QĐND Online - Nhập ngũ đúng vào dịp Trung đoàn 38 (Đoàn Gio An) - Sư đoàn 2 (Quân khu 5) kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống (20-9-1954 /20-9-2014), 486 chiến sĩ mới đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai đang bắt nhịp nhanh với nếp sống quân ngũ rộn rã, khẩn trương. Đây chính là điểm xuất phát, hành trang đầu tiên giúp họ tôi luyện, trưởng thành.

Để chiến sĩ mới sớm hòa nhập với môi trường mới, như những người anh đi trước, đội ngũ cán bộ các cấp luôn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn anh em từ những điều tưởng chừng đơn giản như gấp xếp chăn màn vuông thành sắc cạnh, mang mặc, xưng hô đúng lễ tiết tác phong, ăn ngủ theo giờ giấc… Ngoài lịch học tập chính khóa, các hoạt động bổ trợ: diễn đàn thanh niên, giao lưu kết nghĩa, sinh nhật chiến sĩ, Hội thi “Chiến sĩ hát bài ca truyền thống”, Hội thao thể dục thể thao… là mảnh đất tốt cho quân nhân bộc lộ sở trường, thể hiện tài năng.

Đại tá Lê Ngọc Nam, Chính ủy Sư đoàn 2 nói chuyện với chiến sĩ mới.
Đại úy Lê Thanh Sơn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 cho biết: “Mới chân ướt chân ráo vào đơn vị, chiến sĩ mới đã nhanh chóng khẳng định được “thương hiệu” của mình. Hội thao vừa rồi, các đội tuyển với 100% binh nhì đã đem về cho đơn vị hàng loạt giải về bóng đá, bóng bàn, bơi bao gói, cờ tướng, xà đơn”. Chiến sĩ Đỗ Văn Hậu, vận động viên bơi bao gói, hóm hỉnh cắt nghĩa: “Mặc dù thời gian luyện tập không nhiều nhưng chúng tôi có ưu thế trẻ, khỏe, nhiệt tình, đặc biệt có đội ngũ cổ động viên hùng hậu và cuồng nhiệt, nên đã ra quân là chiến thắng”. 

Khóa này có 12 chiến sĩ mới đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Nếu chưa vào quân đội, giờ này họ có thể đã là thầy giáo ở các nhà trường, cán bộ, kỹ sư của các cơ quan, doanh nghiệp… nhưng cuộc sống quân ngũ cũng giúp cho mỗi người những thu hoạch bổ ích. Chiến sĩ Nguyễn Thành Giỏi (Đại học Quang Trung, ngành xây dựng) khẳng định: “Cuộc sống bộ đội rất nền nếp, kỷ luật và chính quy. Vào ngôi nhà chung này, chúng tôi biết sống vì mọi người, quan tâm, giúp đỡ đồng đội”. Còn Nguyễn Chánh Tín (Học viện Hành chính, ngành thanh tra hành chính) khẳng định: “Nắng gió thao trường khiến ai cũng đen sạm nhưng lại khỏe khắn hơn. Tin tưởng rằng 18 tháng quân ngũ không những trang bị cho tôi vốn kiến thức quân sự, chính trị mà còn cả kỹ năng làm việc độc lập, làm việc theo nhóm, để sau này vững vàng hơn trong mọi môi trường công tác”. Với Nguyễn Thành Nam (Đại học Bình Dương, ngành xây dựng) thì: “Quân đội cũng là một con đường lập thân lập nghiệp. Xung phong đi bộ đội với nguyện vọng phục vụ lâu dài nên ngay từ bây giờ tôi đang nỗ lực để hiện thực hóa mong ước đó”.

Một buổi học của lớp bổ túc văn hóa.

Đang học cấp hai phải bỏ giữa chừng để giúp cha mẹ làm rẫy, lâu ngày Đinh Xuân (dân tộc Ba Na) gần như quên mất mặt chữ nên việc ghi chép rất khó khăn. Ở Đại đội 12, Tiểu đoàn 6 có một số chiến sĩ mới cùng hoàn cảnh như trên. Ngay sau tuần đầu tiên ổn định biên chế, đơn vị đã mở lớp học bổ túc văn hóa vào các tối thứ 2 và thứ 5, trích kinh phí mua sách vở và phân công những quân nhân đã tốt nghiệp cấp 3 trở lên ở từng tiểu đội chịu trách nhiệm phụ đạo thêm. Nhờ vậy, sau 3 tuần học tập, có 1/3 học viên đọc thông viết thạo, số còn lại đã viết được tên mình, tên cha mẹ, quê quán. Đại úy Phan Tấn Lực, Chính trị viên Đại đội, giáo viên trực tiếp đứng lớp, chia sẻ: “Mỗi buổi học đều kết hợp học mới ôn cũ, tổ chức đố vui tạo không khí thi đua, giúp các em dễ nhớ, nhớ lâu. Mặc dù tiếp thu còn chậm nhưng các em đều chịu khó, siêng năng”.

Cùng với lớp học văn hóa, đơn vị tổ chức đối thoại dân chủ, duy trì nền nếp hoạt động Đoàn thanh niên, Hội đồng quân nhân, tổ tư vấn tâm lý -pháp lý quân nhân. Hai ngày nghỉ cuối tuần, chiến sĩ mới được nghỉ ngơi thư giãn, tham gia các hoạt động thể thao, múa hát tập thể, vui chơi giải trí tại câu lạc bộ quân nhân, tiếp người thân, bạn bè đến thăm…

Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP