Các chi đội Nam tiến lên tàu vào Nam chiến đấu. Ảnh tư liệu.

QĐND - Ngay sau khi thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn (23-9-1945), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai vào nước ta, thực hiện Lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một phong trào Nam tiến đã hình thành sôi nổi, mạnh mẽ, rộng khắp các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và trong cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Nam Bộ kháng chiến.

Trong một thời gian ngắn, hàng chục vạn người, đủ các lứa tuổi, thành phần, kể cả trong nước cũng như kiều bào tình nguyện gia nhập giải phóng quân xung phong vào Nam chiến đấu chống quân xâm lược. Mỗi tỉnh tổ chức được từ 1-2 chi đội Nam tiến, gồm hầu hết những chiến sĩ đã qua huấn luyện quân sự, được trang bị tốt nhất, gấp rút lên đường. Cùng với các địa phương, các đơn vị vũ trang tập trung trang bị mạnh tương đương trung đoàn như Chi đội Vi Dân, Thu Sơn, Độc Lập 1, Bắc Bắc... lần lượt hành quân Nam tiến. Nhiều Việt kiều ở Pháp, trong đó có những trí thức giỏi tình nguyện cũng về nước tham gia kháng chiến.

Phong trào Nam tiến diễn ra cách đây 65 năm (từ cuối tháng 9-1945 đến tháng 3-1946) là một sự kiện lịch sử hào hùng, một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta thế kỷ XX. Phong trào thể hiện nghệ thuật chỉ đạo tài tình trong tổ chức, xây dựng lực lượng và xây dựng thế trận lòng dân, kháng chiến toàn dân của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phong trào Nam tiến khẳng định tinh thần yêu nước, chống xâm lược của toàn thể dân tộc Việt Nam, cả ở trong nước và nước ngoài, hướng ra mặt trận, kịp thời hành quân tới mặt trận đánh giặc. Đó là kết tinh của tinh thần dân tộc đứng trước họa xâm lăng, với tinh thần “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”- như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định. Bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, ý chí quật cường chống ngoại xâm của dân tộc, phong trào Nam tiến do Trung ương Đảng, Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, tổ chức và lãnh đạo được toàn dân hưởng ứng và không ngừng được tiếp sức, đã phát triển nhanh chóng, sôi nổi trên cả nước. Đặc biệt, các đơn vị Nam tiến vừa xây dựng, vừa củng cố lực lượng vừa khẩn trương huấn luyện, cơ động vào Nam chiến đấu. Sự có mặt của các đơn vị Nam tiến chi viện cho lực lượng tại chỗ chiến đấu, đặc biệt  là các học viên khóa 4 và 5 Trường Quân chính Việt Nam được điều động vào Nam Bộ để mở các lớp huấn luyện tại chỗ, góp phần giải quyết khó khăn lớn do thiếu cán bộ chính trị-quân sự để chỉ huy các lực lượng vũ trang ở Sài Gòn và Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến.

Khi thực dân Pháp mở rộng chiến tranh xâm lược, phải có quân - dân Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên kháng chiến mới có phong trào Nam tiến. Được phong trào Nam tiến cổ vũ và các đoàn quân Nam tiến tiếp sức, nhân dân và các lực lượng vũ trang Sài Gòn, Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có thêm sức mạnh, càng quyết tâm chiến đấu, tạo chỗ đứng chân, tiếp thêm sức mạnh, cổ vũ các đơn vị Nam tiến chiến đấu trong thế trận toàn dân kháng chiến. Đó là hình ảnh sinh động toàn dân và cả nước đứng lên chống xâm lăng, dù kẻ thù đến từ hướng nào, chiến sự bùng nổ ở bất kỳ vùng đất nào trên đất nước. Các đơn vị Nam tiến được sự phối hợp của các lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã chiến đấu dũng cảm, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm chậm bước tiến của chúng, góp phần giữ vững và đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian chuẩn bị kháng chiến toàn quốc.

Với phong trào Nam tiến, quân đội ta đã thực hiện thắng lợi Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi Người quyết định thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam là “Đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam...". Phong trào Nam tiến là một biểu hiện rực rỡ của ý chí chiến đấu cho độc lập thống nhất đất nước, biểu tượng sinh động của cả dân tộc Việt Nam ra trận, cả nước đoàn kết chống xâm lược vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân hướng về Nam Bộ, hăng hái ủng hộ vật chất, động viên con em vào bộ đội, khích lệ các chiến sĩ lên đường Nam tiến đánh giặc cứu nước. Phong trào Nam tiến diễn ra ngay sau khi thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn và kéo dài sang những tháng đầu năm 1946 khi chiến sự lan rộng ra các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Đại tá, TS  Dương Đình Lập