Tên lửa chống tăng thế hệ thứ ba

Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển trang bị quân sự Ấn Độ đang tiến hành thử nghiệm loại tên lửa chống tăng thế hệ thứ ba Nag. Tên lửa hoạt động theo nguyên lý “phóng và quên”, được lắp trên xe chiến đấu bộ binh hoặc máy bay trực thăng, có khả năng tiêu diệt chính xác mục tiêu ở cự ly từ 4km đến 6km. Tên lửa chế tạo bằng vật liệu composite thủy tinh, mang đầu đạn nặng 8kg, trang bị hệ thống dẫn đường hồng ngoại hiện đại, có khả năng tiêu diệt các loại xe bọc thép tối tân. Toàn bộ hệ thống tên lửa nặng khoảng 42kg.

Máy bay Su-35

Ứng dụng công nghệ hàng không cho máy bay

Nga đã ứng dụng những thành tựu khoa học-công nghệ hàng không để hiện đại hóa máy bay tiêm kích đa năng Su-35 thế hệ 4++. Điểm nổi bật của Su-35 là sử dụng các thiết bị hàng không, điều khiển kỹ thuật số. Ra-đa lắp trên máy bay dùng an-ten mạng pha, có tầm phát hiện mục tiêu trên không rộng, có thể bám và tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc. Động cơ mới lắp trên máy bay sử dụng nguyên lý tăng lực kéo và véc-tơ xoay, do đó nâng cao khả năng cơ động và vượt trội hơn hẳn so với các máy bay tiêm kích cùng loại.

Rô-bốt phát hiện “hải tặc”

Các chuyên gia Trung tâm Kỹ thuật chế tạo rô-bốt cứu hỏa thuộc Nhà máy Pi-ốt (Nga) đang nghiên cứu phát triển loại rô-bốt dùng để chống “hải tặc”. Rô-bốt trang bị ca-mê-ra theo dõi khu vực mặt nước cả ngày đêm, hoạt động tự động hoặc do người điều khiển, nhằm bảo đảm an ninh cho tàu. Mỗi tàu trang bị 12 rô-bốt, nhờ đó sẽ phát hiện lực lượng “hải tặc” từ xa để các tàu chủ động đối phó với nguy hiểm.

Pháo phòng không “thông minh”

I-ran đã chế tạo thành công pháo phòng không 100mm hiện đại để tiêu diệt các loại máy bay, tên lửa hành trình và các mục tiêu trên không. Pháo do ngành công nghiệp quốc phòng I-ran thiết kế, chế tạo. Đồng bộ cho pháo gồm các hệ thống phát hiện mục tiêu, điều khiển hỏa lực “thông minh”, nhờ đó, pháo có khả năng tự động xác định và tiêu diệt các mục tiêu trên không.

PHẠM VĂN TOÀN (Theo báo chí Nga)