QĐND Online – Theo Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đã trình bày sáng 27-11 cho biết: Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan tại Điều 15 dự thảo Luật, đối với cấp bậc hàm Thượng tướng, có ý kiến không tán thành trần quân hàm Thượng tướng đối với Giám đốc, Chính ủy Học viên Quốc phòng vì cho rằng tiêu chí cần thiết đối với cán bộ nghiên cứu và giảng dạy trong nhà trường là học hàm, học vị (tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư…) chứ không phải là quân hàm, theo đó đề nghị chỉ là Trung tướng.
UBTVQH nhận thấy ý kiến của đại biểu quốc hội là phù hợp yêu cầu đối với giảng viên giảng dạy trong cơ sở giáo dục bậc đại học, trên đại học hiện nay. Tuy nhiên, đối với các trường trong quân đội, ngoài học hàm, học vị thì quân hàm là một tiêu chí quan trọng để thể hiện rõ yêu cầu đòi hỏi tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, công tác lãnh đạo, chỉ huy cho chiến đấu, cũng như trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang. Đối với Học viên Quốc phòng là cơ sở đào tạo cán bộ chiến dịch, chiến lược, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước… Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với vị trí, chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Học viện Quốc phòng và cân đối về cấp bậc quân hàm với Giám đốc, Hiệu trưởng, Chính ủy các học viện khác trong quân đội, kế thừa các quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành và bảo đảm phù với thực tiễn, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định trần quân hàm đối với Giám đốc, Chính ủy HVQP là Thượng tướng như dự thảo Luật trình Quốc hội.
 |
Ảnh minh họa/qdnd.vn. |
Có ý kiến đề nghị trần quân hàm của Tư lệnh Quân chủng Hải quân là Đô đốc Hải quân vì quy định như dự thảo Luật sẽ không có Đô đốc Hải quân và đề nghị Quân chủng Phòng không - Không quân trần quân hàm là Thượng tướng để phù hợp với chức năng nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa cho biết: Trần quân hàm của Tư lệnh Hải quân là Phó Đô đốc và trần quân hàm của Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân là Trung tướng tương đương với Tư lệnh quân khu là kế thừa quy định của Luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn. Trường hợp Tư lệnh, Chính ủy Quân chủng Hải quân được bổ nhiệm chức vụ cao hơn như: Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hoặc Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp tục thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy của Hải quân thì có thể được phong quân hàm Thượng tướng (Đô đốc Hải quân). Do đó, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như Dự thảo Luật trình Quốc hội.
Đối với cấp bậc quân hàm Trung tướng, có ý kiến tán thành quy định trần quân hàm Trung tướng đối với Giám đốc Học viện Lục quân, Học viện Chính trị vì đây là hai cơ sở đào tạo cán bộ cấp trung đoàn, sư đoàn trở lên, nghiên cứu khoa học quân sự, khoa học xã hội nhân văn quân sự quan trọng; còn các Học viện, trường sĩ quan khác đề nghị quy định trần quân hàm Thiếu tướng là phù hợp vì đối tượng và trình độ đào tạo thấp hơn.
UBTVQH báo cáo như sau, hệ thống các nhà trường Quân đội đào tạo theo chức danh, theo đó Học viện Lục quân, Học viện Chính trị là hai cơ sở đào tạo các đối tượng chủ yếu là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp Trung đoàn, Sư đoàn binh chủng hợp thành, các Học viện thuộc Bộ Quốc phòng, Quân chủng có chức năng đào tạo sĩ quan phân đội bậc đại học và bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo chỉ huy các cấp và nghiên cứu khoa học theo chuyên ngành. Đối với Trường Sĩ quan Lục quân 1, 2, Trường Sĩ quan Chính trị tuy đào tạo sĩ quan phân đội bậc đại học, nhưng là các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học nghệ thuật tác chiến, nơi biên soạn tài liệu huấn luyện lớn nhất của quân đội hiện nay, là đầu vào của hầu hết sĩ quan Quân đội nhân dân. Vì vậy, UBTVQH đề nghị cho giữ nguyên quy định như dự thảo Luật đã trình Quốc hội.
Đối với quy định quân hàm cấp Thiếu tướng, có ý kiến không tán thành trần quân hàm Thiếu tướng của Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và đề nghị quy định cụ thể trần quân hàm Thiếu tướng đối với Chính ủy bệnh viện. UBTVQH xin báo cáo: Theo Nghị quyết 51-NQ-TW ngày 20-7-2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ Chính ủy, Chính trị viên trong QĐND Việt Nam thì quân hàm của người chỉ huy và chính ủy phải như nhau. Dự thảo Luật quy định Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 là Trung tướng nhằm bảo đảm tương xứng với nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đối với Chính ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 theo quy định của Dự thảo Luật do Chính phủ trình, UBTVQH cho rằng đây là chức danh tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị trong nội bộ bệnh viện. Vì vậy, để đảm bảo quy định chặt chẽ vị trí có nhu cầu cấp tướng ngay trong dự thảo Luật, UBTVQH đề nghị Quốc hội không quy định chức danh này và quy định một Phó giám đốc bệnh viện (là Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy bệnh viện) có trần quân hàm là Thiếu tướng.
Đối với một số ý kiến đề nghị bổ sung trần quân hàm Thiếu tướng đối với Trưởng khoa Lý luận Mác – Lênin, Khoa Quân chủng thuộc Học viện Quốc phòng và một số chức danh khác; có ý kiến cho rằng hiện nay số sĩ quan cấp Tướng nhiều, đề nghị cần rà soát để quy định cho phù hợp với điều kiện hiện nay; có ý kiến đề nghị đối với doanh nghiệp hay cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp có chức năng dịch vụ công, không nêu tên cụ thể mà xác định nhu cầu phong quân hàm cấp Tướng, mà chỉ quy định cấp Đại tá là phù hợp. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH bổ sung chức vụ Chủ nhiệm khoa Lý Luận Mác – Lênin của Học viện Quốc phòng có quân hàm cao nhất là Thiếu tướng, còn các chức vụ khác UBTVQH cho rằng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị về trần quân hàm Thiếu tướng cần đáp ứng tiêu chí về xác định vị trí có nhu cầu cấp Tướng để quy định chặt chẽ trong Luật. Căn cứ đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội, đồng thời bảo đảm cân đối và tương quan với các chức vụ, chức danh khác trong hệ thống chính trị hiện nay. Vì vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua.
Đối với các Binh đoàn Quốc phòng-Kinh tế và Tập đoàn Viễn thông Quân đội có nhiệm vụ kết hợp quốc phòng và kinh tế, trong đó có các đơn vị dự bị động viên làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, UBTVQH đề nghị trần quân hàm Thiếu tướng là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn xây dựng Quân đội nhân dân trong tình hình mới.
Về quy định cấp phó có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp Tướng, đa số ý kiến nhất trí đề nghị quy định cụ thể số lượng và vị trí cấp phó có trần quân hàm cấp Tướng trong Luật. UBTVQH tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội thể hiện cụ thể cấp phó có trần quân hàm cấp Tướng nhằm bảo đảm quy định số lượng cấp Tướng và thực hiện đúng thẩm quyền của Quốc hội, đồng thời đã rà soát quy định chặt chẽ số lượng cấp phó có trần quân hàm cấp Tướng của từng chức vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu lãnh đạo chỉ huy cơ quan, đơn vị, như dự thảo Luật trình Quốc hội.
Về chức vụ cơ bản của Luật sĩ quan, có ý kiến đề nghị bổ sung chức vụ Tư lệnh, Chính ủy Vùng Cảnh sát biển vào chức vụ cơ bản của Luật sĩ quan cho thống nhất với quy định trần quân hàm của các chức vụ này tại Điều 15 Dự thảo luật; có ý kiến đề nghị bổ sung chức vụ Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh vào chức vụ cơ bản của Luật sĩ quan và xác định cụ thể nhóm của chức vụ này.
Về điều này UBTVQH cho biết: Khoản 1 Điều 11 dự thảo Luật quy định 11 nhóm chức vụ cơ bản của sĩ quan QĐND để xác định chức vụ tương đương là kế thừa của Luật sĩ quan hiện hành và bổ sung một số chức vụ để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Về chức vụ Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xuất phát từ vị trí, chức năng Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, thực hiện quản lý về an ninh trật tự, an toàn và đảm bảo việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Vì vậy, để đảm bảo yêu cầu đối ngoại và thống nhất trong hệ thống pháp luật, UBTVQH đề nghị các chức danh thuộc lực lượng cảnh sát biển Việt Nam chỉ nên quy định thuộc nhóm chức vụ tương đương.
Đối với quy định Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh, tuy là hai thành phố được xác định là đô thị loại đặc biệt nhưng vẫn là đơn vị hành chính cấp tỉnh vì vậy xin Quốc hội cho giữ các chức vụ trên cho nhóm chức vụ cơ bản cấp tỉnh.
Có ý kiến đề nghị đổi tên chức danh Chính trị viên Ban CHQS cấp huyện thành “Chính ủy” cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của chức danh này. UBTVQH báo cao như sau: Theo các tiêu chí để xác định tên gọi Chính ủy, Chính trị viên của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với các cơ quan đơn vị, qua tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 51-NQ-TW ngày 20-7-2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ Chính ủy, Chính trị viên trong QĐND Việt Nam của Quân ủy Trung ương cho thấy: Việc lấy tên gọi Chính trị viên của Ban CHQS cấp huyện đã được thực hiện ổn định, phù hợp với truyền thống và thực tiễn, chưa có gì vướng mắc. Do vậy UBTVQH đề nghị cho giữ quy định về chức danh Chính trị viên của Ban CHQS cấp huyện như Luật hiện hành…
HOÀNG LAN
* Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh TP Hồ Chí Minh vẫn có trần quân hàm Trung tướng