QĐND - Năm 2001, tôi là học viên tạo nguồn năm thứ nhất. Lần đầu tiếp xúc với môi trường quân đội, trước đòi hỏi khắt khe của nhiệm vụ huấn luyện và tính nghiêm minh của kỷ luật quân đội, nhiều học viên có vẻ nản lòng.

Cùng tiểu đội với tôi có Nguyễn Văn Trân, người thi đỗ hai trường đại học. Thời gian đầu, Trân chưa thật sự an tâm học tập, công tác. Sau mỗi buổi huấn luyện vất vả, Trân thường tâm sự với tôi ý định muốn xin ra quân, để chuyển ra học ở một trường đại học dân sự. Những lúc như vậy tôi chỉ biết động viên đồng đội. Nhưng trước tư tưởng “đứng núi này, trông núi nọ” cộng với biểu hiện ngại khó, ngại khổ và quyết tâm xin ra quân của Trân, nên mọi nỗ lực động viên của tiểu đội trở nên vô tác dụng. Cuối cùng chuyện của Trân được báo cáo lên cấp trên và chính Trân cũng trực tiếp đề xuất với Chính trị viên đại đội nguyện vọng của mình.

Sau thời gian gặp gỡ, giáo dục của cán bộ các cấp, Trân bỏ ngoài tai tất cả và tuyên bố trước tiểu đội: “Không cho ra quân, tôi sẽ đào ngũ”. Nhưng như có chuyện lạ. Chỉ sau một đêm được Chính trị viên đại đội gọi lên tâm sự, sáng sớm hôm sau Trân chân thành xin lỗi anh em và xin được tiếp tục học tập, công tác cùng đồng đội. Hành động của Trân làm cho cả đơn vị ngỡ ngàng và không hiểu “thần dược” nào đã giúp Trân như vậy.

Năm 2006, ra trường, Trân vào miền Nam công tác và cũng từ đó chúng tôi xa nhau. Đầu năm 2011, tôi gặp lại Trân. Giờ đây Trân đã là thượng úy, giảng viên một trường đại học quân đội và hiện đang học cao học. Chúc mừng thành công của đồng đội, tôi không quên nhắc lại thắc mắc của mình. Trả lời tôi, Trân lấy từ trong ví ra một lá đơn. Đó là đơn xin ra quân. Giọng Trân xúc động: “Đơn do anh Tính, Chính trị viên của bọn mình viết đó... Nếu không có anh ấy, chẳng biết bây giờ mình sẽ như thế nào nữa?”.

Đọc lá thư, nước mắt tôi ứa ra. Từng câu từ của lá đơn do Chính trị viên chắp bút như được viết từ tình cảm sâu kín nhất của Trân. Lá đơn đứng tên Nguyễn Văn Trân, trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, kể về quê hương còn kém phát triển và cả những dự định, toan tính thiệt hơn của một thanh niên đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Lá đơn “xin ra quân” như lật tẩy toàn bộ những suy nghĩ bồng bột, nhất thời của Trân; đồng thời cũng vạch ra hai hướng đi và đặt lên “bàn cân” thiệt, hơn trong mỗi lựa chọn (Nếu ở lại học tập trong quân đội...? Nếu ra quân và bắt đầu một con đường mới...?).

Đọc xong lá thư, tôi thật sự cảm phục người Chính trị viên năm nào. Nếu ở địa vị của Trân và được đọc lá thư này, chắc chắn tôi sẽ quyết định như Trân. Chính trị viên không chỉ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Trân, chỉ đúng nguyên nhân bồng bột xin ra quân, mà hơn thế nữa, chỉ trong một thời gian ngắn ngủi Chính trị viên đã nắm chắc truyền thống quê hương, gia đình, nắm chắc hoàn cảnh và biết “mở ra” cánh cửa tương lai  cho Trân. Từng câu từ của lá đơn toát lên một tình yêu đồng đội, lòng vị tha và cả một nghệ thuật thuyết phục có lý có tình của người cán bộ. Xin ghi lại những dòng tái bút của Chính trị viên Tính gửi cho Trân:

“Đọc xong lá đơn anh viết hộ em. Nếu vẫn quyết tâm xin ra quân chỉ cần em chép lại như anh viết là được. Trân ạ! Mọi con đường đều có chông gai. Nếu sợ khó khăn thì không thể bước đi trên bất cứ con đường nào”.

Nguyễn Tuân