Các tham luận đã nêu bật mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; những thành tựu của Quốc hội và HĐND qua các thời kỳ; quyền lợi, nghĩa vụ, tình cảm, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đối với cuộc bầu cử; đồng thời nêu bật vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chính trị, tổ chức đoàn các cấp trong quân đội đối với công tác bầu cử; nhận diện, đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc phá hoại cuộc bầu cử... Báo Quân đội nhân dân lược trích một số tham luận gửi tới tọa đàm.

GS, TS MẠCH QUANG THẮNG, Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Bộ máy nhà nước từ lâm thời tới chính thức

Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời chính thức từ ngày 2-9-1945, kết quả từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Lực lượng yêu nước, cách mạng của nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản Đông Dương, với lãnh tụ Hồ Chí Minh, lãnh đạo đã đứng về phe Đồng minh chống phát xít, giành chính quyền từ tay Nhật và phong kiến tay sai, tức là xóa bỏ ách thống trị của phát xít Nhật và lật nhào chế độ quân chủ phong kiến, lập nên nhà nước mới-Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Thế nhưng, bộ máy nhà nước lúc này chưa có sự bảo đảm của luật pháp, do đó, tất cả mới chỉ là lâm thời (Chính phủ lâm thời được cải tổ từ Ủy ban Dân tộc Giải phóng tại Đại hội Quốc dân Tân Trào tháng 8-1945, và Chính phủ lâm thời này ra mắt quốc dân đồng bào chiều ngày 2-9-1945 tại cuộc mít tinh ở Vườn hoa (sau này gọi là Quảng trường) Ba Đình, Hà Nội với bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ do Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời tuyên đọc). Ngay sau mít tinh độc lập một ngày, tức là ngày 3-9-1945, tại cuộc họp Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đề nghị: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu” bầu ra Quốc hội, để rồi từ đó có bộ máy nhà nước chính thức.

Cuộc bầu cử diễn ra bắt đầu từ cuối năm 1945, đợt lớn nhất là vào ngày Tổng tuyển cử 6-1-1946, tuy gặp muôn vàn khó khăn, song đã thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, người dân từ 21 tuổi trở lên có sức khỏe bình thường thì có quyền ứng cử và từ 18 tuổi trở lên có sức khỏe bình thường thì có quyền cầm lá phiếu đi bầu cử. Công dân Việt Nam không phân biệt nam nữ, đảng phái, tôn giáo, tín ngưỡng, vùng miền, dân tộc đa số hay dân tộc thiểu số, giàu nghèo... đều có quyền tham gia hoạt động quan trọng này. Cuộc họp đầu tiên của Quốc hội đầu tiên diễn ra chỉ khoảng 4 giờ, nhưng đã hoàn thành những công việc có ý nghĩa cực kỳ to lớn: Lập ra bộ máy Nhà nước và cử được những nhân sự của bộ máy đó, đáng chú ý nhất là lập được Chính phủ liên hiệp do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, mà trong thành phần có cả những đại diện lực lượng Việt Minh (cộng sản), đại diện các đảng phái chính trị khác, có cả bộ trưởng không đảng phái.

---------------

PGS, TS PHAN TRỌNG HÀO, Thư ký khoa học chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương

Hoàn thiện quan điểm lý luận về Nhà nước pháp quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo

Cùng với quá trình phát triển nhận thức lý luận, tổng kết kinh nghiệm xây dựng nhà nước, quan điểm của Đảng ta về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Việt Nam được hình thành và phát triển. Nghị quyết Trung ương 6 (khóa I), đã nhấn mạnh: Đảng Cộng sản đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất dân tộc Việt Nam không phải bằng cách quỵ lụy mặc cả với đế quốc, xin đế quốc ban cho một “Hiến pháp”... Nghị quyết Trung ương 7 (khóa I) đã đề ra nhiệm vụ: “Ban bố Hiến pháp dân chủ, ban bố những quyền tự do dân chủ cho nhân dân: Tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp...”.

Trong giai đoạn lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành chính quyền (1930-1945), Đảng ta đã đề ra mục tiêu xây dựng và từng bước hoàn thiện nhà nước kiểu mới, nhà nước công - nông, nhà nước được xây dựng dựa trên Hiến pháp dân chủ, có tính nhân văn sâu sắc. Sau khi giành được chính quyền (tháng 8-1945), Đảng và nhân dân ta đã bắt tay xây dựng Nhà nước Việt Nam mới, trong đó có nhiều yếu tố pháp quyền thể theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đến Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước.

Như vậy, từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu quan điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Quá trình đổi mới tư duy, bổ sung, hoàn thiện cả về lý luận cũng như thực tiễn về xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta đã được xác định ngày càng rõ hơn. Những thành quả to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền những năm qua đã góp phần hoàn thiện hơn nữa quan điểm lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

---------------

Thiếu tướng HOÀNG XUÂN DŨNG, Chính ủy Binh chủng Hóa học

Tuổi trẻ đồng hành, có nhiều kết quả nổi bật

Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng Hóa học luôn coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và trách nhiệm của mỗi công dân. Qua đó, làm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thấy rõ bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng để mọi công dân thực hiện quyền làm chủ của mình, lựa chọn những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho nhân dân trong Quốc hội và HĐND các cấp.

Tuổi trẻ Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 tọa đàm "Tuổi trẻ chung tay xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", ngày 6-5-2021. Ảnh: XUÂN KHẢI

Cùng với làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, binh chủng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường phối hợp chặt chẽ với địa phương để tổ chức tốt bầu cử. Do đặc thù tổ chức lực lượng, các đơn vị trong binh chủng đóng quân trên khắp 3 miền đất nước, có nhiều đơn vị nhỏ lẻ, lực lượng ĐVTN đông đảo. Vì vậy, để bảo đảm mọi quân nhân đều được tham gia bầu cử, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, binh chủng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường phối hợp với địa phương phân chia khu vực bỏ phiếu, thành lập tổ bầu cử theo đúng chỉ đạo của trên.

Các cấp ủy đảng trong binh chủng tập trung kiểm tra, rà soát, phát huy vai trò trách nhiệm của cán bộ, ĐVTN trong tất cả các khâu chuẩn bị cho bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp của cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm cho công tác bầu cử diễn ra đúng thời gian, tiết kiệm, an toàn, đúng luật. Đến nay, các đơn vị trong binh chủng đã phối hợp với địa phương nơi đóng quân hoàn thành việc lập 6 điểm bỏ phiếu riêng và 9 điểm bỏ phiếu chung với địa phương theo đúng quy định; lập danh sách cử tri, niêm yết danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu và thông báo cho cử tri; phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên tổ bầu cử; chuẩn bị trang trí, khánh tiết, tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bầu cử sôi nổi, đúng quy định. Trong các khâu các bước đó, tuổi trẻ binh chủng luôn đồng hành, có nhiều kết quả nổi bật.

---------------

Đại tá, PGS,TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng 

Nâng cao nhận thức, niềm tin cho đoàn viên thanh niên

Trong điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân, ĐVTN đều phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình, tỉnh táo tiếp nhận thông tin đúng, chính thống, giữ vững niềm tin và hành động đúng đắn, tránh rơi vào luận điệu xuyên tạc, sai trái của những tổ chức, cá nhân phản động, góp phần giữ vững ổn định, đóng góp vào thành công của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp.

Cuộc đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ góp phần quan trọng nâng cao nhận thức, niềm tin cho ĐVTN. Giúp cho ĐVTN vững vàng niềm tin, nâng cao nhận thức và hành động cách mạng; đồng thời, bồi đắp lý tưởng cách mạng, không ngừng phấn đấu, nỗ lực tiếp bước truyền thống của các thế hệ cha anh, xứng đáng là đội dự bị tin cậy của Đảng, là lực lượng nòng cốt trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Không những thế còn nâng cao vị thế và phát huy vai trò xung kích của ĐVTN trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Khi chúng ta kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp còn tạo động lực cho ĐVTN xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Đại hội XIII của Đảng đã yêu cầu: “Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp; làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

---------------

Đại tá, TS NGUYỄN HỮU PHÚC, Chủ nhiệm Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị

“Cầu nối” để đưa pháp luật vào đời sống của đoàn viên, thanh niên

Tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho ĐVTN trong chấp hành pháp luật, kỷ luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, là “cầu nối” để đưa pháp luật vào đời sống, là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Để tăng cường giáo dục, nâng cao ý thức cho ĐVTN trong chấp hành pháp luật, kỷ luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay, đòi hỏi cần được thể hiện trên các phương diện như sau: Một là, trang bị kiến thức, nâng cao năng lực hiểu biết về pháp luật cho ĐVTN. Đây không phải là điều kiện duy nhất, nhưng là điều kiện quan trọng nhất để lực lượng ĐVTN có thái độ đúng đắn đối với pháp luật, luôn có hành vi hợp pháp, tự giác tuân theo pháp luật. Hai là, tăng cường giáo dục thái độ chấp hành pháp luật của ĐVTN cần được đề cao, tiến hành thường xuyên, gắn với việc nêu cao ý thức tiền phong gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Ba là, cần đầu tư thích đáng và tăng cường chất lượng thông tin tuyên truyền phổ cập giáo dục pháp luật, kỷ luật cho ĐVTN quân đội.

Do vậy, nói chấp hành kỷ luật quân đội và pháp luật nhà nước chỉ là cách nói cụ thể hai mặt của một vấn đề. ĐVTN trong quân đội là quân nhân cũng đồng thời là công dân Việt Nam, ngoài việc chấp hành kỷ luật quân đội, ĐVTN còn phải chấp hành pháp luật Nhà nước ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

---------------

Thượng tá, ThS VŨ CAO HÒA, Trưởng ban Thanh niên, Phòng Chính trị, Trường Sĩ quan Lục quân 2

Thanh niên phải coi việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là nền tảng

Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, việc tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh coi việc giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh, thiếu niên là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, là nhiệm vụ thường xuyên, không ngừng sáng tạo, đổi mới trong công tác giáo dục, thực hiện tốt chức năng trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên. Thông qua công tác giáo dục và các phong trào hành động cách mạng đã góp phần trực tiếp vào quá trình đào tạo thanh niên thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Tuy nhiên, một bộ phận giới trẻ hiện nay có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, không chịu khó tu dưỡng đạo đức cách mạng; không ít người sống thực dụng, vô cảm trước những khó khăn, thử thách của đất nước, ngại khó, ngại khổ, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống buông thả, đi ngược lại với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động.

Vì vậy, để giảm thiểu tối đa các hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội của tuổi trẻ, tôi thấy rằng, cần thiết phải tăng cường giáo dục nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, ý thức tuân thủ pháp luật cho thanh niên. Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong tổ chức các phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường thực tiễn để thanh niên tu dưỡng rèn luyện và phấn đấu. Thường xuyên củng cố tổ chức đoàn vững mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và tổ chức đoàn làm cơ sở để thực hiện tốt chức năng giáo dục thanh niên. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị coi trọng giáo dục đạo đức nhân cách đối với mỗi cán bộ đoàn, đồng thời phát huy tinh thần tự giác, tích cực học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của thanh niên. Để trở thành những cán bộ cách mạng chân chính, thanh niên phải coi việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là nền tảng, là gốc. 

---------------

Trung tá HOÀNG MẠNH HÙNG, Trưởng ban Công tác Quần chúng, Cục Chính trị Quân đoàn 3

Đa dạng, sáng tạo các hình thức tuyên truyền về bầu cử

Ngay sau khi có các chỉ thị của trên về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc bầu cử, Ban Công tác Quần chúng, Cục Chính trị Quân đoàn 3 đã tham mưu cho Cục Chính trị Quân đoàn hướng dẫn các cơ quan, đơn vị chỉ đạo tổ chức Đoàn thanh niên làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, ĐVTN về bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Để bảo đảm cho lượng thông tin, tuyên truyền về bầu cử được truyền đạt đến đông đảo ĐVTN và người dân có chất lượng, hiệu quả, tổ chức đoàn các cấp trong quân đoàn đã phối hợp với tổ chức đoàn địa phương triển khai tuyên truyền thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức đa dạng, sinh động, phong phú, kịp thời, thiết thực, hiệu quả. Các tổ chức đoàn đã thành lập các tổ, đội tuyên truyền lưu động với các tuyên truyền viên là lực lượng cán bộ đoàn, ĐVTN của đơn vị và địa phương; lựa chọn các đồng chí có trình độ, kiến thức, kỹ năng, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về nội dung, phương pháp, cách thức tuyên truyền; trong đó có sử dụng các đồng chí cán bộ đoàn, ĐVTN là người dân tộc thiểu số của địa phương đang thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đơn vị. Các tổ, đội sẽ đến từng thôn, làng, hộ gia đình, nhà dân để tuyên truyền, vận động, phát tờ rơi. Tuổi trẻ quân đoàn còn tổ chức các buổi giao lưu, sinh hoạt cộng đồng với lồng ghép tuyên truyền các nội dung về cuộc bầu cử (từ đầu năm 2021 đến nay tuổi trẻ Quân đoàn 3 tổ chức được 165 buổi giao lưu, 86 buổi sinh hoạt, 196 buổi diễn đàn); đồng thời phát huy tốt hiệu quả hệ thống pa-nô, áp-phích, băng-rôn, khẩu hiệu, hệ thống truyền thanh nội bộ của đơn vị và của địa phương; hệ thống truyền thanh và pano, áp phích gắn trên các xe máy tuyên truyền lưu động. Qua đó, nâng cao nhận thức cho ĐVTN và các tầng lớp nhân dân về cuộc bầu cử; phát huy tốt quyền dân chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu ra những người đủ đức, đủ tài xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

---------------

Thiếu tá NGUYỄN CHÁNH TÍN, Trợ lý Thanh niên Cục Chính trị, Quân khu 7

Cán bộ đoàn phải nhạy bén và linh hoạt

Vai trò của cán bộ đoàn trong việc tổ chức thực hiện cuộc bầu cử là hết sức quan trọng, đòi hỏi người cán bộ đoàn phải hết sức nhạy bén và linh hoạt, phải chủ động đề ra các hoạt động, chương trình hành động, phát động các phong trào sôi nổi, chủ đề sát với cuộc bầu cử, tập trung thu hút được sự quan tâm của lực lượng ĐVTN. Để phát huy tốt vai trò của cán bộ đoàn trong tổ chức thực hiện cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tôi xin nêu ra một số nội dung của cán bộ đoàn như sau:

Cán bộ đoàn chủ động làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn về tổ chức thực hiện cuộc bầu cử. Được bồi dưỡng, tập huấn kỹ lưỡng về công tác bầu cử, thì cán bộ đoàn mới hiểu rõ được vai trò trách nhiệm của mình trong công tác tổ chức thực hiện cuộc bầu cử. Làm sao mỗi cán bộ đoàn vừa là người lãnh đạo phong trào đi đầu trong thực hiện cuộc bầu cử, vừa là một báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi. Cán bộ đoàn phải là người tiên phong trong xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, phương thức tuyên truyền hiệu quả nhất, sâu rộng nhất đến được từng ĐVTN ở các cơ quan, đơn vị. Chú trọng tuyên truyền sâu rộng đến từng chi đoàn, phân đoàn, từng ĐVTN hiểu rõ được nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền công dân của mình để bầu đúng, bầu đủ các ứng cử viên vào Quốc hội và HĐND các cấp. Cùng với đó, cán bộ đoàn phải tổ chức tốt các phong trào, thi đua hướng tới bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; phải là người đưa ra các nội dung thi đua thiết thực, sát với phong trào được phát động; kiên quyết đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, luận điệu xuyên tạc, hành động phá hoại cuộc bầu cử. 

---------------

Đại úy DƯƠNG VĂN HUY, Chính trị viên đại đội, Tiểu đoàn Trinh sát 20, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Thi đua cao điểm nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ của công dân

Ban Chấp hành đoàn các cấp đoàn trong Bộ tư lệnh (BTL) Thủ đô Hà Nội đã tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm cho cán bộ, ĐVTN nhận thức sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ, những thuận lợi khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ SSCĐ bảo vệ bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thời gian qua, 100% các tổ chức đoàn trong BTL đẩy mạnh thực hiện đợt thi đua cao điểm “Phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021”; đồng thời xây dựng kế hoạch tổ chức diễn đàn thanh niên với chủ đề “Tuổi trẻ BTL Thủ đô Hà Nội chung tay xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, nhằm góp phần nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ của công dân trong tham gia bầu cử; đồng thời tích cực tuyên truyền vận động nhân dân trên địa bàn các đơn vị đóng quân tích cực tham gia bỏ phiếu bầu, thể hiện quyền và nghĩa vụ công dân trong xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn kết nghĩa chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trước, trong dịp bầu cử nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân và đoàn viên thanh niên tích cực tham gia bầu cử; tổ chức tổng vệ sinh, làm đẹp cảnh quan môi trường trước ngày bầu cử, đồng thời chủ động phòng, chống dịch Covid-19.

KHẢI THU (lược trích)