Giá dầu thế giới

Theo Oilprice và Reuters, đầu phiên giao dịch ngày 6-5, giá dầu WTI tăng nhẹ trong khi giá dầu Brent vẫn “dậm chân tại chỗ”. Kết thúc phiên giao dịch đầu tiên của tuần (ngày 5-5), giá dầu giảm hơn 1 USD, đóng cửa ở mức thấp nhất trong hơn 4 năm qua, chịu tác động bởi quyết định đẩy nhanh việc tăng sản lượng của OPEC+ làm dấy lên lo ngại nguồn cung toàn cầu gia tăng trong khi triển vọng nhu cầu vẫn chưa chắc chắn.

Giá dầu bắt đầu phiên giao dịch ngày 6-5 trong thế trái chiều. Ảnh minh họa: Getty 

Giá dầu Brent giảm 1,06 USD, tương đương 1,7%, xuống mức 60,23 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 1,16 USD, tương đương 2%, xuống mức 57,13 USD/thùng. Cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ tháng 2-2021.

Tuần trước, giá dầu Brent giảm 8,3% và dầu WTI giảm 7,5% sau khi Saudi Arabia ra tín hiệu có thể ứng phó với môi trường giá thấp kéo dài. Theo nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank, điều đó đã làm giảm sự lạc quan về nguồn cầu liên quan đến khả năng đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Ngày 3-5, OPEC+ đã nhất trí tiếp tục tăng sản lượng dầu thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 6, tháng thứ hai liên tiếp. Quyết định này đã đưa tổng mức tăng sản lượng của OPEC+ trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6 lên 960.000 thùng/ngày. Theo tính toán của Reuters, con số này tương đương với việc hủy bỏ 44% trong số 2,2 triệu thùng/ngày của các đợt cắt giảm khác nhau đã được thống nhất kể từ năm 2022.

Peter McNally, nhà phân tích của Third Bridge cho biết: Đối với các nhà sản xuất bên ngoài OPEC+, hiện chiếm gần 60% nguồn cung dầu toàn cầu, mức tăng thị phần có thể đạt đỉnh nếu những thùng dầu mới này được đưa vào thị trường và giá giảm xuống.

Các nguồn tin của OPEC+ cho biết nhóm này có thể hủy bỏ hoàn toàn các biện pháp cắt giảm tự nguyện vào cuối tháng 10 nếu các thành viên không cải thiện việc tuân thủ hạn ngạch sản xuất của mình.

Saudi Arabia đang thúc giục OPEC+ đẩy nhanh việc gỡ bỏ các đợt cắt giảm sản lượng trước đó để trừng phạt hai thành viên Iraq và Kazakhstan vì không tuân thủ hạn ngạch sản xuất.

Theo nhà phân tích Hansen của Ngân hàng Saxo, việc tăng sản lượng do Saudi Arabia khởi xướng không chỉ nhằm thách thức nguồn cung dầu đá phiến của Mỹ mà còn nhằm trừng phạt các thành viên được hưởng lợi từ giá cao hơn trong khi vẫn phớt lờ giới hạn sản xuất của họ.

Giá dầu tiếp đà lao dốc trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần (ngày 5-5). Ảnh minh họa: Reuters 

Sau quyết định của OPEC+, ING và Barclays đã hạ dự báo giá dầu Brent. Barclays đã giảm dự báo giá dầu Brent xuống còn 66 USD/thùng trong năm 2025, giảm 4 USD và 60 USD/thùng trong năm 2026, giảm 2 USD, trong khi ING dự kiến giá dầu Brent đạt mức trung bình 65 USD/thùng trong năm nay, giam 5 USD so với dự báo trước.

Theo nhà phân tích Jim Ritterbusch của Công ty tư vấn năng lượng Mỹ Ritterbusch and Associates, dự đoán về việc dự trữ dầu thô toàn cầu sẽ tăng trong những tháng tới do nhu cầu suy giảm do thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump có xu hướng làm trầm trọng thêm tin tức tiêu cực về nguồn cung.

David Wech, nhà kinh tế trưởng tại Vortexa cho biết nỗi lo suy thoái lan rộng và nhu cầu nhập khẩu nhiên liệu tinh chế yếu cũng đang gây sức ép lên giá dầu. Kể từ giữa tháng 2, công ty phân tích dữ liệu này đã ghi nhận lượng dầu thô dự trữ trên toàn thế giới trong các bể chứa trên bờ và trên các tàu chở dầu trên biển tăng khoảng 150 triệu thùng.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 6-5 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 19.154 đồng/lít.

Xăng RON 95-III không quá 19.586 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 17.359 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 17.564 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 16.198 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 5-5. Do giá xăng dầu thế giới tuần trước và tuần này liên tục giảm nên giá xăng dầu trong nước cũng đã đồng loạt giảm. Giá xăng E5 RON 92 giảm 84 đồng/lít, xăng RON 95-III giảm 52 đồng/lít, dầu diesel giảm 165 đồng/lít, dầu hỏa giảm 151 đồng/lít và dầu mazut giảm 326 đồng/kg.

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 18 phiên điều chỉnh, trong đó 8 phiên giảm, 7 phiên tăng và 3 phiên trái chiều.

Tại kỳ điều hành này, liên Bộ tiếp tục không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.

MAI HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.