Theo Đại tá Nguyễn Mạnh Vững, Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Kỹ thuật, 38/39 công trình của tổng cục đoạt Giải thưởng TTST trong quân đội lần thứ 21 đã được triển khai ứng dụng vào thực tiễn đơn vị, nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất vũ khí trang bị kỹ thuật, đổi mới quy trình công nghệ, tiết kiệm thời gian sản xuất, vật tư thay thế; nâng cao năng suất lao động, sản xuất vật tư kỹ thuật. Một công trình còn lại đã hoàn thiện, dự kiến áp dụng trong năm nay.
Đối với giải thưởng lần thứ 22, tuổi trẻ tổng cục tham gia với 140 công trình, đều được hình thành, xây dựng từ thực tiễn nhiệm vụ của các đơn vị cơ sở, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn; được thẩm định, đánh giá nghiêm túc từ cơ quan khoa học các cấp, nhất là hội đồng khoa học công nghệ của tổng cục. Hầu hết các công trình có giá trị thực tiễn cao.
 |
Các đại biểu tham quan mô hình, sáng kiến của tuổi trẻ Lữ đoàn 971, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần. |
Với đặc thù là binh chủng kỹ thuật, quản lý khai thác nhiều chủng loại trang bị, khí tài thông tin hiện đại và truyền thống, các công trình tham gia Giải thưởng TTST trong quân đội của Binh chủng Thông tin liên lạc đã được ứng dụng kịp thời, đem lại hiệu quả kinh tế và quân sự cao. Nhiều công trình lần đầu được nghiên cứu, ứng dụng trong quân đội, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhất là bảo đảm thông tin liên lạc và xây dựng binh chủng tiến thẳng lên hiện đại.
Ngoài việc tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước, quân đội, nhiều công trình góp phần quan trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ, tăng cường tính bảo mật cho hệ thống thông tin liên lạc, đồng thời bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trên các lĩnh vực có trình độ cao, làm chủ được các trang thiết bị hiện đại. 11 công trình của tuổi trẻ binh chủng đoạt giải thưởng lần thứ 21 đều có sản phẩm thực tế. Một số công trình đã được sản xuất để trang bị cho các đơn vị, tiết kiệm ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng, tiêu biểu như đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị truyền dẫn quang SDH TQ-1825”, hiện đã sản xuất được 14 bộ và đang tiếp tục phát triển, triển khai trong toàn quân. 14 công trình của tuổi trẻ binh chủng tham gia giải thưởng lần thứ 22 cũng đã và đang được ứng dụng, phát triển trong thực tiễn.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Phạm Khoa Nam, Trưởng phòng Công tác quần chúng, Cục Chính trị, Quân chủng Hải quân, cho biết: 10 công trình của quân chủng đoạt giải nhì và ba Giải thưởng TTST trong quân đội lần thứ 21 đều có giá trị phục vụ đắc lực trong các nhiệm vụ của đơn vị, như: Huấn luyện, SSCĐ, học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần của bộ đội, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Nhiều công trình có giá trị cao về kinh tế, làm lợi cho đơn vị, doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng. 55 công trình tham gia giải thưởng lần thứ 22 cũng bước đầu được ứng dụng vào thực tiễn; tiêu biểu như: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin mô phỏng quy trình tháo động cơ tuabin khí tàu thủy hỗ trợ công tác đào tạo”; “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống kiểm tra và thử nghiệm tổ hợp trinh sát ngầm thụ động trên trực thăng KA-28”; “Hệ thống dập cháy và hút khô khoang cạn”...
Tìm hiểu ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chúng tôi được biết, sau khi đoạt 2 giải nhất, 5 giải nhì, 3 giải ba giải thưởng lần thứ 21, các công trình đều được ứng dụng và trở thành kỹ thuật thường quy, thể hiện sự đóng góp lớn của tuổi trẻ bệnh viện đối với nhiệm vụ điều trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân. Chia sẻ với chúng tôi, nhóm tác giả đề tài “Nghiên cứu hiệu quả của liệu pháp thay thế huyết tương trong điều trị viêm tụy cấp do tăng triglycerid máu”, tâm đắc: Hiện nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã triển khai ứng dụng khoảng 70 ca/năm, Bệnh viện Bạch Mai là 100 ca/năm. Kỹ thuật này đã trở thành thường quy trong điều trị viêm tụy cấp do tăng triglycerid mức độ vừa và nặng.
Giải thưởng TTST trong quân đội lần thứ 21 có 577 công trình của 39 đơn vị trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham gia, trong đó 280 công trình đoạt giải. Đánh giá về hiệu quả thực tiễn của các công trình, Thượng tá Trần Viết Năng, Trưởng ban Thanh niên Quân đội, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng giải thưởng nhấn mạnh: Qua báo cáo của các đơn vị và kiểm tra thực tế, hơn 90% công trình được trao giải được triển khai ứng dụng vào thực tiễn đạt hiệu quả cao, nhất là những công trình ở các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, nghiên cứu, giảng dạy, sản xuất kinh doanh, khám chữa bệnh...
Các công trình góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ; tăng độ chính xác, ổn định, kéo dài tuổi thọ và độ bền của vũ khí trang bị kỹ thuật; tiết kiệm thời gian, công sức của bộ đội; bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân; làm lợi cho đơn vị và quân đội hàng trăm tỷ đồng. Giải thưởng lần thứ 22 tiếp tục tăng về số lượng, đa số công trình có chất lượng tốt, hiệu quả thiết thực về quốc phòng-an ninh và kinh tế-xã hội.
Bài và ảnh: KHÁNH MINH