Trước tình hình đó, ngành quân nhu đã triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định đời sống bộ đội, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm quân nhu cả thường xuyên và đột xuất. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Thiếu tướng An Phương Nam, Cục trưởng Cục Quân nhu, Tổng cục Hậu cần, xoay quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến công tác quân nhu như thế nào?

leftcenterrightdel
Thiếu tướng An Phương Nam. 

Thiếu tướng An Phương Nam: Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 tác động, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bảo đảm quân nhu. Trước diễn biến phức tạp của dịch, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, phong tỏa khu vực... làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, hoạt động vận chuyển bị gián đoạn, tác động đến công tác mua sắm, tạo nguồn, tiếp nhận, cấp phát của ngành quân nhu.

Các đơn vị phải thực hiện nghiêm quy trình phòng, chống dịch (PCD), giữ khoảng cách nên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tạo nguồn, chế biến, chăm sóc, phục vụ bộ đội...

PV: Cục Quân nhu đã có những giải pháp gì để hoàn thành tốt công tác bảo đảm quân nhu, thưa đồng chí?

Thiếu tướng An Phương Nam: Cục Quân nhu đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan chủ động xây dựng kế hoạch tạo nguồn vật chất quân nhu; triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp trong lựa chọn nhà thầu, phối hợp chặt chẽ, tích cực đôn đốc các nhà thầu thực hiện hợp đồng, bảo đảm đủ nguồn hàng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống; đề xuất xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác PCD trong ngành quân nhu chặt chẽ, hiệu quả.

Đối với các đơn vị đóng quân trên địa bàn, khu vực phong tỏa, Cục Quân nhu chỉ đạo quân nhu các đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng làm trung tâm liên hệ với các sở công thương, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, nắm chắc khả năng cung ứng hàng hóa, chủ động cân đối, điều phối công tác mua sắm, tiếp nhận, cấp phát cho các lực lượng; chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị duy trì tốt lượng vật chất quân nhu dự trữ; tổ chức bảo đảm đầy đủ, kịp thời quân nhu cho các nhiệm vụ.

PV: Vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, kết quả nổi bật trong công tác bảo đảm quân nhu năm 2021 là gì, thưa đồng chí?

Thiếu tướng An Phương Nam: Từ đầu năm đến nay, Cục Quân nhu đã chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận, cấp phát đầy đủ, kịp thời tiêu chuẩn quân trang cho chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2021; quân trang tiêu chuẩn năm 2021 và quân trang cho các nhiệm vụ đột xuất. 

Trong điều kiện thời gian gấp, yêu cầu khẩn trương, Cục Quân nhu đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong triển khai mua sắm, tạo nguồn, bảo đảm đầy đủ vật chất quân nhu cho các đội tuyển tham gia Hội thao Quân sự quốc tế (Army Games 2021), nhiệm vụ PCD Covid-19; chỉ đạo quân nhu các đơn vị huy động từ các nguồn để hỗ trợ nhân dân tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khối lượng lớn lương thực, thực phẩm với tổng giá trị ước tính hơn 106 tỷ đồng...

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, song hầu hết các chỉ tiêu tăng gia sản xuất (TGSX) của các đơn vị toàn quân đều đạt và vượt kế hoạch, cao hơn năm 2020. Sản lượng rau, củ, quả toàn quân thu hoạch ước đạt hơn 49.200 tấn (tăng 2,6%); thịt lợn xô lọc đạt gần 6.100 tấn (tăng 27,1%); thịt gia cầm đạt 6.400 tấn (tăng 8,7%); sản lượng cá đạt gần 9.700 tấn (tăng 7,8%); thu lãi từ TGSX, chế biến và dịch vụ hậu cần khác đạt bình quân gần 1,3 triệu đồng/người/năm...

PV: Thưa đồng chí, để hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm trong thời gian tới, Cục Quân nhu có những biện pháp cụ thể gì?

leftcenterrightdel
Bộ đội Lữ đoàn Công binh 543 (Quân khu 2) chăm sóc vườn rau tại khu tăng gia sản xuất tập trung. Ảnh: VĂN CHIỂN 

Thiếu tướng An Phương Nam: Do dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, công tác bảo đảm quân nhu cho các lực lượng gặp nhiều khó khăn, vì vậy, Cục Quân nhu đã chỉ đạo các đơn vị dự trữ quân nhu theo đúng quy định, xác định các giải pháp cho các nhiệm vụ đột xuất. Thực hiện tốt các hợp đồng khai thác, tạo nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ, bảo đảm chất lượng tốt cũng như giá cả phù hợp.

Đôn đốc các đơn vị tích cực chế biến, cải tiến món ăn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với các đơn vị thực hiện nhiệm vụ cách ly y tế tập trung và các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm điều trị bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 cần triển khai kế hoạch tổ chức bảo đảm quân nhu theo từng nhiệm vụ cụ thể; bố trí sử dụng lực lượng, trang bị vật chất quân nhu phù hợp; chủ động phối hợp với các lực lượng trên địa bàn và địa phương phân cấp khai thác lương thực, thực phẩm tại chỗ kết hợp với các nguồn khác...

Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch TGSX phù hợp; làm tốt công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học nuôi, trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, bảo đảm tốt đời sống bộ đội và đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật chất quân nhu cho các nhiệm vụ trong mọi tình huống.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

VĂN CHIỂN (thực hiện)