QĐND - Đoàn Đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển hiện nay được trang bị công nghệ đo đạc hàng đầu thế giới, trong đó có các sản phẩm phần mềm do các hãng nổi tiếng trong lĩnh vực thủy đạc thế giới sản xuất. Điển hình là các phần mềm Hypack của Mỹ và Caris của Ca-na-đa. Các phần mềm cùng với các trang bị hiện đại, giúp đơn vị hoàn toàn có khả năng đo đạc đến độ sâu sâu nhất ở vùng biển Việt Nam và lân cận, thu thập đầy đủ số liệu và đạt độ chính xác cao, đáp ứng tiêu chuẩn của Tổ chức Thủy đạc quốc tế.

Phần mềm Hypack đi kèm hệ thống đo sâu hồi âm đa tia Atlas MD2 lắp trên tàu đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về khảo sát thủy đạc, từ khâu đầu tiên cho đến sản phẩm cuối cùng. Khởi đầu phần mềm cho phép thiết đặt các thông số trắc địa như hệ thống tọa độ, phép chiếu hình... tiếp theo là lập kế hoạch khảo sát (thiết kế chi tiết các tuyến đo sâu), điều khiển đồng bộ hệ thống trong quá trình thu thập số liệu, bao gồm các máy định vị, máy đo sâu, la bàn điện, máy đo vận tốc âm bề mặt, cảm biến chuyển động... Từ các tệp số liệu (file) thu thập được trong quá trình đo sâu, kết hợp với số liệu thủy triều của trạm quan trắc, vận tốc âm dạng cột nước, phần mềm Hypack cho phép tính toán, hiệu chỉnh độ sâu đo. Phần mềm loại bỏ được tất cả những độ sâu sai lệch thông qua hình ảnh không gian hai chiều và ba chiều. Kết quả độ sâu sau khi hiệu chỉnh và loại bỏ các sai số, được lưu trữ dưới dạng ảnh kỹ thuật số (pixel) và có khả năng tạo ra mô hình đáy biển một cách chi tiết, từ đó có thể xuất ra nhiều khuôn dạng dữ liệu, mật độ khác nhau theo mục đích sử dụng.

Phần mềm HIPS và SIPS do Hãng phần mềm Caris của Ca-na-đa sản xuất là bộ công cụ xử lý số liệu đo sâu đa tia cũng như đơn tia và số liệu quét sườn (side scan sonar) có tính năng tương tự như phần mềm Hypack đối với phần xử lý số liệu đo sâu. Tuy nhiên, phần mềm HIPS và SIPS có những tính năng ưu việt hơn, nhất là phần hiệu chỉnh vận tốc âm. Phần mềm cho phép 4 sự lựa chọn: Thứ nhất, hiệu chỉnh bất kỳ file vận tốc âm nào khi đưa vào mà không phân biệt thời gian đo, vị trí trạm đo; thứ hai phần mềm tự động chọn theo thời gian đo để đưa vào hiệu chỉnh; thứ ba phần mềm tự động chọn kết quả đo tại vị trí gần khu vực khảo sát nhất để đưa vào hiệu chỉnh; thứ tư phần mềm tự động chọn kết quả đo vận tốc âm theo cả hai tiêu chí thứ hai và thứ ba. Ngoài ra, phần mềm còn có tính năng nội suy độ sâu tự động từ các điểm lân cận. Đây là tính năng vô cùng thuận lợi trong công tác xử lý số liệu đo sâu, góp phần nâng cao độ chính xác, tin cậy kết quả đo sâu.

Nguyễn Phúc Hồng