Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất, là đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Chiến thắng vĩ đại đó đã góp phần quyết định vào thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương...
QĐND - Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch lớn nhất, là đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Chiến thắng vĩ đại đó đã góp phần quyết định vào thắng lợi của Hội nghị Giơ-ne-vơ, chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, song các bài học được rút ra từ chiến dịch vĩ đại này vẫn còn nguyên giá trị, trong đó có bài học về nghệ thuật vận tải chiến dịch. Theo tính toán nhu cầu vật chất các loại bảo đảm cho chiến dịch hơn 20 nghìn tấn, phải vận chuyển từ hậu phương xa cách mặt trận gần 1000km trong điều kiện thời gian ngắn, lực lượng, phương tiện vận tải có hạn, đường vận tải khó khăn. Để hoàn thành được nhiệm vụ vận tải, Tổng cục Cung cấp đã luôn nắm vững phương châm tác chiến chiến dịch; đặc điểm, nhiệm vụ bảo đảm hậu cần; kế thừa kinh nghiệm vận tải qua các chiến dịch trước; đồng thời phân tích sâu sắc tình hình hiện tại.
 |
Đội hình vận tải bằng xe thồ phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu. |
Phương châm vận tải chiến dịch là triệt để phát huy cơ giới, tranh thủ mọi phương tiện vận tải thô sơ, dựa vào sức người là chủ yếu, huy động dân công là yếu tố quyết định. Tính đến tháng 3-1954, ta đã biên chế 16 đại đội ô tô vận tải với 534 đầu xe. Các cơ sở bảo đảm cho vận tải cơ giới như đào tạo lái xe, bảo đảm kỹ thuật, bảo đảm đường được chuẩn bị trước từ ngay sau Chiến dịch Tây Bắc tháng 12-1952 với chủ trương mở đường vận tải cơ giới lên địa bàn Tây Bắc của Đảng ta. Đây là phương châm hoàn toàn chính xác và khoa học, là sự phát triển của nghệ thuật vận tải chiến dịch. Kết quả thực tiễn đã cho thấy, hơn 90% khối lượng vật chất bảo đảm cho chiến dịch là do vận tải cơ giới đảm nhiệm.
Thành công nổi bật của công tác vận tải trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kết hợp vận tải cơ giới với vận tải thô sơ. Vận tải thô sơ bằng sức người tuy đảm nhiệm khối lượng không lớn song đặc biệt có giá trị ở chỗ có thể đưa vật chất đến những nơi mà ô tô không thể đến được. Ngoài các tuyến vận tải cơ giới, những tuyến vận tải bằng phương tiện thô sơ như: Tuyến Ba Nậm Cúm – Lai Châu – Điện Biên; tuyến Mường Luân – Nà Sang… đã hỗ trợ rất lớn cho vận tải cơ giới. Nếu không có các tuyến vận tải thô sơ, hậu cần chiến dịch khó hoàn thành nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang của mình. Điều đặc biệt hơn là vận tải thô sơ, sức người trong Chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn do lực lượng dân công đảm nhiệm. Vì thế vấn đề huy động và sử dụng lực lượng dân công vận tải trong chiến dịch thực sự là một nét độc đáo trong nghệ thuật vận tải Việt Nam.
Đại tá Đỗ Đắc Yên