Thêm vào đó, do tính chất công việc đặc thù, thường xuyên phải bám nắm đơn vị, bộ đội nên sau khi kết hôn, sĩ quan trẻ ít có điều kiện gần gũi, chăm lo cuộc sống gia đình... Đây là vấn đề đáng quan tâm, lưu ý, đòi hỏi chỉ huy các cấp và bộ, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị-xã hội chung tay giải quyết nhằm động viên bộ đội.

Mới đây, Thượng úy Bùi Văn Chiến, Chính trị viên Đại đội 11, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395, Quân khu 3) chính thức không còn là “lính phòng không”. Hạnh phúc vì tìm được người tâm đầu ý hợp nhưng theo chia sẻ của Chiến thì cuộc sống sau hôn nhân còn nhiều khó khăn, thách thức. Chiến và vợ cùng quê ở xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình), cách đơn vị gần 500km cộng thêm chi phí đi lại tốn kém nên khoảng hai tháng anh mới đăng ký tranh thủ về thăm vợ. Lương tháng của anh không dư dả, vợ lại đang đi học càng khiến kinh tế gia đình eo hẹp. Hiện tại, vợ chồng Thượng úy Bùi Văn Chiến đang sống cùng bố mẹ chồng ở quê để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.

Vợ chồng Thượng úy Bùi Văn Chiến. Ảnh nhân vật cung cấp 

 

Tương tự như Thượng úy Bùi Văn Chiến, Thượng úy Cao Văn Chung, Phó đại đội trưởng Đại đội Pháo phòng không 37mm, Tiểu đoàn đảo Ngọc Vừng (Lữ đoàn 242, Quân khu 3) cũng vừa mới kết hôn. Sau tuần trăng mật ngắn ngủi, khi vợ chưa quen với nếp sinh hoạt mới của nhà chồng thì Chung phải tạm biệt vợ để ra đảo công tác. Từ đó đến nay, đã gần một tháng nhưng cặp vợ chồng son vẫn chưa được gần nhau. Mọi sự nhớ nhung chỉ gửi qua dòng tin nhắn hay những cuộc điện thoại. Thượng úy Cao Văn Chung cho biết: “Vợ tôi làm ở Hà Nội, tôi công tác ngoài đảo nên chúng tôi thống nhất là khi nào tôi được nghỉ tranh thủ thì cả hai cùng về quê. Khoảng cách xa xôi, đi lại khó khăn và tôi phải trực thường xuyên nên thông thường khoảng hai tháng vợ chồng tôi mới thu xếp về quê thăm gia đình một lần”.

Đội ngũ sĩ quan trẻ cơ bản là cán bộ cấp trung đội, đại đội trực tiếp quản lý, huấn luyện bộ đội nên công việc luôn bận rộn, thường xuyên phải bám nắm đơn vị và cùng ăn, ở, sinh hoạt với bộ đội. Chính vì vậy, sau khi kết hôn ít ngày, sĩ quan trẻ lại phải rời xa tổ ấm thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, tiền lương của sĩ quan cấp úy cũng chỉ đủ chi tiêu nên đa phần sĩ quan trẻ sau khi cưới vợ gặp khó khăn về kinh tế. Để tiết kiệm chi tiêu, thông thường khoảng một tháng, sĩ quan công tác ở các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu mới đăng ký đi tranh thủ một lần vào ngày nghỉ cuối tuần. Những đồng chí công tác ở đơn vị nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thì thời gian để được đăng ký tranh thủ về thăm vợ con có thể kéo dài hai hoặc ba tháng. Điều này khiến phần đông sĩ quan tuy đã có gia đình nhưng luôn sống trong cảnh “giường đơn, gối chiếc”, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến chăm lo, xây dựng hạnh phúc gia đình, nhất là ở giai đoạn mới kết hôn.

Mang những trăn trở trên trao đổi với Thượng tá Trần Kim Trọng, Chính ủy Trung đoàn 43, anh cho biết, hầu hết sĩ quan trẻ sau khi kết hôn đều sẽ gặp phải những khó khăn trên. Thực tế thời gian qua, ở đơn vị có nhiều đồng chí quân hàm cấp trung úy, thượng úy dù mới cưới vợ nhưng do nhà ở xa nên không dám đăng ký đi tranh thủ vì chi phí đi đường hết gần nửa tháng lương... Thượng tá Trần Kim Trọng chia sẻ thêm: “Để vượt qua những khó khăn, quan trọng nhất là sĩ quan trẻ phải thể hiện được bản lĩnh, biết kết hợp hài hòa giữa công việc của đơn vị và dành thời gian cho gia đình. Ban ngày bám nắm bộ đội bận rộn, vì vậy, các sĩ quan trẻ nên dành thời gian buổi tối để trò chuyện, động viên vợ con. Yêu xa tuy bất cập nhưng nếu khéo léo thì đó lại là “chất xúc tác” giúp tình cảm vợ chồng luôn đằm thắm, mặn nồng, đây là nền tảng để cả hai cùng nhau vượt qua khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”.

Thấu hiểu nỗi niềm trên của cán bộ cấp dưới, thời gian qua, cấp ủy, chỉ huy Lữ đoàn 242 luôn quan tâm tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là sĩ quan trẻ có thời gian vun vén, chăm lo cho gia đình. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất nhiệm vụ mà chỉ huy các đơn vị sẽ linh hoạt giải quyết cho cấp dưới thay phiên nhau đi phép, đi tranh thủ vào ngày nghỉ, giờ nghỉ. Thượng tá Nguyễn Ngọc Trìu, Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 242 cho biết: “Sĩ quan trẻ còn thiếu kinh nghiệm trong xử lý các vấn đề nảy sinh sau hôn nhân, nếu không khéo rất có thể “việc bé xé ra to”. Do đó, chỉ huy đơn vị cần thường xuyên gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, các mối quan hệ của sĩ quan trẻ, kịp thời định hướng tư tưởng, động viên, chia sẻ kinh nghiệm để giúp sĩ quan trẻ giải quyết công việc gia đình một cách thấu tình đạt lý”.

Áp lực từ đời sống kinh tế-xã hội đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong chăm lo, xây dựng hạnh phúc gia đình đối với người lính, trong đó có đội ngũ sĩ quan trẻ. Ngoài sự quan tâm, chăm lo thực hiện tốt chính sách Quân đội và hậu phương Quân đội của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng thì rất cần có sự chung tay vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác này. Có như thế, người lính mới luôn yên tâm công tác, phấn đấu trên tuyến đầu thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

NGUYỄN TRƯỜNG