vũ khí khác nhau, trong đó có các loại tên lửa không đối không tiên tiến như AIM-120, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM và tên lửa không đối đất, bom có điều khiển và vũ khí năng lượng định hướng.

Máy bay tiêm kích F-35 Lightning II biến thể B. Ảnh sưu tầm.

Công nghệ tàng hình tiếp tục được quân đội các nước phát triển và mở rộng ứng dụng trên máy bay, tàu chiến, xe tăng và các loại vũ khí, phương tiện lục quân khác. Nó được ứng dụng trên các loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 như F-22 Raptor, F-35 Lightning-II và các loại máy bay hiện đại. Nga đã thành công trong nghiên cứu phát triển công nghệ tàng hình plasma không chỉ ứng dụng trên máy bay hiện đại mà còn ứng dụng chế tạo hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật, chiến dịch Iskander và các hệ thống vũ khí phòng không thế hệ mới. Mỹ đã ứng dụng công nghệ tàng hình vào chế tạo vũ khí hàng không, xe tăng, xe quân sự, các trang thiết bị vũ khí lục quân và trang bị quân dụng. Pháp và Thụy Điển tiếp tục hoàn thiện công nghệ tàng hình cho tàu chiến đấu, tàu tuần tra và tàu vận tải quân sự.

Vũ khí phòng không tiếp tục phát triển mạnh mẽ để đối phó với các cuộc tập kích đường không bằng vũ khí công nghệ cao. Năm 2010, Nga tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa phòng không hiện đại S-400 và chuẩn bị cho dự án thiết kế, chế tạo hệ thống tên lửa phòng không hiện đại nhất trong tương lai S-500 do Tập đoàn chế tạo vũ khí phòng không Almaz-Antey nghiên cứu, chế tạo. Khác với tên lửa S-400, tổ hợp tên lửa phòng không S-500 có kích cỡ nhỏ gọn hơn, nhanh hơn, hỏa lực mạnh hơn, chính xác hơn và hiệu quả tiêu diệt mục tiêu cũng cao hơn rất nhiều. Tổ hợp tên lửa S-500 được sử dụng để đánh chặn tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa gần 3.500km ở cự ly tầm trung và tầm gần. Ngoài ra, tổ hợp S-500 còn có thể đồng thời bắn vào 10 mục tiêu khác nhau hoạt động ở tốc độ siêu thanh trong bán kính gần 600km. Dự kiến, tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất của Nga này sẽ được hoàn tất vào năm 2015.

Giang Hồng Cương