Ứng phó linh hoạt, hiệu quả sự cố thời bình
Với đề mục “Tỉnh Bình Định ứng phó sự cố chìm tàu vận tải biển và xử lý sự cố tràn dầu” tình huống diễn tập phòng thủ dân sự đặt ra là: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sóng to, gió lớn, tàu vận tải đang trong quá trình vào khu neo đậu để tránh, trú thì đâm va với tàu chở dầu. Hậu quả, làm 6 thuyền viên rơi xuống nước; tàu vận tải bị cháy, sau đó lan rộng đến các tàu cá và một số nhà dân tại bến tàu Hàm Tử (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định); tàu chở dầu cũng bị chìm và dầu rò rỉ, tràn ra môi trường.
Các tình huống về sự cố liên tiếp đặt ra theo độ khó tăng dần, nhưng đều được cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, LLVT tỉnh Bình Định đánh giá, nhận định chính xác, chỉ đạo, điều hành, triển khai lực lượng nhịp nhàng, xử lý hiệu quả sự cố, bảo vệ tính mạng nhân dân và giảm thiệt hại thấp nhất về tài sản. Để hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, các đơn vị tham gia diễn tập phòng thủ dân sự đã giáo dục, xây dựng quyết tâm cao, tổ chức huấn luyện, rèn luyện kỹ năng bài bản cho mọi cán bộ, chiến sĩ.
 |
Lực lượng cứu hộ, cứu nạn thực hành dập lửa trong diễn tập phòng thủ dân sự. |
Thiếu tá Phạm Đăng Thơ, Hải đội trưởng Hải đội Biên phòng 2 (Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định) cho biết, ngay từ khi nhận nhiệm vụ tham gia diễn tập phòng thủ dân sự, Đảng ủy, chỉ huy Hải đội Biên phòng 2 xác định, đây là nhiệm vụ “chiến đấu thời bình” và ra nghị quyết chuyên đề, triển khai nhiều biện pháp lãnh đạo, xây dựng ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ; tổ chức huấn luyện bổ sung theo các phương án, tình huống. “Bên cạnh nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, bảo vệ biên giới biển, Hải đội Biên phòng 2 còn có nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển tỉnh Bình Định, nên đợt diễn tập này là một cơ hội tốt để huấn luyện nâng cao trình độ chỉ huy, hiệp đồng, rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn cho cán bộ, chiến sĩ”, Thiếu tá Phạm Đăng Thơ nhấn mạnh.
Theo Đại tá Nguyễn Văn Lĩnh, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, hiện toàn tỉnh Bình Định có 5.711 tàu cá và khoảng 45.000 ngư dân. Từ năm 2020 đến nay đã xảy ra 85 vụ sự cố tàu, thuyền với 592 thuyền viên bị nạn, làm 15 tàu chìm, 6 thuyền viên chết và 38 thuyền viên mất tích. Vì vậy, nội dung diễn tập phòng thủ dân sự có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sát với tình hình thực tế của địa phương. Qua diễn tập không chỉ nâng cao ý thức trách nhiệm, khả năng xử lý nhuần nhuyễn, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, LLVT mà còn chuẩn bị tốt mọi phương án, lực lượng, phương tiện, sẵn sàng ứng phó mọi sự cố trên biển.
Cuộc sát hạch toàn diện
Diễn tập KVPT tỉnh Bình Định theo 3 giai đoạn: Chuyển LLVT vào các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng; tổ chức chuẩn bị tác chiến phòng thủ; thực hành tác chiến phòng thủ với nhiều nội dung mới và sát với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng KVPT trong giai đoạn hiện nay, như: Quy mô của cuộc diễn tập lớn, nhiều thành phần, lực lượng, phương tiện tham gia; tổ chức thực binh thiết quân luật, giới nghiêm cấp huyện; thực binh đánh chiếm mục tiêu, giải thoát con tin và khắc phục hậu quả khủng bố; thực binh bắn đạn thật với nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại...
Đặc biệt, Ban chỉ đạo diễn tập Quân khu 5 đã chỉ đạo diễn tập KVPT tỉnh Bình Định chủ yếu bằng phương pháp “đạo theo diễn”, nhằm kiểm tra việc vận hành cơ chế theo Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị; khả năng huy động sức mạnh tổng hợp; năng lực tham mưu của cơ quan quân sự, biên phòng, công an, các ban, sở, ngành, đoàn thể. Thực tế diễn ra cho thấy, hệ thống chính trị, LLVT tỉnh Bình Định đã vận hành đồng bộ, nhịp nhàng khi chuyển LLVT vào các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuyển địa phương vào các trạng thái quốc phòng; vận dụng nhuần nhuyễn lý luận, nguyên tắc trong các nội dung thực binh, nhất là trong chuẩn bị và tác chiến phòng thủ.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định, Trưởng ban chỉ đạo diễn tập BĐ-23 cho rằng, thành công lớn nhất của diễn tập lần này là góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, LLVT và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sát hạch, kiểm tra, đánh giá toàn diện, qua đó bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, xử lý các tình huống sự cố, hỏa hoạn, thiên tai, môi trường của hệ thống chính trị trong phòng thủ dân sự; rèn luyện và nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, khả năng phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị Quân đội, công an, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ trong xử lý các tình huống xảy ra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá Trần Thanh Hải, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Phó trưởng ban chỉ đạo diễn tập BĐ-23 đúc kết, cuộc diễn tập thành công trên nhiều phương diện, song các tình huống đặt ra trong diễn tập chỉ là giả định, trên thực tế có thể diễn biến phức tạp hơn rất nhiều, không theo trình tự nào. Do đó, thời gian tới, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quán triệt sâu sắc những nghị quyết, nghị định của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoạt động KVPT. Chú trọng xây dựng các tiềm lực, nhất là tiềm lực chính trị tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân”, thế trận quốc phòng, an ninh vững chắc; chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới.
Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.