QĐND Online - Tới giữa năm 1974, chi khu quân sự Minh Long, do quân Nguỵ chốt giữ, còn cắm sâu trong địa bàn miền Tây Quảng Ngãi. Cụm chốt đóng liên hoàn này có tới 18 cứ điểm. Lực lượng tại đây có 4 Đại đội biệt kích, một Trung đội cảnh sát, 12 Trung đội dân vệ, một Trung đội pháo 105 ly cùng hệ thống ngụy quyền ác ôn.
Vào thời điểm 1972-1974, phía nam vĩ tuyến 17, Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh vùng 1 chiến thuật Nguỵ Sài Gòn, bố trí dày đặc các sư đoàn cơ hữu tại chiến trường Quảng Trị-Thừa Thiên-Huế, chưa kể 2 sư đoàn trù bị chiến lược là sư đoàn dù và sư đoàn thuỷ quân lục chiến của “Trung ương” tăng phái ra đó từ sau “mùa hè đỏ lửa” 1972. Sau trận Nông Sơn-Trung Phước, rồi Thượng Đức, quân Nguỵ nhận ra quân giải phóng gây sức ép mạnh ở phía nam vĩ tuyến 17, nhưng khi tấn công thì “họ” lại nhằm vào khúc ngang địa bàn quân khu I, tiến đánh từ Trường Sơn về, như chi khu Thượng Đức, khiến cho Đà Nẵng bất ngờ bị “hở sườn” phía Ttây. Minh Long cũng trong thế tiền đồn miền Tây, nơm nớp lo bị tấn công nên chúng tăng cường củng cố công sự khá kiên cố.
Lữ đoàn 52 QGP được giao nhiệm vụ “nhổ” Minh Long. Nói theo cách nói của “dân tác chiến” khi đó là, làm sao “cạo trọc”, “xóa sổ” chi khu này. Nhổ được Minh Long, sườn Tây Quảng Ngãi mở thông, tỉnh lỵ Quảng Ngãi chỉ nằm trong tầm pháo mà thôi.
Năm 1974, từ thực tế chiến đấu, BTL Quân khu 5 phổ biến đến các đơn vị kinh nghiệm sử dụng pháo bắn thẳng, như các mặt trận Nông Sơn-Trung Phước, Thượng Đức…Quân giải phóng đã ứng dụng thành công lối bắn này, tạo hiệu quả cao trong tác chiến, giành thắng lợi vang dội.
 |
Pháo binh QGP miền Nam đang “tác xạ”.Ảnh : tư liệu
|
Chỉ huy Lữ đoàn 52 rất tâm đắc với cách dùng pháo bắn thẳng. Trinh sát được cử nắm địch, đánh giá địa hình, cơ quan tác chiến xây dựng phương án đưa pháo 130 ly lên đỉnh cao 600mét, nhằm đúng hướng Minh Long, cách đó 5000 mét để bắn tiêu diệt.
Cách đánh mới được trên ủng hộ. Cơ quan pháo binh cử người xuống giúp “tháo pháo, lên vai”. Những chiến sĩ pháo binh là sinh viên đại học Bách Khoa, từ miền Bắc vào, không chỉ thông minh mà còn tỏ ra chịu đựng gian khổ dẻo dai. Các anh không quản mệt nhọc hăng hái thay nhau mang vác nặng, đào đất, mở đường. Cái khó là giữ bí mật, ngụỵ trang tốt, tuyệt đối không được chặt cây, giữ nguyên cảnh quan địa hình.
Trước ngày N, “voi 130” đã vào công sự trên cao điểm. Trong kính ngắm, dải phòng ngự Minh Long đều đã nằm trong vạch ngang chữ thập.
Trận cường tập hiệp đồng binh chủng bắt đầu. Mở màn là pháo binh, phát “trái phá” gầm vang sáng 16 tháng 8 năm 1974. Các tham số bắn pháo được chuẩn bị trước khá chính xác. Chỉ trong 10 phút, 20 trái đạn 130 ly bắn thẳng vào các cứ điểm, phá tung các công sự, hoả điểm, kiến trúc trong căn cứ. Quân Ngụy đồn trú chưa khi nào chứng kiến loại hoả lực nào “bắn trực xạ” dữ dội, sức huỷ diệt kinh hoàng như thế. Minh Long bị đè bẹp ngay từ đầu.
Khi xe bọc thép K63 và các xe chiến đấu của Trung đoàn thiết giáp 574 do quân khu phối thuộc dẫn bộ binh tiến vào quận lỵ, tiếng súng chống cự yếu dần. 6 giờ tác chiến liên tục, Minh Long thuộc về Quân Giải phóng. Các chiến sĩ pháo binh trên cao điểm 600 lúc này vui mừng đón tin chiến thắng.
Ba ngày sau, Lữ đoàn 52 còn thừa thắng, đánh chiếm Giá Vụt, nơi có 1 Tiểu đoàn biệt động quân, có pháo binh, thám báo bên cạnh, loại khỏi vòng chiến 70 tên. Lưu vực sông Re im tiếng súng từ đây. miền Tây Quảng Ngãi mở thông tới Trường Sơn hùng vĩ.
Trận Minh Long góp thêm một trang vàng vào chiến sử pháo binh, được nhắc đến như một kinh nghiệm quý, dùng cả “đại pháo” 130 ly bắn thẳng. Hoả lực bắn thẳng mạnh như thế, không công sự nào chống đỡ nổi.
Trần Danh