Tại Hội nghị lần thứ 6 Quân ủy Trung ương nhiệm kỳ 2020-2025 mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tiếp tục xây dựng Đảng bộ Quân đội thật sự trong sạch, vững mạnh; đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, đủ đức, đủ tài, có uy tín cao; cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, chỉ huy phải mẫu mực trước toàn đơn vị; chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội theo tinh thần "7 dám": "Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung".
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực tế hiện nay, đội ngũ cán bộ đa số là trẻ, đã qua môi trường đào tạo cơ bản, được thử thách môi trường làm việc thực tiễn ở đơn vị cơ sở và được chỉ huy các cấp tạo điều kiện hướng dẫn, bồi dưỡng. Tuy nhiên, đứng trước những thử thách, va chạm thực tiễn, do tác động từ nhiều yếu tố, một bộ phận cán bộ vẫn còn tâm lý "chông chênh", do đó cần tiếp tục hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
 |
Thượng úy Phan Ngọc Siêu (đứng thứ 2 từ phải sang).
|
Qua lời phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về "7 dám" có thể thấy rõ sự quan tâm của cá nhân đồng chí Tổng Bí thư nói riêng và Quân ủy Trung ương nói chung trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội trong tình hình hiện nay, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bản thân tôi là cán bộ chính trị mới ra trường, về công tác tại đơn vị cơ sở được hơn 2 năm. Trong quá trình quản lý, điều hành đơn vị, tôi đã học hỏi được kinh nghiệm đồng thời nhận được nhiều sự quan tâm giúp đỡ của chỉ huy các cấp. Qua phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bản thân là cán bộ trẻ, tôi nhận thấy cần phải học tập hoàn thiện từng “dám”.
Trước hết, qua quá trình công tác, chúng ta cần tích lũy kinh nghiệm, có phương pháp làm việc hiệu quả, chịu khó tìm tòi đổi mới sát với thực tiễn của đơn vị. Tất cả nhằm mục đích đưa bản thân và tập thể phát triển đi lên. Đó là “dám nghĩ”.
“Dám nói” thể hiện sự chín muồi trong suy nghĩ và thẳng thắn, cương trực của cán bộ. Quân đội là một tổ chức chặt chẽ, hoạt động theo nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Khi cá nhân có ý kiến đóng góp xây dựng đơn vị, cần trình bày trước tập thể để bàn bạc, đi đến thống nhất.
"Dám làm” thể hiện tinh thần xung kích, quyết tâm thực hiện bằng được vấn đề mình đề xuất; khi tập thể thống nhất sẽ phân công nhiệm vụ cụ thể. Khi ý kiến của cá nhân được giải quyết, đơn vị đoàn kết thực hiện đạt kết quả cao, đồng thời tạo mối quan hệ gắn kết giữa tập thể và cá nhân.
“Dám chịu trách nhiệm” thể hiện bản lĩnh, tinh thần vững vàng của người “đứng mũi chịu sào” trước mọi “sóng to, gió cả”.
“Dám đổi mới sáng tạo”: Đổi mới là thay cái cũ hoặc làm cho cái cũ trở nên tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Cán bộ trẻ sáng tạo là người đưa ra những ý tưởng, sáng kiến ứng dụng vào thực tế, mang lại lợi ích cho đơn vị. Đổi mới sáng tạo là một chỉnh thể có quan hệ chặt chẽ giữa 2 thành tố: Đổi mới và sáng tạo. Đổi mới phải sáng tạo và sáng tạo hàm chứa đổi mới phải phù hợp với điều kiện thực tiễn.
“Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung": Đối với cán bộ trẻ như chúng tôi, đa số vẫn còn sự nóng vội, bồng bột, còn ngại khó khăn, thử thách, đâu đó vẫn còn cái tôi cá nhân rất lớn. Tuy nhiên, môi trường Quân đội là môi trường đặc thù, có tính tập thể cao và luôn sẵn sàng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Do đó, đứng trước khó khăn, người cán bộ phải luôn sáng suốt và tỉnh táo, có chính kiến riêng và sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách... Bản thân cán bộ phải biết hành động vì lợi ích tập thể, không lợi dụng quyền lực, chức trách được giao phó để thu vén, trục lợi cá nhân, làm tổn hại đến lợi ích chung.
THÚY AN (ghi)