Một góc vườn rau của Đại đội 1, Phân đội 52, Đoàn C71.

Chớm hè, mới có vài ngày mặt trời sà xuống thấp mà vùng đồi trung du Sóc Sơn đã khô như rang. Nắng vắt đẫm lưng áo chiến sĩ nhưng không làm héo những vườn xoài, vườn rau xanh mướt của Đoàn vận tải C71 bởi nó vẫn được chăm sóc chu đáo. Chúng tôi trở lại đoàn đúng dịp đơn vị được Tổng cục Hậu cần chọn là nơi tổ chức hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ các đơn vị phía Bắc mừngngày sinh Bác Hồ kính yêu. Hơn 500 “diễn viên” quần chúng, chưa kể các đại biểu, lại chừng ấy “chủ nhà” nữa… khiến tôi cứ băn khoăn: Làm thế nào mà cán bộ, chiến sĩ đơn vị vẫn lo toan chu đáo cho mọi người từ nơi nghỉ, bữa ăn… trong khi, chỉ riêng lo đủ nước sạch, giữ an toàn vệ sinh thực phẩm thôi cũng không phải là chuyện nhỏ?
Cuộc trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Văn Điều, Đoàn trưởng đã giúp tôi giải tỏa những băn khoăn ấy: “Mấy năm nay, việc chăm lo đời sống hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã có nhiều chuyển biến tích cực nhờ đẩy mạnh quy hoạch, phát triển TGSX, tự bảo đảm một phần nguồn thực phẩm tại chỗ. Dịp này đông khách, chúng tôi chỉ phải lo thêm nguồn nước sạch, nguồn thực phẩm chính (thịt, cá) từ các địa chỉ cung cấp có uy tín, còn lại hầu hết các món khác như giá đỗ, đậu phụ, giò, chả… do “anh nuôi” tự chế biến”.

Nghe, rồi nhìn tận mắt, chúng tôi càng thêm nể phục những chiến sĩ vận tải. Họ không chỉ giỏi vận chuyển hàng hóa dọc ngang trên những cung đường mà sau lúc tạm ngừng tay lái, cánh “tài xế” làm “V.A.C” (vườn, ao, chuồng) cũng khá “lụa”. Đây nhé, giữa vùng đồi trung du toàn sỏi, nhát cuốc bổ xuống đất nảy lửa mà trong khuôn viên doanh trại từng vườn rau, hàng cây đều tăm tắp, lá xanh mơn mởn. Hỏi ra, dưới mỗi gốc xoài, gốc đu đủ là những “túi” rộng 40 đến 50cm2 đựng đất phù sa, đất thịt chở về từ các bãi sông. Còn những vườn rau, hầu hết là đất bùn ao, đất phù sa ủ với cây phân xanh, chia thành từng luống, từng thửa. Mỗi thửa là một loại rau như: đay, mồng tơi, ngót, dền… đủ cho “mùa nào, thức ấy”. Con số hơn 10.770m2 đất trồng rau xanh (mỗi năm thu 95.000kg); 7.640 m2 ao thả cá (thu 8.000kg/năm)… đều vượt chỉ tiêu, tự túc toàn bộ rau xanh, không phải mua ngoài chợ là những cố gắng cao của toàn đơn vị. Thăm vườn rau của Đại đội 1, Phân đội 52, chúng tôi thấy Đại úy Nguyễn Mạnh Hùng, Đại đội trưởng và Trung đội trưởng, Thiếu tá chuyên nghiệp Cao Văn Thanh đang xắn tay cùng các “bác tài” kè bờ đất và sửa lại hệ thống bơm tưới cho rau. Vườn rau tập trung của Đại đội 1 được “chia” cho đủ các thành phần, trong đó vườn rau của chỉ huy đại đội cũng không thua kém gì các trung đội, tuy “xê bộ” ít người hơn! Trung tá Trịnh Xuân Hằng, Chính trị viên phân đội dốc lòng thế này:

- Anh em trong đơn vị đa phần là người hưởng lương, hai phần ba số đó xa nhà. Ngoài nhiệm vụ SSCĐ, vận chuyển trên các tuyến đường, thời gian còn lại gắn bó với “ngôi nhà chung” đơn vị là chính nên đều tự giác, chung tay thành việc, người có tuổi cũng như người ít tuổi, cán bộ cũng như chiến sĩ… ai cũng sẵn sàng ra vườn tưới rau, vào chuồng tắm cho lợn. Thành quả lao động cùng hưởng, bữa ăn hằng ngày của bộ đội tươm tất hơn. Cảnh quan, môi trường của đơn vị ngày càng sạch, đẹp sau những giờ huấn luyện vất vả, anh em thư giãn hơn.

- Đoàn C71 còn gây dựng một “trung tâm” sản xuất tại Phân đội 102 bởi có không gian, quỹ đất rộng. Ngoài các giống cây trồng, vật nuôi phổ thông mà các phân đội khác có, Phân đội 102 còn tổ chức nuôi giống lợn còi, nuôi hươu, bò, dê chủng giống đặc sản. Chính vì khả năng tự bảo đảm được lượng rau, quả, một phần lớn cá, thịt mà trong những lúc thị trường tăng giá, dịch lợn tai xanh, dịch cúm gia cầm xảy ra, các bếp ăn ở Đoàn C71 không bị biến động, bữa ăn của bộ đội không bị “vơi” bởi không phụ thuộc vào giá chợ. Điều quan trọng hơn, cùng với công tác TGSX cho kết quả tốt, ngành quân nhu của đoàn còn tích cực chỉ đạo các bếp ăn chế biến, thay đổi món ăn theo thực đơn hằng ngày. Bộ đội không chỉ được ăn những bữa ăn an toàn mà còn tiến tới ăn ngon, ăn hợp khẩu vị.

- Bộ đội vận tải được ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc trong những ngôi nhà khang trang hơn. Tôi cảm thấy như mình được thơm lây bởi nhiều năm trước, khi nói đến bộ đội vận tải, nhiều người vẫn nói “ăn chợ, ngủ đường” để nhắc về một nghề khá vất vả “ôm vô lăng” trên đường. Nhưng bây giờ, đời sống của bộ đội vận tải đã khác xưa nhiều.

Bài và ảnh: HẢI DUY - ANH THU