Giá dầu thế giới
Theo Reuters, đầu phiên giao dịch ngày 5-5, cả dầu Brent và WTI cùng bất ngờ tăng giá nhẹ.
Tuần trước, giá dầu đã ghi nhận tuần giảm thứ 2 liên tiếp với dầu Brent giảm hơn 8%, dầu WTI giảm khoảng 7,7%, gấp khoảng 4 lần so với mức giảm của tuần trước đó.
 |
Cả dầu Brent và WTI cùng bắt đầu tuần mới trong sắc xanh. Ảnh minh họa: Reuters |
Sự lao dốc của giá dầu chịu tác động bởi lo ngại nhu cầu nhiên liệu giảm, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và mức thuế quan cao đánh vào hàng nhập khẩu của Mỹ; khả năng OPEC+ sẽ nới dài mức tăng sản lượng sang tháng 6; tín hiệu từ Saudi Arabia, một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, rằng Riyadh sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp cắt giảm sản lượng và sẵn sàng ứng phó với giá dầu thấp trong khoảng thời gian dài.
Đáng chú ý là tại phiên họp vào ngày 3-5, OPEC+ đã nhất trí đẩy nhanh việc tăng sản lượng dầu trong tháng thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, OPEC+ sẽ tăng sản lượng trong tháng 6 thêm 411.000 thùng/ngày bất chấp giá giảm và dự báo nhu cầu yếu hơn.
Hồi tháng 4, giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm, dưới 60 USD/thùng, sau khi OPEC+ công bố mức tăng sản lượng lớn hơn dự kiến vào tháng 5 và khi mức thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu của nền kinh tế toàn cầu.
Các nguồn tin của OPEC+ cho biết Saudi Arabia đang thúc đẩy OPEC+ đẩy nhanh việc gỡ bỏ các đợt cắt giảm sản lượng trước đó, để trừng phạt các thành viên khác gồm Iraq và Kazakhstan vì không tuân thủ hạn ngạch sản xuất. Sản lượng dầu tháng 4 của Kazakhstan đã vượt hạn ngạch của OPEC+ mặc dù giảm 3%.
 |
Sau 2 tuần lao dốc, giá dầu sẽ thiết lập hat-trick giảm tuần hay quay đầu bật tăng trong tuần này? Ảnh minh họa: Oilprice |
Theo tính toán của Reuters, mức tăng sản lượng trong tháng 6 của 8 thành viên OPEC+ sẽ nâng tổng mức tăng trong 3 tháng, kể từ tháng 4, lên 960.000 thùng/ngày, tương ứng với việc nới lỏng 44% mức cắt giảm tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày.
Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nhóm họp để đưa ra quyết định về chính sách tiền tệ. Điều này có thể sẽ tác động đến giá dầu. Ngân hàng Trung ương Mỹ đã nói rõ rằng họ không vội cắt giảm lãi suất vì thị trường lao động vẫn lành mạnh và rủi ro lạm phát vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, thị trường đang kỳ vọng mức cắt giảm lãi suất 90 điểm cơ bản của Fed vào cuối năm nay.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 5-5 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 19.238 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 19.638 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 17.524 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 17.715 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 16.524 đồng/kg.
|
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều nay (5-5). Do giá xăng dầu thế giới tuần trước và tuần này liên tục giảm, nên giá xăng dầu trong nước nhiều khả năng cũng sẽ quay đầu giảm. Mức giảm sẽ dao động trong khoảng 150 - 500 đồng/lít (kg).
Thông thường, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh vào thứ Năm hằng tuần. Tuy nhiên, do thứ Năm tuần trước rơi đúng vào ngày nghỉ lễ 1-5 nên kỳ điều hành giá được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, ngày 5-5.
Tại kỳ điều hành giá gần đây nhất, giá xăng E5 RON 92 tăng 740 đồng/lít, xăng RON 95-III tăng 782 đồng/lít, dầu diesel tăng 487 đồng/lít, dầu hỏa tăng 531 đồng/lít và dầu mazut tăng 564 đồng/kg.
MAI HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.