Đại tá BÙI VĂN MINH, Chính ủy Sư đoàn 4, Quân khu 9:

Nhận thức đúng sẽ có trách nhiệm cao

Nhận thức, trách nhiệm của mỗi người là tổng thể ý thức, tình cảm, sự gắn bó, nghĩa vụ, nhiệm vụ và ý thức đối với công việc được giao. Người có nhận thức đúng sẽ có trách nhiệm cao. Người sống có trách nhiệm sẽ được người khác tôn trọng và dễ đạt được thành công hơn. Trách nhiệm của quân nhân đối với bản thân, gia đình, đồng đội và đơn vị là một chỉnh thể thống nhất, có tác động qua lại lẫn nhau, hỗ trợ nhau. Trách nhiệm với bản thân là yêu cầu quan trọng, tiền đề để quân nhân có trách nhiệm với gia đình, đồng đội và đơn vị. Khi quân nhân có trách nhiệm đối với chính bản thân mình thì sẽ là tiền đề để có trách nhiệm với gia đình, đồng đội, đơn vị. Trách nhiệm của quân nhân với đơn vị bao trùm, chi phối các yếu tố khác; thể hiện thông qua hoạt động lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị. Khi quân nhân có trách nhiệm với đơn vị sẽ yêu thương, đoàn kết, chia sẻ với đồng đội; yêu thương và có trách nhiệm, làm tròn bổn phận với gia đình. Đồng thời, khi quân nhân có trách nhiệm với gia đình, mỗi người sẽ nâng cao trách nhiệm với đơn vị, đồng đội. Quân nhân có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, đồng đội và đơn vị sẽ yên tâm công tác, tích cực huấn luyện, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel

Huấn luyện chiến thuật cho quân nhân dự bị tại Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 10, Sư đoàn 4, Quân khu 9. Ảnh: HỮU TÀI 

Trên từng cương vị, các thành tố đó tác động đến quân nhân trong công tác, học tập, lao động, rèn luyện, cuộc sống hằng ngày và là cơ sở, nền tảng, nguồn động lực để mỗi quân nhân hoàn thành nhiệm vụ. Dù ở cương vị công tác nào, khi quân nhân có trách nhiệm đúng trên từng cương vị, chức trách thì sẽ thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ; yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ đồng chí, đồng đội; làm tròn trách nhiệm với hậu phương, gia đình và với chính bản thân quân nhân. Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 4 đưa nội dung lãnh đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quân nhân đối với bản thân, gia đình, đồng đội và đơn vị vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng và nội dung sinh hoạt thường xuyên của tất cả các tổ chức, sát với đặc điểm, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Việc triển khai thực hiện nghị quyết được tổ chức chặt chẽ và triệt để, xác định rõ trách nhiệm, tính gương mẫu của lãnh đạo, chỉ huy, nhất là người đứng đầu.

Thiếu tá NGUYỄN VĂN TRƯỞNG, Chính trị viên Trung tâm Huấn luyện chuyên môn kỹ thuật-nghiệp vụ, Vùng 3 Hải quân:

Xác định rõ và nâng cao trách nhiệm với bản thân

Trước tình hình mới, yêu cầu đối với mỗi quân nhân không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn mà còn phải nêu cao ý thức trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, đồng đội và đơn vị. 4 trách nhiệm ấy không tách rời mà có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên một hệ thống bổ sung, tương tác lẫn nhau, giúp quân nhân phát triển toàn diện cả về năng lực và đạo đức. Theo tôi, nếu coi trách nhiệm với đơn vị là đích đến thì trách nhiệm với bản thân là nền móng, điều kiện cần để đạt đến cái đích đó. Không xác định rõ và nâng cao trách nhiệm với bản thân thì không thể xác định, làm tròn trách nhiệm với gia đình, đồng đội và đơn vị.

Trên cương vị là một cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, tôi luôn nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của trách nhiệm đối với bản thân. Từ đó, tôi luôn chủ động trong học tập và nâng cao trình độ mọi mặt để đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ; duy trì lối sống lành mạnh, kỷ luật và gương mẫu. Dù nhiệm vụ ở đơn vị đòi hỏi cống hiến lớn về thời gian và tâm sức, nhưng tôi vẫn luôn quan tâm đến gia đình mình. Với vai trò là người cha, người chồng, tôi cố gắng để cân bằng giữa trách nhiệm của người cán bộ chủ trì ở đơn vị và vai trò trụ cột trong gia đình. Tôi luôn chia sẻ những giá trị cốt lõi về lòng yêu nước, trách nhiệm và tình yêu thương; việc chăm lo chu toàn cho gia đình cũng là cách củng cố hậu phương vững chắc, giúp tôi yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ ở đơn vị. Đồng thời, luôn đề cao trách nhiệm gắn kết và xây dựng mối đoàn kết trong chỉ huy, tập thể đơn vị; chú trọng việc lắng nghe, chia sẻ với các đồng đội trong công việc cũng như cuộc sống cá nhân.

Thiếu tá QNCN TRƯƠNG VĂN HIỂU, Trinh sát viên Trung đội 3, Đại đội Trinh sát đặc nhiệm 1, Tiểu đoàn Trinh sát 32, Bộ Tham mưu Quân khu 5:

Tự giác rèn luyện nâng cao nhận thức, trách nhiệm

Theo tôi, thực hiện tốt trách nhiệm đối với bản thân là yếu tố rất quan trọng vì đó là cơ sở, tiền đề, nền tảng để người quân nhân có thể làm tốt trách nhiệm với gia đình, đồng đội và đơn vị. Trách nhiệm đối với bản thân xuất phát từ việc bảo vệ, rèn luyện, hoàn thiện bản thân cả về sức khỏe, trình độ, năng lực, bản lĩnh và nâng cao nhận thức chính trị để tăng khả năng “miễn dịch”, “sức đề kháng” trước tác động tiêu cực, những tình huống khó khăn, phức tạp... Đó là cơ sở để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình đối với đơn vị; giúp đỡ, động viên đồng chí, đồng đội, nhất là trong những lúc khó khăn; xử lý tốt các vấn đề nảy sinh, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Để thực hiện tốt 4 trách nhiệm trên, thời gian qua, tôi luôn tự giác học tập nâng cao nhận thức, trách nhiệm của bản thân; luôn trân trọng, giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của quê hương, đất nước, Quân đội và đơn vị. Trên cương vị là trinh sát viên, tôi tích cực tham gia huấn luyện, rèn luyện nắm chắc các loại vũ khí, trang bị mới trong biên chế của đơn vị; nắm chắc kỹ thuật, chiến thuật, nghiệp vụ trinh sát đặc nhiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay. Tích cực tham gia xây dựng cảnh quan đơn vị, nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình. Đối với gia đình, bản thân tôi luôn làm tròn trách nhiệm của một người chồng, người cha, người con trong nhà; chia sẻ, giúp vợ con trong công việc gia đình, trước những khó khăn trong cuộc sống. Ở đơn vị, tôi luôn đoàn kết, hỗ trợ, tôn trọng, quan tâm tới đồng chí, đồng đội về mọi mặt, nhất là với một số đồng chí có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.

Trung sĩ TRƯƠNG XUÂN DƯƠNG, Tiểu đội trưởng Tiểu đội Thông tin, Trung đội Chỉ huy, Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Pháo binh 16, Quân khu 4:

Tự giác, nỗ lực phấn đấu

Trách nhiệm với bản thân, gia đình, đồng đội và đơn vị có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau. Mỗi yếu tố có một vị trí, vai trò khác nhau trong hỗ trợ phát triển nhân cách quân nhân cũng như giúp quân nhân khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ. Theo tôi, trách nhiệm với bản thân là yếu tố trước nhất. Vì có trách nhiệm với bản thân mới rèn luyện cho mình mạnh mẽ, vững vàng để làm tròn nhiệm vụ của người chiến sĩ, giúp được đồng đội, gánh vác được trách nhiệm của đơn vị, gia đình. Mình không rèn mình, không cố gắng thì làm sao có thể giúp ai. Chỉ khi hiểu rõ điều đó và tích cực rèn luyện nâng cao trình độ, bản lĩnh thì mới sống có trách nhiệm, quyết tâm cao. Bản thân tôi sẽ tích cực nỗ lực phấn đấu, học tập, rèn luyện một cách tự giác, luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

-----------------------------------------------------------------------

Không lo được cho mình thì không giúp được ai

Không ngẫu nhiên mà trách nhiệm đối với bản thân lại có ý nghĩa trước nhất. Điều này hoàn toàn khác với thói ích kỷ cá nhân và đề cao bản thân, coi thường người khác. Bởi xét cho cùng, một người mà vô trách nhiệm với chính bản thân mình thì còn biết nghĩ và làm được gì cho ai!? Hơn nữa, nếu mình còn chưa lo được cho bản thân thì làm sao có thể giúp được người khác, thậm chí là còn làm vướng chân, trở thành gánh nặng đối với gia đình, đồng đội và đơn vị. Xin lấy một ví dụ: Nếu chiến sĩ không xác định tốt trách nhiệm của bản thân, lười rèn luyện thể lực, không tự cố gắng, mới chớm mệt đã chùn bước thì khi đơn vị tổ chức hành quân mang vác nặng hoặc tham gia diễn tập phải hành quân đường dài sẽ không theo kịp đội hình. Không những thế, đồng đội sẽ phải hỗ trợ, có thể là mang hộ súng, vác hộ quân tư trang... Việc này làm giảm tốc độ hành quân, đơn vị không đến vị trí trú quân như kế hoạch đã xác định, chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị sẽ bị ảnh hưởng.

leftcenterrightdel
Chiến sĩ Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 335 (Sư đoàn 324, Quân khu 4) vui văn nghệ trong ngày nghỉ. Ảnh: GIANG ĐÌNH 

Chưa cần phải làm điều gì quá to tát, lớn lao, mỗi người hãy bắt đầu nêu cao trách nhiệm với bản thân, gia đình, đồng đội bằng việc không để người khác phải lo lắng, suy nghĩ vì mình. Trước hết, mỗi quân nhân cần nắm vững quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được hiến định và quy định cụ thể bằng nhiều văn bản pháp luật để biết cách bảo vệ bản thân, như: Quyền sống; quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm... Đồng thời, phải thực hiện tốt các nghĩa vụ để sống và làm việc có trách nhiệm, như: Trung thành với Tổ quốc; bảo vệ Tổ quốc; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng... Chỉ khi có ý thức, trách nhiệm với bản thân và tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện thì quân nhân mới có thể đóng góp tích cực, làm tròn bổn phận của thành viên gia đình trên từng cương vị, đặc biệt là vai trò của người con, người chồng (vợ), người cha (mẹ) để xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Nêu cao trách nhiệm với bản thân cũng là cơ sở để quân nhân nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với đồng đội và đơn vị, tạo nên sự gắn kết, nghĩa tình đồng chí, đồng đội, phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật, tạo sức mạnh tổng hợp, đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.