Một ngày cuối tháng 5, tại thao trường vượt sông của Lữ đoàn Công binh 414, sau tiếng còi của chỉ huy đơn vị và khẩu lệnh: “Bắt đầu tập”, chiếc ca nô rẽ sóng lướt tới, nhanh chóng tiếp cận ngôi nhà bị ngập lụt, cứu người dân trên mái nhà xuống an toàn. Trên đường vào bờ, cán bộ, chiến sĩ trình diễn khả năng điều khiển ca nô cơ động né tránh vật cản, vớt tài sản trôi trên dòng nước, động tác phối hợp chuẩn xác, ăn ý, nhịp nhàng.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 huấn luyện trang bị phòng, chống khủng bố, cứu hộ, cứu nạn. 

Thiếu tá Nguyễn Văn Tiền, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn Công binh 414, chia sẻ: “Chúng tôi luôn khắc ghi trong tim rằng, mỗi giọt mồ hôi đổ xuống thao trường hôm nay là để giảm đi những giọt nước mắt của đồng bào khi gặp nạn. Vì vậy, huấn luyện không chỉ là học thuộc lý thuyết mà còn là rèn giũa kỹ năng, bản lĩnh “thép”, khả năng ứng phó linh hoạt trong mọi tình huống bất ngờ, nguy hiểm nhất”.

Theo dõi Bộ đội Công binh luyện tập trên thao trường vượt sông hay thao trường cứu nạn, chúng tôi được chứng kiến những bài huấn luyện mô phỏng đầy thách thức. Từ tình huống lũ dữ cuốn người và tài sản, đến các vụ hỏa hoạn, cháy nổ, sập đổ công trình..., tất cả đều được đơn vị xây dựng sát thực tế. Từ phương án, khẩu lệnh, động tác chỉ huy của cán bộ, đến kỹ năng điều khiển phương tiện vượt sông, cứu hộ, cứu nạn (CHCN), sử dụng trang thiết bị đặc chủng (máy đục, khoan cắt bê tông, kìm thủy lực, máy dò mìn...) của các chiến sĩ, cách tiếp cận, giải cứu nạn nhân trong môi trường cháy nổ, lũ lụt, đổ sập công trình... đều được thực hiện một cách thuần thục, chuyên nghiệp.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 huấn luyện cứu người và tài sản trên sông. 

Kết thúc mỗi buổi luyện tập, đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh để nâng cao chất lượng luyện tập trong những lần tiếp theo. Chiến sĩ Nguyễn Bá Tú, Đại đội 10, Tiểu đoàn 4, bộc bạch: “Thông qua các tình huống giả định giúp chúng tôi làm quen với những sự cố thiên tai, thảm họa thường xảy ra; có kỹ năng nhận định, phân tích, phán đoán tình hình, rèn luyện kỹ năng phối hợp hiệp đồng CHCN”.

Lữ đoàn Công binh 414 có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng công trình chiến đấu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và một số nhiệm vụ đột xuất khác. Xác định phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ “chiến đấu thời bình”, với tinh thần chủ động và trách nhiệm cao, hằng năm, Lữ đoàn xây dựng kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ, tổ chức huấn luyện chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo về lực lượng, vật chất, trang bị và phương tiện; luyện tập thuần thục các phương án... kịp thời cơ động lực lượng, tham gia nhiều đợt CHCN giúp nhân dân trên địa bàn.

Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ đơn vị, chúng tôi được nghe kể lại những câu chuyện cảm động về việccứu giúp nhân dân trong hoạn nạn. Điển hình là vào đêm 2, rạng sáng 3-8-2019, trận lũ hung dữ quét qua bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) làm đổ sập nhiều nhà dân, vùi lấp nhà văn hóa, trường học... khiến nhiều người chết và mất tích.Bản Sa Ná bị cô lập hoàn toàn, khiến công tác cứu trợ hết sức khó khăn.Nhận lệnh của trên, Lữ đoàn phân công 30 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường tăng cường cho lực lượng CHCN. Gần một ngày hành quân, vượt hơn 300km đến bản Sa Ná, không phút nghỉ ngơi, cán bộ, chiến sĩ bắt tay lắp ghép chiếc cầu phao dài 30m qua sông Luồng hung dữ ngay trong đêm. Đến nay, anh Hoàng Văn Tân, một người dân địa phương vẫn không thể nào quên giây phút kinh hoàng ấy: “Gia đình em vợ tôi và nhiều hộ khác bị kẹt lại trong bản. May có Bộ đội Công binh bắc cầu phao nên lực lượng cứu nạn mới qua sông vào tiếp tế và giải cứu kịp thời”.

Hay trong trận lũ lịch sử tháng 10-2020 trên địa bàn TP Huế và tỉnh Quảng Trị, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 414 không quản hiểm nguy, tham gia tìm kiếm các đồng chí hy sinh khi cứu giúp nhân dân trong mưa lũ tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 và Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337. Rồi những trận cháy rừng ở Nam Đàn (Nghệ An), Nghi Xuân (Hà Tĩnh)..., cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn chia thành nhiều ca, xuyên ngày đêm dập lửa cứu rừng, không để lửa lan rộng đến nhà dân... Những việc làm đó đã ghi dấu ấn tốt đẹp trong lòng cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Thượng tá Nguyễn Quốc Long, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 414 cho biết: Thời gian qua, đơn vị được trang bị nhiều phương tiện, trang thiết bị hiện đại phục vụ nhiệm vụ CHCN, như: Bộ cầu phao PMP, bộ vượt sông nhẹ VSN-1500, xe lội nước PTS, xe cứu hộ đa năng (MAN), xe thang cứu hỏa và nhiều trang bị đặc chủng khác... Bên cạnh chú trọng huấn luyện bộ đội sử dụng thành thạo các loại trang bị, phương tiện được biên chế, Lữ đoàn thường xuyên quan tâm giáo dục bộ đội nêu cao trách nhiệm trong giữ gìn, bảo quản và sử dụng trang thiết bị; luyện tập thuần thục các phương án; nêu cao tinh thần vượt khó khăn, gian khổ.Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn đặt tính mạng và tài sản của nhân dân lên hàng đầu. Chúng tôi luôn sẵn sàng có lệnh là đi, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”.

Bài và ảnh: VŨ HOÀNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.