QĐND - Cùng với kỳ tích rút ngắn thời gian học tập, nhanh chóng làm chủ khí tài tên lửa phòng không (TLPK), bộ đội tên lửa đã sáng tạo ra phương pháp tác chiến độc đáo để giành thắng lợi ngay từ trận đầu, đóng góp quan trọng hình thành, phát triển nghệ thuật tác chiến của Bộ đội TLPK trong những giai đoạn tiếp theo...
Trên cơ sở kết quả huấn luyện, làm chủ khí tài, trang bị được chuyên gia nước bạn chuyển giao, từ thực tế tình hình địch, địa hình, Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã báo cáo Bộ Tổng tham mưu kế hoạch tác chiến độc đáo khi lần đầu đưa TLPK vào chiến đấu mà đối phương không thể ngờ tới. Phương án tổ chức trận đánh quy mô lớn, bảo đảm đúng thời cơ, bí mật, bất ngờ, chắc thắng, đánh địch nhưng đồng thời phải bảo đảm an toàn lực lượng của ta. Lực lượng sử dụng 2-3 tiểu đoàn tên lửa, 3-4 trung đoàn pháo cao xạ, cùng lực lượng súng máy phòng không của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và một đại đội ra-đa có nhiệm vụ cung cấp thông tin tình báo trên không. Phương pháp tác chiến của ta là: Bí mật phục kích, đón lõng địch ở nơi địch không thể ngờ tới, tên lửa đánh trước, chắc thắng rồi nhử địch để pháo cao xạ tiêu diệt. Công tác chỉ huy được thực hiện tập trung, thống nhất với tất cả các lực lượng tham gia. Sở chỉ huy tiền phương của Bộ tư lệnh Quân chủng được lập ra để chỉ huy trực tiếp trận đánh...
 |
Xác chiếc máy bay Mỹ thứ 400 trên miền Bắc-chiến công đầu của bộ đội tên lửa. Ảnh tư liệu. |
Sự sáng tạo trong cách đánh của bộ đội TLPK trước hết là việc sử dụng tên lửa cơ động chiến đấu. Mặc dù tổ hợp TLPK của bạn viện trợ được chế tạo để bảo vệ các mục tiêu cố định, trong khi điều kiện địa hình miền Bắc nước ta rất phức tạp, việc cơ động chiến đấu với một khối lượng lớn khí tài, trang bị gặp nhiều khó khăn. Nhưng vượt lên những khó khăn đó, ta đã không bố trí tên lửa ở những trận địa cố định đã chuẩn bị sẵn ở xung quanh Hà Nội, mà cơ động bố trí tên lửa tại khu vực Suối Hai, Trung Hà, cách thủ đô Hà Nội khoảng 60km. Với cách đánh cơ động phục kích ở nơi mà địch không thể ngờ tới, ta đã tạo ra yếu tố bí mật, bất ngờ, giúp bộ đội giành thắng lợi ngay trong trận đầu. Hai Tiểu đoàn 63, 64 của Trung đoàn 236 đã phóng 4 quả đạn tên lửa, tiêu diệt cả tốp 3 chiếc máy bay, trong đó có chiếc rơi tại chỗ, đó cũng là chiếc thứ 400 của không quân Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc, làm cho địch khá hoang mang.
Cụm tác chiến phòng không hỗn hợp lần đầu tiên được Quân chủng PK-KQ chỉ đạo, tổ chức trong trận đánh này, với nhiều binh chủng gồm: Tên lửa, pháo phòng không, ra-đa và lực lượng phòng không của bộ đội địa phương, dân quân tự vệ tham gia đã thể hiện sự sáng tạo trong tổ chức, sử dụng hỏa lực phòng không. Việc lấy trận địa tên lửa làm trung tâm, đồng thời bố trí các trận địa cao xạ xung quanh tạo thành lưới lửa phòng không liên hoàn, nhiều tầng đã tạo ra khả năng đánh máy bay địch ở nhiều độ cao khác nhau, trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết. Do đó từ ngày 24 đến 27-7-1965, các lực lượng của ta đã bắn rơi 8 chiếc máy bay và bắn bị thương 2 chiếc khác.
Phán đoán đúng ý đồ, thủ đoạn của đối phương, sau khi bị thua chúng sẽ tìm cách đánh trả. “Tương kế, tựu kế”, Bộ tư lệnh Quân chủng PK-KQ đã chủ động dự báo từ trước và chỉ đạo các đơn vị tên lửa sau mỗi trận đánh nhanh chóng di chuyển ra khỏi khu vực tác chiến, thay vào đó là các trận địa tên lửa giả... để nhử máy bay địch. Ở đó đã bố trí sẵn các cụm súng, pháo phòng không sẵn sàng tiêu diệt địch. Do vậy, khi máy bay địch đánh phá trong các trận tiếp theo, bộ đội ta đã bắn rơi thêm nhiều chiếc khác, làm cho địch bị tổn thất nặng nề.
Tròn nửa thế kỷ đã qua, chiến thắng trận đầu của Bộ đội TLPK ngày 24-7-1965 không chỉ là niềm tự hào mà còn là kinh nghiệm, bài học sâu sắc trong nghệ thuật tổ chức, chỉ huy, chỉ đạo, thực hành tác chiến của bộ đội TLPK. Nghệ thuật tác chiến trong chiến thắng trận đầu của bộ đội tên lửa cần tiếp tục được nghiên cứu sâu, vận dụng sáng tạo vào tổ chức tác chiến phòng không hiện nay, bảo đảm đánh thắng địch ngay từ ngày đầu, trận đầu.
HƯNG BÌNH