 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Internet |
QĐND-Đã từ lâu, có lẽ phải đến hàng chục năm nay, những người giúp việc Đại tướng có 3 ngày trong năm hẹn nhau về ngôi nhà thân thương ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội để chúc mừng Đại tướng. Đó là ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5; ngày sinh của Đại tướng 25-8; ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12.
Những người làm Báo Quân đội nhân dân chúng tôi hầu như cuộc gặp mặt nào cũng được dự, nhưng chưa có lần nào chúng tôi thấy đông đủ các thế hệ và được nghe nhiều câu chuyện, những kỷ niệm của họ với Đại tướng sâu sắc, cảm động như năm nay, nhân mừng thọ Đại tướng tròn “100 tuổi xuân”. Đáng tiếc, vì điều kiện sức khỏe, Đại tướng vắng mặt, chỉ có bác Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng và gia đình cùng dự.
Cũng như mọi lần, cuộc gặp giản dị đến không thể giản dị hơn được. Trong căn phòng đầy ắp những kỷ vật tặng Đại tướng, thoang thoảng hương hoa lan – loài hoa mà Đại tướng rất yêu thích, mọi người ngồi ken vào nhau, có ghế thì ngồi ghế, không có ghế thì đứng… Hầu hết tuổi đã ngoài 80 xuân, nhưng ai cũng mạnh khỏe, minh mẫn. Người thì đi bộ, người thì đi xe ôm, người thì đi ô tô buýt; người thì con, cháu đèo đến… Tất cả họ có chung niềm vinh dự lớn là từng được làm việc, được phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tá Nguyễn Văn Huyên, Thư ký riêng của Đại tướng, cũng vì điều kiện sức khỏe, hôm nay vắng mặt, giao vai trò “nhạc trưởng” cho Đại tá Trịnh Nguyên Huân. Ông là thư ký cho Đại tướng về đối ngoại đã 34 năm.
Sự vĩ đại bắt nguồn từ chính sự bình dị
Ngay từ lời mở đầu, ông Huân đã làm mọi người xúc động: “Hôm nay, chúng ta cùng nhau họp mặt tại đây để mừng thọ anh Văn – Đại tướng Tổng tư lệnh, người Anh Cả vô cùng kính mến của chúng ta… Chúng ta thành kính chúc anh minh mẫn, mạnh khỏe để cùng với dân tộc chứng kiến Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội và Lễ kỷ niệm 65 năm thành lập nước Việt Nam mới, chứng kiến những bước phát triển của đất nước ngàn năm văn hiến trong buổi bình minh ở Thiên niên kỷ thứ ba của nhân loại… Với mọi người, Đại tướng là một nhà lãnh đạo cách mạng tiêu biểu, một nhà quân sự lỗi lạc, một vị Tổng tư lệnh “văn võ song toàn” đức tài trọn vẹn, một nhà chiến lược mưu trí sáng tạo, một nhà lý luận quân sự hàng đầu, một nhà tổ chức kiệt xuất của Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, một vị tướng có uy tín lớn ở trong nước và quốc tế… Với chúng ta, những người hằng ngày được làm việc bên cạnh anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là “Anh Văn” thân thiết trong lòng mỗi người. Đó là người Thầy, người Cha, người Anh rất mực nhân từ, hết sức bình dị và vô cùng uyên bác. Một nhân cách lớn mà sự vĩ đại bắt nguồn từ chính sự bình dị đó…
Mười chữ vàng do Viện Mác – Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh kính tặng Đại tướng đã nói lên một cách súc tích công lao và đức độ của nhân cách lớn ấy: Võ công truyền quốc sử/ Văn đức quán nhân tâm...”
Mệnh lệnh như lời hịch của non sông
Ngay sau lời phát biểu của ông Huân, Trung tướng Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nói: “Kỷ niệm của tôi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì rất nhiều, nhưng hơn một kỷ niệm là cảm nhận của tôi về những mệnh lệnh của Đại tướng. Tôi nhớ, năm 1947, tôi là chính trị viên tiểu đoàn Bình Ca (tiểu đoàn 42), nhận lệnh của Đại tướng chỉ vỏn vẹn có 12 từ: “Tiểu đoàn 42 sống chết với con đường Bình Ca - Thái Nguyên”. Nhưng 12 từ ấy - ngay sau khi được đọc to lên cho cả đơn vị nghe, thì cả đoàn quân như có một luồng sinh khí mới. Nhiều chiến sĩ từ Thủ đô lần đầu tiên vào rừng bị sốt rét nằm la liệt trong các lán đều bật dậy, tất cả xung phong ra trận, tất cả nguyện chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ bằng được con đường Bình Ca - Thái Nguyên.
Lần thứ hai, năm 1975, sau chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tôi là Phái viên của Tổng cục Chính trị đi với cánh quân phía đông thì nhận được mệnh lệnh của Đại tướng: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa… Xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Tôi mang mệnh lệnh, cùng đồng chí Thiếu tướng Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn 2 đi phổ biến cho các đơn vị. Các chiến sĩ nghe mệnh lệnh của Đại tướng đồng loạt hô vang “Hoan hô Đại tướng, quyết chiến và toàn thắng”. Mệnh lệnh của Đại tướng như lời hịch của non sông, mọi người như có thêm sức mạnh thần kỳ tiến lên cùng toàn dân giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”
Đừng để mất dân
Ông Trần Việt Phương nguyên Thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng kể một kỷ niệm mà ông cho rằng đó là bài học sâu sắc nhất dẫn dắt ông trên con đường đi làm cách mạng:
Tháng 11-1945, ông được đồng chí Nam Long, Đội trưởng (trung đoàn trưởng) Đội giải phóng quân từ miền Nam cử ra báo cáo với Trung ương về chiến thuật trận địa chiến (dàn hàng ngang) đánh địch của Đội không mang lại hiệu quả. Bác Hồ cử đồng chí Võ Nguyên Giáp tiếp ông. Nghe ông báo cáo, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: “Trung ương đã cử một tướng (đồng chí Nguyễn Sơn) thạo chiến tranh du kích vào miền Nam, các đồng chí yên tâm sẽ có những cách đánh mới phù hợp với cách đánh của ta”.
 |
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại Điện Biên vào dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Đình Toán. |
Sau khi nghe báo cáo về tình hình mất đất của Đội, đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: “Thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến mất đất là điều khó tránh khỏi, nhưng đừng để mất dân. Mất đất mà vẫn giữ được dân thì sẽ lấy lại được đất. Chỉ sợ để mất dân thì có giữ được đất rồi cũng mất…”. Ông mang ý kiến của đồng chí Võ Nguyên Giáp vào báo cáo với Đội trưởng Nam Long. Cả đơn vị tổ chức học tập, làm theo chỉ đạo đó của đồng chí Võ Nguyên Giáp và sau này đơn vị đã giành lại được đất là nhờ làm tốt công tác dân vận, dựa hẳn vào dân, sống với dân, bảo vệ dân và dân bảo vệ bộ đội.
Từ năm 1947, khi ra Trung ương rồi về làm Thư ký cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng thì ông thường xuyên được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bao giờ cũng được Đại tướng căn dặn bài học “Vì dân, dựa vào dân”. Bài học đó đã đi suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Ở tuổi “xưa nay hiếm” càng nghĩ, ông càng thấy lời căn dặn “Vì dân, dựa vào dân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ đúng trong xây dựng Quân đội cách mạng mà còn tuyệt đối đúng trong mọi công việc của người cán bộ cách mạng, không chỉ trong trận mạc, trong kháng chiến, mà cả trong hòa bình, trong xây dựng đất nước hôm nay.
Phải học cả chuyên môn và chính trị
Ông Phạm Khắc Lãm, nguyên Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam “bị” cánh nhà báo vây nhiều nhất. Biết tôi là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông nói nhỏ: “Lát nữa tớ gặp riêng cậu” Tôi cám ơn và ngồi chờ ông đến tận cuối buổi sáng mới gặp được. Ông nói ngay: Bài học về dùng người của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sâu sắc nhất đối với tôi. Tôi muốn nói riêng với đồng chí vì muốn dành câu chuyện này chỉ để đăng Báo Quân đội nhân dân, như để trả ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ông kể rằng, ông làm thư ký cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ tháng 8-1947 đến giữa năm 1954. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng nói với ông “Cậu phải đi học”.
Ông nói: “Tôi hết sức ngỡ ngàng, vì biết nhiệm vụ quân đội đang rất nặng nề, Đại tướng cũng rất cần những người giúp việc như chúng tôi. Tôi không biết nói gì, chỉ đứng nghiêm nhìn Đại tướng. Đại tướng nói đại ý: Cậu có văn hóa, Quân đội cử cậu đi Trung Quốc học đại học báo chí để sau này về phục vụ Tổ quốc.
Hôm đi học, Đại tướng căn dặn riêng tôi: “Chúc cậu học giỏi chuyên môn và chú ý phải tự học, tự rèn cả chính trị”. Nghe lời căn dặn của Đại tướng lúc ấy quả thực là tôi chưa hiểu hết, nhưng càng ngẫm nghĩ, càng thấy lời Đại tướng căn dặn thật sâu sắc với hoàn cảnh của tôi. Nhất là sau này làm công tác quản lý, tôi mới lại càng thấm thía những lời dặn dò của Đại tướng. Ngày ấy, trong đoàn đi sang học Đại học báo chí ở Bắc Kinh, Trung Quốc có cả đồng chí Phạm Phú Bằng là phóng viên mặt trận của Báo Quân đội nhân dân đấy. Bây giờ tôi cứ ngẫm nghĩ, nếu lúc ấy Đại tướng không có tầm nhìn xa, không có những quyết định táo bạo “dứt” chúng tôi ra khỏi việc quân để đi học thì chắc chắn sau này hòa bình xây dựng đất nước, chúng ta không tránh khỏi khó khăn”.
Nhận mạ vàng bức tượng Đại tướng
Sau khi Giáo sư sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam tặng gia đình Đại tướng cuốn sách về 59 vị tướng huyền thoại trong lịch sử 2500 năm của thế giới (tác giả Jeremy Black; Nhà xuất bản Thames & Hudson xuất bản tại Luân Đôn (Anh) năm 2008; Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người Việt Nam duy nhất, cũng là người duy nhất còn sống có mặt trong cuốn sách này) và bức ảnh chụp bức tượng đồng mà Hội Sử học Việt Nam đúc tặng Đại tướng, ông Dương Trung Quốc-Tổng thư ký Hội Sử học Việt Nam nói với mọi người: “Đây là bức tượng đồng nguyên chất đang được các nghệ nhân giỏi đúc. Hiện nay đã có một doanh nghiệp xin được mạ vàng bức tượng...”.
Giáo sư Phan Huy Lê nói: Về những đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lĩnh vực sử học, cả thế giới đều đánh giá Đại tướng đã đi vào lịch sử bằng tài năng, nhân cách, thiên tài quân sự, nhà văn hóa lớn. Về khía cạnh sử học, hiếm có vị tướng nào trên thế giới vừa có binh nghiệp lẫy lừng, vừa soạn được những cuốn binh thư hiện đại, mang tính tổng kết về lý luận sâu sắc như Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Còn rất nhiều, rất nhiều câu chuyện, những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được kể trong buổi gặp mặt của những người từng sống và làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những câu chuyện, những kỷ niệm ấy toát lên bài học về tài, đức của người cán bộ cách mạng, nhà lãnh đạo, vị tướng cầm quân... Và trên hết về một nhân cách vĩ đại đồng thời là một con người rất đỗi bình dị...
Huy Thiêm