QĐND Online - Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng: Sức mạnh chiến tranh chống xâm lược, giải phóng đất nước là sức mạnh tổng hợp của toàn dân, nên việc tổ chức, sử dụng lực lượng trong tác chiến chiến dịch của ta gắn liền với sự trưởng thành của lực lượng vũ trang ba thứ quân; đặc biệt là của bộ đội chủ lực, cả về tổ chức, biên chế đến trang bị, vũ khí, kỹ thuật và khả năng tác chiến.

Trong kháng chiến chống Pháp, chiến dịch đầu tiên (Việt Bắc-Thu Đông 1947), lực lượng ta chỉ có một số trung đoàn, một vài phân đội sơn pháo tác chiến độc lập, cùng với lực lượng dân quân, du kích của các địa phương. Đến chiến dịch Biên Giới 1950, ta đã có lực lượng chủ lực tương đương 2 đại đoàn, 4 đại đội sơn pháo, 5 đại đội công binh, cùng với một số đại đội bộ đội địa phương và dân quân, du kích. Trong chiến dịch Hòa Bình - 1951, Tây Bắc -1952, lực lượng sử dụng trong mỗi chiến dịch là ba đại đoàn bộ binh, một đại đoàn công binh-pháo binh. Chiến dịch phản công Tây Nam Ninh Bình (Thu Đông 1953) có lực lượng của một đại đội bộ binh cùng với các lực lượng vũ trang địa phương. Đến chiến dịch Điện Biên Phủ, ta sử dụng lực lượng gồm 4 đại đoàn bộ binh, một đại đoàn công binh- pháo binh với lựu pháo 105 mm, hỏa tiễn 6 nòng và pháo cao xạ 37mm. Như vậy, trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng chiến dịch của ta phát triển từ quy mô trung đoàn đến đại đoàn và nhiều đại đoàn, từ đơn thuần bộ binh đến hiệp đồng nhiều binh chủng; pháo binh là hỏa lực chủ yếu của chiến dịch cũng phát triển từ pháo mang vác đến pháo xe kéo. Tuy nhiên, trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng chiến dịch lúc cao nhất mới ở quy mô nhiều đại đoàn với một số ít binh chủng kỹ thuật. Lực lượng vũ trang địa phương tham gia chiến dịch không đồng đều. Trong một số chiến dịch mở ở vùng núi thưa dân (như chiến dịch Tây Bắc, Điện Biên Phủ...), lực lượng chiến dịch chủ yếu là bộ đội chủ lực, các lực lượng vũ trang địa phương ít và lực lượng bị hạn chế nên chỉ làm nhiệm vụ phục vụ và bảo đảm chiến đấu; có hoạt động của lực lượng chính trị quần chúng trong các chiến dịch chống càn quét và ở vùng sau lưng địch để phối hợp với chiến dịch mở trên chiến trường chính.

Trong cuộc chống Mỹ, cứu nước, lực lượng vũ trang ta ở miền Nam đã hình thành và phát triển từng bước, từ nhỏ đến lớn, nên trong những chiến dịch đầu tiên (Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài, từ 1964 đến 1965), lực lượng chiến dịch đã ở quy mô trung đoàn và nhiều trung đoàn. Dựa trên thế trận chiến tranh nhân dân, trong một số chiến dịch ở sát vùng đồng bằng đông dân cư, lực lượng chiến dịch đã thể hiện tính tổng hợp cao, bao gồm cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng chính trị quần chúng, kết hợp chặt chẽ giữa tiến công với nổi dậy phá thế kìm kẹp của địch, giữa tác chiến với đấu tranh chính trị và binh vận. Đến thời kỳ trực tiếp đánh quân viễn chinh Mỹ, lực lượng của trong các chiến dịch (tiến công và phản công), tùy theo mục đích, nhiệm vụ chiến dịch, tình hình địch, tình hình ta, địa hình, mà tổ chức quy mô trung đoàn (các chiến dịch tiến công Plây-me năm 1965, Sa Thầy 1967, chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Gian-xơn-xi-ti 1967...) hay sư đoàn (các chiến dịch tiến công Bầu Bàng, Dầu Tiếng 1965, Lộc Ninh, Đường 13 1967...) cùng với các lực lượng vũ trang địa phương. Về lực lượng hỏa lực, nếu trong các chiến dịch đầu tiên chủ yếu vẫn chỉ có vũ khí bộ binh, thì vào thời kỳ sau đó, đã có pháo binh mang vác với sơn pháo, súng cối hạng nặng, hỏa tiễn... Năm 1968, lực lượng bộ đội chủ lực miền Nam đã phát triển lớn mạnh và các sư đoàn chủ lực miền Bắc trực tiếp tham chiến, lực lượng của ta trong các chiến dịch tiến công, phản công và phòng ngự phần lớn có quy mô nhiều sư đoàn, cùng với nhiều thành phần binh chủng: pháo binh xe kéo, xe tăng-thiết giáp, đặc công, công binh, pháo cao xạ, tên lửa phòng không... tham gia tác chiến trong đội hình binh chủng hợp thành, phối hợp với các lực lượng vũ trang địa phương hoạt động rộng khắp trên địa bàn hoặc ngoài địa bàn chiến dịch.

Như vậy, thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước đã chứng minh: Lực lượng vũ trang ba thứ quân, đặc biệt là bộ đội chủ lực và các binh-quân chủng càng phát triển lớn mạnh, lực lượng chính trị càng hùng hậu và được rèn luyện, trưởng thành trong đấu tranh thì càng có điều kiện để phát triển quy mô chiến dịch, lực lượng chiến dịch càng có sức mạnh tổng hợp lớn và khả năng tác chiến cao./.

HÀ THÀNH