Ít cán bộ, sĩ quan trẻ biết tiếng Lào

Quân khu 4 là địa bàn chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh của cả nước, phía Tây tiếp giáp với 7 tỉnh của Lào. Hằng năm, Bộ tư lệnh Quân khu 4 và các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp đón nhiều lượt đoàn Lào sang thăm và phối hợp công tác. Chỉ riêng năm 2022, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đón tiếp hơn 100 đoàn với tổng số hơn 5.000 lượt người. Tuy nhiên, hiện nay, năng lực giao tiếp tiếng Lào của cán bộ, sĩ quan trẻ trong LLVT Quân khu 4 còn hạn chế, chỉ có số ít cán bộ, sĩ quan trẻ biết tiếng Lào, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác. Đặc biệt, tháng 9-2022, cùng với cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân, cán bộ, chiến sĩ LLVT Quân khu 4 tham gia diễn tập cứu hộ, cứu nạn chung đầu tiên giữa 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Tại đây, tiếng Việt Nam được nhiều bạn trẻ Lào nói rất chuẩn và lưu loát, ngược lại, cán bộ, sĩ quan trẻ Việt Nam chưa phát huy được điểm đó.

leftcenterrightdel
 Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tiếng Lào tại Ban CHQS huyện Mường Lát (Thanh Hóa). Ảnh: THANH HẢI 

Đại tá Thái Đức Hạnh, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4 chia sẻ: “Đối với mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên LLVT Quân khu 4, bên cạnh phải có trình độ về chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học kỹ thuật... việc học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Lào chính là một năng lực công tác quan trọng, phải được bồi dưỡng, đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của LLVT Quân khu 4 trong tình hình mới”.

Trường Quân sự Quân khu 4 đã có nhiều kinh nghiệm đào tạo, bồi dưỡng tiếng Lào cho các đối tượng LLVT Quân khu và đơn vị bạn có kết quả, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế. Thượng tá Trần Văn Thông, Phó chính ủy Trường Quân sự Quân khu 4 thẳng thắn chia sẻ: “Việc tổ chức, thực hiện kế hoạch dạy và học tiếng Lào trong LLVT Quân khu 4 còn thiếu tính thường xuyên, việc vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn ở các cơ quan, đơn vị chưa nhiều. Cùng với đó, sự quan tâm của cấp ủy, chỉ huy về bồi dưỡng, trau dồi, nhân rộng mô hình dạy tiếng Lào cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị còn nhiều hạn chế. Đó là nguyên nhân một số đồng chí dù đã qua đào tạo cơ bản tiếng Lào nhưng do quá trình học đã lâu, ít sử dụng nên năng lực giao tiếp ở thời điểm hiện tại chưa đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ công tác”.

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa, tiếp giáp với 20 bản thuộc 6 cụm bản của hai huyện Viengxay và Sop Bao (tỉnh Houaphanh, Lào). Ban CHQS huyện Mường Lát có thuận lợi khi nhiều đồng chí cán bộ, sĩ quan trẻ là con em đồng bào dân tộc Thái, tiếng nói có sự tương đồng với tiếng Lào. Thượng úy Vi Trí Thành, sinh năm 1992, Ban CHQS huyện Mường Lát chia sẻ: “Tôi là người dân tộc Mường, nhưng từ nhỏ đã sống với đồng bào dân tộc Thái, nhà lại ở xã Tam Chung, giáp biên giới với nước bạn Lào. Tiếng nói của người Thái cũng gần giống tiếng Lào cho nên tôi cũng có thể giao tiếp cơ bản, muốn nói lưu loát thì học thêm một số từ vựng, ngữ pháp. Tôi nhận thấy rằng, khi tiếp xúc với người Lào mà mình nói được tiếng của nước bạn thì mối quan hệ sẽ gần gũi, gắn bó hơn". 

Tạo cơ chế khuyến khích

Thực tế hiện nay, đa số cán bộ, sĩ quan trẻ chưa có nhu cầu và động lực học tiếng Lào vì thấy không liên quan đến công việc chính đang làm. Mặt khác, đa số cán bộ, sĩ quan trẻ vừa thực hiện huấn luyện, vừa quản lý bộ đội, công việc rất bận rộn. Do vậy, muốn việc học tiếng Lào có hiệu quả, trước hết, cần phát huy vai trò của cấp ủy, chỉ huy trong tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích cán bộ, sĩ quan trẻ tham gia dạy và học tiếng Lào. Các cơ quan, đơn vị cũng cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân đạt thành tích cao, tổ chức dạy và học đạt hiệu quả.

Xác định công tác bồi dưỡng, đào tạo tiếng Lào cho cán bộ, sĩ quan trẻ là công việc khó khăn, lâu dài, ngoài thể chế, sự động viên, khuyến khích còn đòi hỏi sự kiên trì và có cách học phù hợp. Phó chính ủy Trường Quân sự Quân khu 4 Trần Văn Thông nêu ý kiến: “Mỗi ngày học 5-10 câu, mỗi tuần học thuộc một đoạn văn, mỗi lần học không quá 5 phút. Chỉ cần tranh thủ lúc nào rảnh thì học thuộc lòng là được. Có thể tận dụng giờ nghỉ trưa, giờ giải lao để nhớ bài lâu hơn. Các cơ quan, đơn vị cũng cần bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phục vụ việc học tiếng Lào và các CLB tiếng Lào”.

Là đơn vị đã tổ chức và đưa vào hoạt động CLB tiếng Lào cho cán bộ, nhân viên đơn vị trong năm 2022, Ban CHQS huyện Mường Lát bước đầu có những kinh nghiệm trong tổ chức hoạt động CLB tiếng Lào. Thượng tá Lê Thanh Hải, Chính trị viên Ban CHQS huyện Mường Lát chia sẻ: “Để việc học tiếng Lào đạt hiệu quả, chúng tôi chọn ra 7 đồng chí là người dân tộc Thái vì tiếng Thái và tiếng Lào có sự tương đồng, cùng với đó, chọn những đồng chí trẻ để tiếp thu tốt hơn, sử dụng lâu dài. CLB cũng thành lập một tổ nội dung thường xuyên học tập, trao đổi trên nhóm Zalo. Hằng tháng sẽ sinh hoạt tập trung, kiểm tra nội dung kiến thức đã học”.

Mới đây, Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Tọa đàm “CLB tiếng Lào sĩ quan trẻ, cán bộ trẻ”. Được biết, trong thời gian tới, Bộ tư lệnh Quân khu 4 sẽ tăng cường các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực giao tiếp tiếng Lào cho sĩ quan trẻ như: Thành lập tổ giáo viên tiếng Lào; thành lập CLB tiếng Lào ở các cơ quan, đơn vị; khai thác và sử dụng hợp lý phương tiện, thiết bị dạy học; ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học...

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt là các hoạt động giao lưu, hợp tác trao đổi đoàn trong công tác hợp tác quốc tế và đối ngoại quốc phòng giữa Quân khu 4 với các đơn vị, địa phương của Lào, việc dạy và học tiếng Lào cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan trẻ là hết sức thiết thực, cần sớm đưa vào hoạt động rộng rãi, thường xuyên và lâu dài. 

HOÀNG HOA LÊ