QĐND - Cách đây chưa lâu, trong lúc ngồi trò chuyện với một số cán bộ cơ sở, tôi được nghe cuộc bàn luận khá rôm rả xoay quanh vấn đề: Có nên xây dựng và đưa vào sử dụng căng tin ở đơn vị không? Một luồng ý kiến đưa ra là, với đơn vị quân đội, không nên xây dựng căng tin vì nhu cầu mua sắm của bộ đội không đáng kể. Hơn nữa, nếu duy trì hoạt động của căng tin dễ dẫn đến một số “hệ lụy tiềm ẩn” cho đơn vị như khó quản lý kỷ luật trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; một số chiến sĩ chi tiêu nhiều dễ “cắm ký quán”, thậm chí sử dụng rượu bia quá mức… Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, việc xây dựng căng tin tại đơn vị vừa tạo điều kiện cho bộ đội mua sắm tại chỗ, hạn chế việc xin phép ra ngoài, vừa góp phần quản lý tốt kỷ luật trong những ngày nghỉ cuối tuần.

Sau khi nghe được những ý kiến trên, chúng tôi đã đi xuống một số đơn vị gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ. Qua các buổi tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy, việc một số đơn vị xây dựng căng tin để phục vụ bộ đội là cần thiết, đáp ứng nhu cầu mua sắm nhu yếu phẩm hằng ngày của anh em. Mặt khác, có căng tin tại đơn vị còn giúp chiến sĩ có nơi đón tiếp thân nhân, bạn bè của mình khi đến thăm đơn vị một cách khá thuận tiện, thoải mái. Thêm nữa, đối với các đơn vị ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa và không gần trung tâm dân cư, giao thông, đường sá đi lại khó khăn thì căng tin tại chỗ sẽ trở thành một trong những nguồn cung nhu yếu phẩm, hàng hóa cần thiết cho bộ đội.

Cán bộ, chiến sĩ Trạm Ra-đa 565, Tiểu đoàn 451, Vùng 4 Hải quân (Quân chủng Hải quân) tích cực nghiên cứu nắm bắt thông tin phục vụ huấn luyện công tác.

Tuy vậy, điều quan trọng nhất là việc sử dụng căng tin phải bảo đảm đúng mục đích, có hiệu quả. Vì trong thời gian qua, dù chưa phổ biến, nhưng một số đơn vị vẫn có những biểu hiện như: Bán nhiều mặt hàng, sản phẩm cho bộ đội có giá cao hơn thị trường trong cùng khu vực khiến chiến sĩ không hài lòng; Chưa kiểm soát chặt chẽ việc bán các loại nước giải khát  nên vẫn có những trường hợp quân nhân lạm dụng quá mức rượu, bia ở căng tin; Vẫn cho phép chiến sĩ “ghi nợ” ở căng tin rồi trừ vào tiền phụ cấp hằng tháng. Cá biệt, có chỉ huy đơn vị còn coi căng tin là một trong những “phương thức làm kinh tế” để tạo nguồn thu cho đơn vị, nhưng hằng quý, hằng năm lại không thực hiện công khai tài chính cho toàn đơn vị biết. Thậm chí có đơn vị với quân số rất đông, hằng năm thu lãi một khoản tiền không nhỏ từ căng tin, nhưng chỉ có ban chỉ huy và nhân viên tài chính cùng nhân viên bán căng tin được “tận hưởng” từ nguồn thu này. Đó là một trong những lý do gây hoài nghi, mất đoàn kết nội bộ.

Từ những bất cập nêu trên, chúng tôi cho rằng, đã đến lúc các đơn vị phải nghiêm túc chấn chỉnh để đưa hoạt động căng tin của đơn vị vào đúng “quỹ đạo”. Để làm được việc này, trước hết, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cơ sở cần xác định căng tin có mục đích chủ yếu là phục vụ nhu cầu mua sắm một số nhu yếu phẩm của bộ đội, chứ không phải là một cách “làm kinh tế” để tạo nguồn thu cho đơn vị. Chỉ có suy nghĩ như vậy mới không đẩy giá cả các mặt hàng, sản phẩm ở căng tin đơn vị cao hơn giá cả thị trường trong cùng khu vực. Bên cạnh đó, cần thường xuyên giáo dục, nhắc nhở, yêu cầu và kiểm tra nhân viên bán căng tin không được cho phép các quân nhân “ghi nợ” sau đó trừ vào tiền phụ cấp; đồng thời kiên quyết ngăn ngừa, khắc phục bằng được hiện tượng một số quân nhân sử dụng rượu bia quá liều lượng tại căng tin. Nguồn thu từ hoạt động căng tin phải được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích và thực hiện công khai, minh bạch theo đúng nguyên tắc của công tác tài chính.

Xây dựng, khai thác đúng công năng, mục đích các loại hình căng tin tại đơn vị không chỉ góp phần tạo điều kiện cho bộ đội mua sắm tại chỗ với giá cả phù hợp, qua đó tăng cường quản lý kỷ luật quân đội, mà còn thể hiện sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chỉ huy đối với đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị./.

Bài và ảnh: Phương Du