Theo đó, hàng hóa phải được khai thác, nhập từ các cửa hàng uy tín và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả hợp lý, được niêm yết theo quy định. Đặc biệt, đồng chí chiến sĩ bán hàng tại căng tin được đơn vị lựa chọn kỹ với yêu cầu phải thật thà, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong công việc.
 |
Một buổi sinh nhật đồng đội tổ chức tại căng tin Tiểu đoàn 2. Ảnh: HỮU TÂN |
Hằng tháng, hằng quý, các đơn vị, bộ phận liên quan đều tổ chức sinh hoạt nắm tình hình, nhu cầu sử dụng các mặt hàng, các vấn đề vướng mắc để giải quyết, đồng thời bổ sung các mặt hàng thiết yếu với mục đích phục vụ bộ đội là chính. Lợi nhuận từ hoạt động căng tin được đưa vào quỹ vốn của đơn vị, từ đó tạo niềm tin và có nguồn kinh phí để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Hệ thống sổ ghi chép, theo dõi bán hàng của căng tin rõ ràng, đầy đủ, hằng tháng đều được kiểm tra chặt chẽ nên việc quản lý khá thuận lợi. Khi phát hiện đồng chí nào có dấu hiệu chi tiêu, ghi nợ bất thường, chúng tôi yêu cầu căng tin dừng bán hàng và kiểm tra, xử lý kịp thời.
Đại úy NGUYỄN SĨ DŨNG (Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân khu 4)
---------
Rèn tính tiết kiệm, cân đối chi tiêu
Khi mới kết hôn, vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Vợ chồng trẻ chưa có nhiều tích lũy, lại phải chi tiêu, sắm sửa để bắt đầu một cuộc sống mới. Hơn nữa, chi phí sinh hoạt ở thành phố cũng đắt đỏ hơn, trong khi đó, thu nhập của hai vợ chồng chủ yếu từ tiền lương, không có khoản thu nhập thêm nào khác. Để ổn định cuộc sống, chúng tôi phải cân đối chi tiêu hợp lý, tiết kiệm. Trên cơ sở mức lương cố định hằng tháng, vợ chồng tôi bàn bạc, phân chia thành từng khoản cụ thể để lo chi phí sinh hoạt, đồng thời để dành một phần phòng khi ốm đau hoặc có việc đột xuất và có phần tích lũy. Tôi nghĩ rằng việc chi tiêu tiết kiệm không đồng nghĩa với sinh hoạt kham khổ, keo kiệt mà là tính toán hợp lý, việc gì cần thiết thì phải chi tiêu, những việc chưa cần đến thì để lại. Những việc lớn, quan trọng phải có kế hoạch để chuẩn bị chu đáo...
Tôi đã chứng kiến không ít trường hợp do tiêu xài cá nhân hoang phí, không có khả năng chi trả, buộc phải đi vay nợ, cầm đồ, từ đó dẫn đến vi phạm kỷ luật, pháp luật, ảnh hưởng đến gia đình, đơn vị. Từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy rằng việc rèn tính tiết kiệm, cân đối chi tiêu là cách để mỗi quân nhân chăm lo cho hạnh phúc gia đình, tạo điểm tựa vững chắc để mỗi người yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.
Trung úy LÊ VIỆT ANH (Trợ lý tác chiến, Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 918, Quân chủng Phòng không-Không quân)
------------
Nhiều biện pháp ngăn "tín dụng đen"
Đứng chân trên địa bàn phát triển mạnh về du lịch nên cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị chúng tôi cũng chịu nhiều tác động. Để ngăn ngừa tình trạng quân nhân sa vào nạn lô đề, cá độ, sập bẫy "tín dụng đen", đơn vị tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng đến giáo dục truyền thống, đồng thời, đột phá vào công tác dự báo, nắm, quản lý, định hướng và giải quyết tư tưởng theo phương châm “đúng, trúng, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm thống nhất, toàn diện”. Chúng tôi cũng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Trên cơ sở nghị quyết của Đảng ủy lữ đoàn, các cơ quan, đơn vị đưa nội dung này vào nghị quyết lãnh đạo cấp mình và xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể nhằm phòng ngừa từ sớm, từ xa. Nhờ đó, những năm qua, đơn vị đã ngăn chặn hiệu quả tình trạng vay nợ, "cắm ký" giấy tờ tùy thân.
Song song với các giải pháp trên, chỉ huy các cấp còn tăng cường bám nắm đơn vị, gần gũi, động viên, sẻ chia với cán bộ, chiến sĩ, kịp thời thăm hỏi, động viên những hoàn cảnh khó khăn, giúp bộ đội yên tâm công tác.
Thượng tá MAI VĂN DOANH (Phó chính ủy Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân)