QĐND Online - Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, vào Tây Bắc chỉ có con đường số 41 chạy từ Hòa Bình qua Mộc Châu, Sơn La, Tuần Giáo, song con đường này đã bị hư hỏng nặng, nhiều năm không được sửa chữa. Từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ chỉ có một con đường ngựa thồ dài 89 km, nhưng nó cũng bị hư hỏng gần hết, nhiều đoạn sụt lở, không còn dấu vết. Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 13-3/7 đến tháng 5-1954), một trong những vấn đề quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta quan tâm nhất là “mở đường thắng lợi” để đảm bảo cung cấp cho mặt trận. Hai lực lượng được Bác Hồ và Đảng tin tưởng giao cho trọng trách mở đường vào chiến dịch Điện Biên Phủ là dân công và Thanh niên xung phong. Tuy nhiên, trong thực tế, mặc dù có tinh thần sẵn sàng hy sinh, chịu đựng gian khổ nhưng vì thời gian phục vụ theo mùa, theo chiến dịch chỉ kéo dài chục ngày hoặc hai, ba tháng nên việc huy động lực lượng dân công có những hạn chế nhất định. Mặt khác, đối tượng tham gia dân công rất rộng khiến cho công tác tổ chức, giáo dục, điều hành gặp khó khăn. Trong nhiều trường hợp, dân công không đảm đương được những nhiệm vụ đột xuất, những nhiệm vụ đòi hỏi thời gian dài… Do đó, lực lượng Thanh niên xung phong được xác định là nòng cốt, bên cạnh lực lượng dân công đông đảo trong công tác mở đường.

Để đảm bảo giao thông, cơ động pháo và hậu cần cho các lực lượng ta tham gia chiến dịch, ngay từ đầu năm 1954, lực lượng Thanh niên xung phong cùng bộ đội và dân công đã sửa chữa một số trục đường từ Việt Bắc lên Tây Bắc, làm mới một số con đường qua các sườn núi xung quanh Điện Biên Phủ. Trên chiến trường Tây Bắc, Thanh niên xung phong phối hợp với trung đoàn 152 công binh và hàng nghìn dân công mở 87 km đường mới, nối liền đường 13 với đường 41 (nay là quốc lộ 6), nối thông hậu phương với tiền tuyến lớn Tây Bắc. Trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, Thanh niên xung phong tham gia sửa chữa và mở rộng 3.300 km đường, bổ sung quân số vào 25 đội chủ lực cầu đường chuyên phá bom nổ chậm ở các điểm xung yếu, tham gia đảm bảo giao thông tại 60 bến phà và làm thêm 63 km đường xung quanh Điện Biên Phủ để kéo pháo đến gần và cơ động pháo trong quá trình diễn ra chiến dịch. Mồ hôi và máu của Thanh niên xung phong đã đổ trên các tuyến đường trọng yếu dẫn tới lòng chảo Điện Biên Phủ. Các đội Thanh niên xung phong không quản mưa gió và khí hậu giá lạnh của núi rừng Tây Bắc, khắc phục muôn vàn thiếu thốn, gian lao, đêm ngày trụ vững địa bàn, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng tiến công tập đoàn cứ điểm địch ở Điện Biên Phủ. Đội Thanh niên xung phong 34 và 36 cùng bộ đội, dân công nhận trọng trách giữ vững mạch máu giao thông trên các tuyến đường dẫn đến mặt trận. Trong qua trình chiến dịch, Đội Thanh niên xung phong 34 bổ sung 1000 đội viên cho bộ đội, sau đó, Đội phát triển số quân lên đến 3.000 đội viên, biên chế thành 11 đại đội. Nhiệm vụ của Đội là đảm bảo giao thông trên tuyến đường dài 200 km, từ Suối Rút (Hòa Bình) đến km 31 (Tuần Giáo đi Điện Biên) và bốc vác, vận chuyển hàng phục vụ các trạm giao thông từ Suối Rút đến km 80 (Điện Biên Phủ). Để hoàn thành các nhiệm vụ đó, Đội 34 đã trải lực lượng trên toàn tuyến, từ Suối Rút đến Điện Biên Phủ, dài hàng trăm km. Trên tuyến đường này, địch ra sức bắn phá dữ dội, ngăn chặn tiếp tế của ta, Thanh niên xung phong vẫn kiên cường trụ bám, luôn luôn bảo đảm kịp thời thông đường cho xe qua.

Đầu tháng 4-1954, giữa lúc tập đoàn cứ điểm địch ở Điện Biên Phủ đang lâm nguy, để cứu vãn tình hình, Bộ Chỉ huy quân sự Pháp ở Đông Dương đã huy động lực lượng không quân vào nhiệm vụ phá hoại các tuyến đường vận tải của ta, mà trọng điểm là đèo Pha Đin, ngã ba Cò Nòi và cầu Tà Vai… Tại Pha Đin, Đại đội Thanh niên xung phong 293 và 294 làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông trên đoạn đèo có độ cao 160m so với mặt biển và độ dài 25 km với nhiều dốc cao, nhiều quãng gấp, lầy lội, đã phải hứng chịu sự đánh phá ác liệt của máy bay địch. Thế nhưng, bom đạn quân thù không thắng nổi ý chí và lòng dũng cảm của Thanh niên xung phong. Toàn thể Đại đội 293 và 294 hạ quyết tâm: “Thanh niên xung phong còn thì mạch máu giao thông được giữ vững”. Để cho đường thông suốt, anh, chị em phải trực 24/24 giờ để san lấp hố bom, phá bom nổ chậm ... Có những đêm mưa rét, Thanh niên xung phong phải nhịn đói, chống lầy, dùng sức người đẩy ô tô chết máy qua đèo.

Ngã ba Cò Nòi, nơi gặp nhau của đường 13 và đường 41, máy bay địch tập trung bắn phá dữ dội. Trung bình một ngày chúng ném tới 60 tấn bom, chủ yếu là bom nổ chậm với nhiều định giờ nổ khác nhau, gây khó khăn cho ta trong việc phá nổ. Khắc phục gian khổ, hiểm nguy, thanh niên xung phong vẫn trụ vững ở ngã ba nóng bỏng này, kịp thời phá bom nổ chậm, san lấp mặt đường, bảo đảm giao thông, phấn đấu không để đường tắc quá 2 giờ.

Trên tuyến đường 41 và đường 13 - tuyến giao thông chính của chiến dịch, Đội 36 và Đại đội 406, 407 Thanh niên xung phong đã ghi nhiều chiến công trong công tác thông đường cho xe ra mặt trận. Trong những tháng diễn ra chiến dịch, Đại đội 406 không để một lần xe tắc trên quãng đường dài 25 km, qua hai đèo nguy hiểm trên đường 41. Đại đội 407 phụ trách quãng đường dài 45 km trên đường 13. Như mọi con đường trên vùng cao Tây Bắc, đây là quãng đường có lắm dốc cao, vực sâu, nhiều chỗ đường chênh vênh giữa lưng đèo, lưng núi. Trong điều kiện như vậy, toàn thể cán bộ, chiến sĩ Đại đội cùng với hàng trăm dân công Sơn La không quản gian khổ, đạn bom, đã liên tục bám đường, san lấp quãng lầy, rà phá bom nổ chậm.

Vai trò nổi bật của Đoàn Thanh niên xung phong Trung ương trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử là làm đường, phá bom nổ chậm, giữ vững mạch máu giao thông quan trọng nhất của mặt trận. Ngoài ra, Thanh niên xung phong còn làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, phục vụ bộ đội chiến đấu … Nhiệm vụ nào Thanh niên xung phong cũng hoàn thành xuất sắc. Thành tích của Thanh niên xung phong trong chiến dịch Điện Biên Phủ được Trung ương Đảng, Bác Hồ đánh giá cao và giành cho nhiều phần thưởng xứng đáng. Đoàn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhất và 60 huân chương các loại cho tập thể và cá nhân xuất sắc trong chiến dịch lịch sử này.

Thế Vỵ