 |
Thủy lôi neo tập IAM do xưởng X28 (Quân chủng Hải quân) sản xuất. Ảnh: ĐÌNH XUÂN |
Trong hệ thống phòng thủ biển, đảo và ngăn cản có hiệu quả các cuộc tiến công, đổ bộ từ hướng biển, vũ khí thủy lôi giữ vai trò rất quan trọng. Thủy lôi được đánh giá là vũ khí rất lợi hại, độ tin cậy chiến đấu cao, chi phí thấp, vì vậy chúng luôn được quân đội các nước quan tâm, phát triển ngày càng hiện đại hơn. Để đáp ứng yêu cầu của chiến tranh hiện đại, công nghệ cao trong tương lai, các nhà khoa học quân sự không ngừng nghiên cứu thiết kế, ứng dụng những thành tựu khoa học-công nghệ mới nhất vào chế tạo các loại thủy lôi hoạt động theo các nguyên lý mới, đặc biệt là phát triển các loại thủy lôi trí năng và tàng hình hóa.
Thủy lôi hiện đại là một hệ thống thiết bị đa năng với những phần tử thông minh tích hợp lại. Do ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ thông tin và các loại vật liệu mới vào sản xuất nên thủy lôi có kích thước ngày càng nhỏ gọn, bảo đảm cho các phương tiện mang và phóng rải thủy lôi cùng lúc với số lượng lớn. Hải quân Mỹ đang triển khai chương trình phát triển một loại thủy lôi thế hệ mới dùng trong tương lai, có kích thước chỉ bằng 1/2 thủy lôi Mk-55 (dài khoảng 2m), bảo đảm để cho một tàu ngầm có thể mang và phóng rải 1.000 thủy lôi loại mới này. Thủy lôi lắp máy tính, linh kiện bán dẫn và nhồi thuốc nổ kiểu mới, công suất nổ lớn gấp nhiều lần so với thủy lôi Mk-55.
Phát triển thủy lôi "thông minh" đang là xu hướng chung của hải quân nhiều nước có trình độ khoa học-công nghệ tiên tiến. Ô-xtrây-li-a đang nghiên cứu một dạng thủy lôi thông minh MSM, có khả năng thám trắc mục tiêu, chống quét lôi và tiêu diệt mục tiêu hiệu quả. Thủy lôi MSM lắp một thẻ nhớ có chức năng như một hệ thần kinh, có thể nhận biết được tất cả các loại tàu thuyền trong bán kính sát thương; khả năng chống lại các phương tiện quét lôi hiện nay trên lý thuyết đạt gần 100%. Hải quân I-ta-li-a đã phát triển thủy lôi Sepia dạng neo không tiếp xúc, lắp bộ vi xử lý định chế độ nổ, chọn lựa mục tiêu và chống quét lôi. Trước khi thả từ các phương tiện tàu ngầm, tàu nổi, máy bay... tùy theo yêu cầu chiến đấu mà thủy lôi Sepia được đặt sẵn các chế độ nổ, độ sâu, độ nhạy của ngòi nổ, thời gian bảo hiểm, thời gian hết tác dụng. Quân đội Mỹ đã trang bị cho lực lượng hải quân thủy lôi Mk-60 lắp các thiết bị nhận biết, thăm dò và đo đạc mục tiêu dưới nước. Thủy lôi Mk-60 có khả năng tự xác định tọa độ, tự động phóng lôi khi có tàu đối phương lọt vào vòng bán kính tác chiến hiệu quả. Nga cũng là cường quốc nghiên cứu phát triển thủy lôi trí năng hóa, trong đó nổi bật là thủy lôi chống ngầm PMK-1. Thủy lôi có một “bộ não” với hệ thống máy tính mi-ni lắp đặt trong khoang điều khiển cùng với các phần mềm và linh kiện bán dẫn hiện đại. Nhờ có bộ não tinh vi, thủy lôi PMK-1 phán đoán được hướng đi và vận tốc của tàu ngầm để xác định quỹ đạo đường đạn và chặn đánh mục tiêu.
Thủy lôi hiện đại được thiết kế ngày càng hoàn thiện và nâng cao tính năng tàng hình để tránh việc phát hiện, rà quét của các phương tiện đối phương. Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp ẩn giấu truyền thống như sơn vỏ theo màu sắc nước biển, tự vùi... thủy lôi hiện đại được thiết kế mô phỏng tính chất thủy động học của nước biển để tránh sự trinh sát phát hiện của các thiết bị thủy âm và phương tiện phát hiện thủy lôi dưới nước. Thủy lôi Manta (I-ta-li-a) và Rocan (Thụy Điển) là những thủy lôi có tính năng tàng hình tốt nhờ kết cấu và các thiết bị phản âm, đồng thời có khả năng định thời hạn tự vô hiệu hóa. Hải quân Đức đã phát triển thủy lôi đáy có thân làm bằng cao su hoặc chất dẻo, có thể biến dạng theo địa hình đáy biển khiến các thiết bị thủy âm săn lôi của đối phương rất khó phát hiện. Hải quân Anh nghiên cứu chế tạo loại thủy lôi tàng hình SNM thả từ máy bay và tàu chiến. Thủy lôi được cài sẵn chế độ nổ, gắn thiết bị thăm dò, phát hiện mục tiêu. Khi xuống đáy biển, thủy lôi SNM tự động chôn kín vào trong bùn cát ở độ sâu định sẵn, tự ra quyết định tiến công khi mục tiêu đến gần. Nhật Bản gần đây nghiên cứu phát triển loại thủy lôi phao tiêu sô-na hoạt động dựa trên nguyên lý kết hợp giữa phao tiêu thủy âm với thủy lôi neo hoặc đáy. Sự kết hợp này khiến thủy lôi vô hiệu hóa được thiết bị trinh sát thủy âm của đối phương, làm cho việc phát hiện và rà phá thủy lôi của đối phương khó khăn hơn.
Những phát triển mới của thủy lôi hiện đại bên cạnh việc nâng cao hiệu quả chiến đấu với các chiến hạm, phương tiện thủy hiện đại, còn cho phép phòng thủ biển, đảo vững chắc hơn. Sự phát triển thủy lôi nguyên lý mới chắc chắn kéo theo những phát triển mới về nghệ thuật tác chiến, phòng thủ từ hướng biển, đồng thời tạo cho những nghiên cứu phát triển mới về phương tiện trinh sát, rà phá thủy lôi tiên tiến, hiện đại hơn.
NGUYỄN ĐỨC