QĐND - Mới đây, tại buổi tiếp Đoàn cán bộ báo chí Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam sang tham dự cuộc tọa đàm với chủ đề ""Vai trò báo chí Quân đội Lào-Việt Nam về tuyên truyền, giáo dục truyền thống-Kinh nghiệm và giải pháp"" do Báo QĐND Việt Nam và Báo QĐND Lào tổ chức tại Viêng Chăn; Đại tá Chuông-chăn La-xa-vông, đại biểu Quốc hội, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Bô-ly-khăm-xay (nước CHDCND Lào) đã dành cho phóng viên Báo QĐND cuộc trò chuyện cởi mở, chân thành. Báo QĐND trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện này.

Phóng viên (PV): Tỉnh Bô-ly-khăm-xay có đường biên giới giáp với hai tỉnh của Việt Nam là Nghệ An và Hà Tĩnh, vậy việc phối hợp bảo đảm an ninh tuyến biên giới trong những năm qua được thể hiện như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Chuông-chăn La-xa-vông

Đại tá Chuông-chăn La-xa-vông: Điều kiện tự nhiên và truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của hai nước, hai dân tộc Lào-Việt Nam đã tạo ra những cơ sở, điều kiện hết sức thuận lợi để LLVT tỉnh Bô-ly-khăm-xay phối hợp chặt chẽ với LLVT hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong việc củng cố, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới. Sự phối hợp ấy không chỉ đơn thuần trong thực hiện nhiệm vụ, mà còn dựa trên nền tảng của tình đồng chí, anh em thủy chung, son sắt đã được các thế hệ người Lào và người Việt Nam dày công vun đắp, gìn giữ. Mối quan hệ máu thịt giữa hai dân tộc Lào-Việt Nam là tài sản quý mà không phải bất kỳ dân tộc nào trên thế giới cũng có được. Bởi vậy, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình không chỉ giữ vững mà còn phải có trách nhiệm phát huy tình hữu nghị đặc biệt Lào-Việt Nam phát triển lên một tầm cao mới. Việc gìn giữ mối quan hệ thủy chung ấy được chúng tôi thể hiện bằng những chủ trương, biện pháp, việc làm hết sức cụ thể với mục đích cao nhất: Vì sự phát triển của mỗi nước, vì hạnh phúc và cuộc sống ấm no của nhân dân Lào và Việt Nam.

PV: Xin đồng chí có thể nói cụ thể hơn về những chủ trương, biện pháp mà LLVT tỉnh Bô-ly-khăm-xay đã phối hợp với LLVT hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh của Việt Nam trong thời gian qua?

Đại tá Chuông-chăn La-xa-vông: Có nhiều cách làm rất sáng tạo và mang lại hiệu quả cao mà chúng tôi đã tiến hành trong suốt nhiều năm qua. Ví dụ, chúng tôi thường xuyên tổ chức các đoàn cán bộ cấp cao trực tiếp sang Việt Nam trao đổi kinh nghiệm, thông báo tình hình và đề xuất các giải pháp cụ thể trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới. Hoặc phía Việt Nam cũng chủ động sang Lào để trao đổi tình hình. Những cuộc gặp gỡ, trao đổi như trên không chỉ là điều kiện để chúng tôi phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, mà còn là điều kiện để đội ngũ cán bộ hiểu thêm về văn hóa truyền thống, phong tục tập quán của nhân dân mỗi nước. Điều này rất quan trọng, bởi khi hiểu được cuộc sống sinh hoạt, phong tục tập quán của nhân dân thì hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động mới đạt được như mong muốn. Cùng với đó, chúng tôi còn thống nhất tổ chức các tổ, đội công tác liên ngành thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên toàn tuyến biên giới hai nước thuộc phạm vi địa phương quản lý. Đặc biệt, từ khi chúng tôi thành lập lực lượng bộ đội biên phòng thì việc tăng cường phối hợp với Bộ đội Biên phòng Việt Nam càng mang lại hiệu quả thiết thực.

PV: Vậy, kết quả đạt được cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Chuông-chăn La-xa-vông: Có rất nhiều kết quả đạt được nhờ sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa LLVT tỉnh Bô-ly-khăm-xay với LLVT hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh của Việt Nam. Trước hết, phải khẳng định, trong nhiều năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới do chúng tôi quản lý rất ổn định và có sự phát triển vượt bậc cả về kinh tế, văn hóa-xã hội. Đời sống của nhân dân mỗi nước hai bên biên giới ngày càng được nâng lên; tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm đáng kể. Nhân dân hai nước đã thường xuyên trao đổi kinh nghiệm tổ chức sản xuất; hỗ trợ lẫn nhau mỗi khi xảy ra thiên tai, bão lũ, hỏa hoạn. Chính những việc làm hằng ngày ấy không chỉ góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam, mà còn là gốc rễ vững bền bảo đảm tuyến biên giới ổn định. Ngoài ra, chúng tôi còn phối hợp chặt chẽ với các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Lào; hoàn thành vượt kế hoạch hằng năm đề ra. Cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân tỉnh Bô-ly-khăm-xay chúng tôi xác định: Hỗ trợ, giúp đỡ các đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Lào vừa là trách nhiệm chính trị, vừa là sự tri ân sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương của mình hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc Lào. Những cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam không chỉ là những người chiến sĩ cộng sản quốc tế cao cả, mà từ lâu đã trở thành thành viên trong ngôi nhà chung của các bộ tộc Lào chúng tôi.

PV: Vậy, phía Việt Nam đã hỗ trợ và giúp đỡ được gì đối với LLVT tỉnh Bô-ly-khăm-xay nói riêng và người dân Lào trên tuyến biên giới nói chung?

Đại tá Chuông-chăn La-xa-vông: Ngoài việc phối hợp bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới, LLVT tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh của Việt Nam đã giúp chúng tôi huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ. Nội dung huấn luyện bao gồm cả về quân sự, chính trị và phương pháp vận động nhân dân; cả về kinh tế, văn hóa… nhìn chung là rất toàn diện. Cùng với đó, LLVT hai tỉnh của Việt Nam còn trực tiếp tham gia lao động, hướng dẫn nhân dân Lào trên tuyến biên giới biết cách trồng cây ăn quả, cây lương thực; biết cách chăn nuôi gia súc, gia cầm; tiến hành khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân; hướng dẫn nhân dân giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt; tham mưu cho chính quyền các địa phương xây dựng làng bản văn hóa… Bộ đội Việt Nam làm việc, giúp đỡ nhân dân Lào như giúp chính cha mẹ, anh em mình.

PV: Được biết, trước đây đồng chí đã có thời gian học tập tại Việt Nam. Vậy, kỷ niệm nào sâu đậm nhất về Việt Nam đối với đồng chí.

Đại tá Chuông-chăn La-xa-vông: Nhiều lắm! Mỗi người bạn Việt Nam mà tôi đã từng gặp, từng tiếp xúc đều có những kỷ niệm sâu đậm. Thực sự những điều tôi học được từ Việt Nam, học được từ một dân tộc thông minh, sáng tạo và cần cù trong lao động, nhưng cũng rất dũng cảm trong chiến đấu để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Chính những điều học được ở Việt Nam đang giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cống hiến được nhiều hơn cho dân tộc Lào chúng tôi. Và chính mỗi điều học được là một kỷ niệm sâu sắc của tôi đối với Việt Nam. Qua Báo QĐND, cho tôi được gửi lời cảm ơn tới những người bạn Việt Nam; tới những thầy giáo, cô giáo đã không tiếc thời gian, công sức giúp tôi trưởng thành. Trong những năm tháng công tác của mình, tôi luôn ghi nhớ và thực hiện trọn vẹn lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: ""Việt Lào hai nước chúng ta/Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long"".

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã dành cho phóng viên Báo QĐND cuộc trò chuyện chân thành và cởi mở này.

LÊ NGỌC LONG (thực hiện)