Những "viên gạch" đầu tiên xây dựng lực lượng không quân vận tải
Là thế hệ phi công đầu tiên của Trung đoàn Không quân vận tải 919, các thế hệ phi công đi trước như Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thành Trung, hay anh Phan Xuân Đức, anh Nguyễn Hồng Lĩnh, anh Nguyễn Thái Trung luôn là niềm tự hào của hàng không Việt Nam. Nói đến các anh là nói đến một giai đoạn sơ khởi của hàng không nước nhà, khi những chiếc máy bay thế hệ cũ còn được trang bị rất thô sơ, khi điều kiện tiếp cận kiến thức chuyên môn còn nhiều hạn chế, nhưng chưa có nhiệm vụ nào các anh và đồng đội không thể vượt qua với nỗ lực không ngừng nghỉ.
Năm 1955, theo Hiệp định Geneve, Quân đội nhân dân Việt Nam nhận bàn giao sân bay Gia Lâm, Hà Nội từ quân đội Pháp. Chỉ một ngày sau khi nhận sân bay, cán bộ điều hành bay của không quân Việt Nam tại sân bay này đã chỉ huy điều hành chiếc máy bay vận tải của Pháp từ Sài Gòn ra Hà Nội an toàn.
 |
Trung đoàn Không quân vận tải 919, tiền thân của Đoàn bay 919, thành lập vào ngày 1-5-1959 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh tư liệu. |
Sau đó, Trung Quốc đã viện trợ cho ta 5 chiếc máy bay vận tải dân dụng, bao gồm 2 chiếc Li-2, 3 chiếc Aero-45. Trên thân và hai cánh của số máy bay này đã được sơn cờ đỏ sao vàng và mang các số hiệu VN198, VN199, VN200, VN201, VN202. Ngày 26-1-1956, 5 chiếc máy bay đầu tiên mang màu cờ tổ quốc đã hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm trước sự hân hoan chào đón của quân và dân Thủ đô.
Để tiếp quản thành công các sân bay, máy bay và tận dụng những cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho quá trình chiến đấu bảo vệ tổ quốc và kiến thiết đất nước, rất cần một đội ngũ không quân giỏi. Xuất phát từ yêu cầu này, năm 1956, quân đội đã cử lớp học viên đầu tiên gồm 44 người, cùng 4 đồng chí phiên dịch, ăn vận quần áo màu xanh công nhân, đi xe lửa sang học tập tại Liên Xô và Trung Quốc. Trong đó có đầy đủ các tổ bay vận tải IL-14, Li-2, AN-2 và trực thăng Mi-4. Bên cạnh đoàn cán bộ học lái máy bay, còn có các đoàn học về dẫn đường, thông tin liên lạc, thợ máy. Sau đó, đoàn tiếp tục đi Liên Xô học lái máy bay tại Trường Không quân Balashov.
 |
Đoàn bay 919 nhận Huân chương Lao động hạng Nhất vào năm 2004. Ảnh tư liệu. |
Trong một giai đoạn sơ khởi, gian nan có, thiếu thốn có, tất cả các cán bộ học ở Trung Quốc hay Liên Xô đều vượt qua để đầu năm 1959 đã trở về nước tham gia thành lập Trung đoàn Không quân vận tải 919 vào ngày 1-5-1959. Từ đó, thế hệ đầu tiên của lực lượng không quân vận tải Việt Nam hình thành.
Đúng ngày Quốc tế Lao động 1-5-1959, tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội, Trung đoàn Không quân vận tải 919 - đơn vị bay vận tải quân sự - hàng không dân dụng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được thành lập. Ngày 1-5 đã trở thành ngày truyền thống của Trung đoàn Không quân vận tải 919 – nay là Đoàn Bay 919 thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Đoàn bay 919 - niềm tự hào của Hàng không Việt Nam
Khi hỏi về những khó khăn trong giai đoạn đặt nền móng cho hàng không Việt, lớp lớp phi công của Đoàn bay 919 chưa bao giờ coi đó là những kỷ niệm gian khó. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ để tiếp thu công nghệ mới từ quốc tế, các anh đã làm chủ hàng loạt loại máy bay mới và thành công với nhiều nhiệm vụ khó khăn. Từ chuyến bay chấn động thế giới khi ném bom xuống cửa biển Thuận An, đánh chìm và bắn hỏng hai tàu địch trong Chiến dịch Mậu Thân lịch sử năm 1968, cho đến việc chở phái đoàn đàm phán và ký Hiệp định Paris tại Pháp, cứu trợ đồng bào lũ lụt trong trận vỡ đê sông Hồng năm 1971… tất cả đều được Đoàn bay 919 hoàn thành một cách xuất sắc.
Cũng với những chiến công này, Đoàn bay 919 vinh dự nhận được Huân chương Chiến công hạng Nhất (năm 1967), Huân chương Chiến công hạng Nhì (năm1981), Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (năm 1994), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2004), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 2008), Đội bay và Tổ bay chuyên cơ (TU-134) được thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
 |
Tổ bay AN-2 do phi công Phan Như Cẩn làm đại đội trưởng chỉ huy đã phóng tên lửa đánh chìm một tàu biệt kích của địch ở biển Sầm Sơn, Thanh Hóa (năm 1966). Ảnh tư liệu. |
 |
Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Ba (trái) cùng phi công Lê Tiến Phước trên cabin máy bay T-28 số hiệu 963. Ảnh tư liệu. |
Đáng tự hào nhiều gương mặt phi công quả cảm của Trung đoàn 919 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đó là liệt sĩ Phan Như Cẩn - phi công chiến đấu AN-2, phi công Nguyễn Văn Ba chiến đấu T-28, kỹ sư Nguyễn Tường Long chuyên trách cải tiến, trang bị vũ khí cho máy bay.
Khởi nguồn từ Quân đội nhân dân Việt Nam, ngành hàng không dân dụng nước nhà đã có sự chuyển đổi cơ chế quan trọng, tách khỏi quốc phòng, chuyển sang trực thuộc Chính phủ (năm 1989). Dù ở đơn vị nào, thực hiện nhiệm vụ nào, Đoàn bay 919 vẫn luôn phát huy tính kỷ luật, không ngại khó khăn gian khổ và những phẩm chất cần thiết của đội ngũ người lái máy bay. Cùng với bước ngoặt mới, Đoàn bay 919 có nhiệm vụ chủ chốt là tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh vận tải hàng không phục vụ các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ đổi mới.
Để xây dựng ngày hôm nay, biết bao mồ hôi, xương máu, sức lực và trí tuệ của nhiều thế hệ phi công, cán bộ nhân viên đã đổ xuống. Máu xương, sức lực, trí tuệ của các anh hùng, liệt sĩ phi công đã tô thắm truyền thống của Trung đoàn Không quân Vận tải 919 cũng như ngành hàng không dân dụng Việt Nam. Đó là một di sản thiêng liêng, một nguồn động lực tinh thần quý giá cho thế hệ hiện tại và kế tiếp nỗ lực vươn theo.
MẠNH HƯNG