Các đơn vị tổ chức lực lượng, tiến hành xây dựng thành công cơ sở hành lang, bàn đạp, tạo thế bám địch và đánh địch đúng thời cơ; đồng thời phát huy tốt tinh thần đoàn kết nhất trí, chủ động sáng tạo vượt qua mọi khó khăn, thử thách, luồn sâu vào hậu phương chiến lược của địch, tiến công kiên quyết, táo bạo, đánh nhiều trận, phá hủy nhiều máy bay, nhiều phương tiện chiến tranh khác tại các căn cứ xuất phát của lực lượng không quân Mỹ. Tiêu biểu là trận đánh T90 ngày 9-1-1972, đạt hiệu suất chiến đấu đặc biệt cao, phá hủy 8 máy bay B52 của đối phương; khẳng định khả năng, ý chí chiến đấu, tinh thần khắc phục khó khăn và cách đánh độc đáo, sáng tạo, hiệu quả của ĐCBĐ.
 |
Chiến đấu viên Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 luyện tập võ đối kháng. Ảnh: Chi Vũ
|
Với hiệu suất chiến đấu đặc biệt cao của ĐCBĐ và nhu cầu phát triển của lực lượng đặc công cho giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 5-6-1974, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ký quyết định chuyển Tiểu đoàn ĐCBĐ1 thành Đoàn ĐCBĐ1. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển về tổ chức, xây dựng lực lượng và tác chiến của ĐCBĐ trong giai đoạn mới.
Vào thời khắc lịch sử, 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, trong giờ phút trọng đại của toàn dân tộc, cán bộ, chiến sĩ đơn vị bám chắc mục tiêu, sẵn sàng chờ lệnh tiến công, phá hủy các phương tiện chiến tranh của địch, làm thất bại mọi ý đồ phản công của đối phương trên các hướng vào chiến trường miền Nam Việt Nam.
Từ sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, lữ đoàn tiếp tục xây dựng lực lượng ĐCBĐ chất lượng cao, SSCĐ bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn này, đơn vị vừa độc lập tác chiến, vừa phối hợp tham gia hầu hết các chiến dịch, các đợt hoạt động của các quân khu, mặt trận trên các hướng; đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, lập nhiều chiến công vang dội ở các mặt trận 579, 479, 779...
Bước vào thời kỳ đổi mới, tổ chức biên chế của lữ đoàn có nhiều thay đổi; nhiệm vụ thường xuyên bổ sung, phát triển mới, ngày càng nặng nề, phức tạp hơn nhất là nhiệm vụ SSCĐ, phòng chống "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ, chống khủng bố… Lữ đoàn luôn quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, bám sát thực tiễn cách mạng, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng SSCĐ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Với nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc trong suốt 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Lữ đoàn ĐCBĐ1 được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý: 5 Huân chương Quân công, 7 Huân chương Chiến công, 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, 4 Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, 3 cờ thi đua của Bộ Quốc phòng, 18 cờ Đơn vị huấn luyện giỏi của Bộ Tổng tham mưu... Lữ đoàn có 3 tập thể và 4 cá nhân được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Đặc biệt, ngày 13-3-2008, lữ đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống, Lữ đoàn ĐCBĐ1 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.
Đại tá NGUYỄN HỒNG DŨNG (Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1)