Báo Quân đội nhân dân giới thiệu tới bạn đọc một số ý kiến tại tọa đàm.

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học-nghệ thuật Trung ương:

Kỷ luật quân đội tạo giá trị văn hóa quân sự Việt Nam

Người ta nói “quân lệnh như sơn” là chỉ ra một tổ chức quân đội có kỷ luật sắt, kỷ luật thép; nói “quân hồi vô phèng” là nhằm chỉ sự thất bại, tự rã đám của một tổ chức quân đội không còn, không có kỷ luật. Quân đội nhân dân Việt Nam không nằm ngoài đòi hỏi, quy luật phổ quát này, không phải là một ngoại lệ. Phải giữ nghiêm kỷ luật quân đội, phải rèn luyện kỷ luật cho mọi quân nhân trong mọi hoạt động và mọi tình huống, lúc thường cũng như trong chiến đấu, trong công tác cũng như trong sản xuất.

GS, TS Đinh Xuân Dũng.

“Giữ nghiêm kỷ luật quân đội, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” là hai vế không thể tách rời nhau. Kỷ luật gắn chặt với danh dự cao quý Bộ đội Cụ Hồ. Sự gắn kết và thống nhất hai yêu cầu này tạo ra những đặc trưng riêng có của kỷ luật trong Quân đội ta, quân đội cách mạng, quân đội của nhân dân, quân đội được mang danh hiệu cao quý: Bộ đội Cụ Hồ.

Nói đến kỷ luật quân đội là nói đến sự tuân thủ có tính bắt buộc đối với mọi quy định của tổ chức quân đội, là sự phục tùng vô điều kiện quân lệnh được ban ra trong mọi tình huống. Rèn quân chính là rèn tính tuân thủ đó để mỗi quân nhân có một nếp quen, một ý thức chấp hành trong mọi hoạt động của mình. Vì vậy, sự tuân thủ, tính bắt buộc được coi như một yêu cầu trong kỷ luật quân đội. Song, quân đội của chúng ta đã thực hiện điều đó theo một cách khác. Bằng công tác giáo dục và sự trưởng thành của người chiến sĩ, sự tuân thủ đó đã trở thành ý thức tự giác của mỗi quân nhân. Như vậy, chuyển từ tính bắt buộc trở thành sự tự giác, tự nguyện chấp hành kỷ luật quân đội, đây là một đặc trưng của kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Kỷ luật trong quân đội là sự tuân thủ, song đối với Quân đội ta, yêu cầu tuân thủ, chấp hành mệnh lệnh đó không mâu thuẫn với việc thực thi dân chủ trong quân đội. Trong tư tưởng chỉ đạo xây dựng quân đội, Bác Hồ và Đảng ta luôn nhấn mạnh mối quan hệ giữa chấp hành, giữ nghiêm kỷ luật với thực hành dân chủ trong mọi sinh hoạt, hoạt động của quân đội. Xử lý không tốt quan hệ biện chứng này sẽ không tạo ra và không phát huy được sức mạnh của các đơn vị quân đội.

Khi nói kỷ luật trong quân đội, người ta nghĩ đến quan hệ đặc biệt trong tổ chức quân đội, đó là quan hệ giữa người chỉ huy và người phục tùng sự chỉ huy. Phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy là một nguyên tắc lớn, “bất di bất dịch”, tạo nên kỷ luật sắt trong quân đội. Song, như là một đặc trưng và trở thành một truyền thống quý báu, hiếm có trong Quân đội ta, nguyên tắc đó gắn chặt với một tình cảm đặc biệt: Tình đồng đội, đồng chí. Rất hiếm có một quân đội nào có được đặc trưng này như một truyền thống, một giá trị văn hóa quân sự. Nhiều năm qua, chúng ta đã tạo được giá trị đặc biệt đó và vì vậy không thể để mất nó trong quá trình xây dựng quân đội cách mạng của chúng ta.

TS CAO ĐỨC THÁI, nguyên Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh:

Đề phòng sự xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với công tác quản lý - kỷ luật

Trong chiến lược chống phá chế độ xã hội, Nhà nước ta, quân đội ta đã và đang là một mục tiêu “kép” của các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội, thoái hóa biến chất. Đánh vào quân đội, các thế lực thù địch thực hiện đồng thời hai mục tiêu: Làm suy yếu chế độ xã hội, đồng thời tạo cơ hội cho kẻ thù xâm lược xâm phạm độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Phương thức chống phá của họ thời gian gần đây là tập trung vào chiến lược trung lập hóa, vô hiệu hóa Quân đội ta, cường điệu hóa một số vi phạm của cán bộ, chiến sĩ, xuyên tạc công tác quản lý, kỷ luật của quân đội.

Tiến sĩ Cao Đức Thái.

Quân đội là một lực lượng chính trị đặc biệt cả về chức năng và về phẩm chất đạo đức. Ở tất cả quốc gia, quân đội là lực lượng quan trọng nhất trong bảo vệ chế độ và nhà nước. Khi quân đội thay đổi lập trường chính trị, rất có thể sẽ dẫn đến thay đổi chế độ. Chính vì vậy, các thế lực thù địch mới tích cực chống phá quân đội, xuyên tạc công tác quản lý kỷ luật, bản chất cách mạng của quân đội.

Để phản bác sự xuyên tạc của các thế lực thù địch trong công tác quản lý-kỷ luật của Quân đội ta, chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp, trong đó bản thân quân đội phải tự rà soát, tích cực duy trì, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật của mình. Hiện nay, Quân đội ta đã và đang tích cực thực hiện vấn đề này. Trước các vi phạm của bộ đội, cần mổ xẻ, làm rõ nguyên nhân xem đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh… Có như vậy thì việc phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch mới đạt được hiệu quả như mong muốn.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN BÁ DƯƠNG, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng:

Đề cao tính nhân văn trong công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật

Sinh thời, Bác Hồ từng căn dặn: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”; “Muốn nâng cao chí khí chiến đấu, cố nhiên là phải chính trị và quân sự, phải giữ thật nghiêm kỷ luật. Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”; “Người có văn hóa tất yếu phải là người chấp hành kỷ luật nghiêm”. “Kỷ luật của quân đội là kỷ luật thép”; “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”, đó vừa là khẩu hiệu, vừa là yêu cầu và cũng là mục tiêu phấn đấu của quân đội...

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Bá Dương.

Tính nhân văn trong quản lý, rèn luyện kỷ luật cho quân đội thể hiện ở việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và đề cao vai trò của các tổ chức chỉ huy, quần chúng. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, xây dựng môi trường văn hóa. Đề cao đoàn kết, thống nhất, phát huy tính tích cực, tự giác của quân nhân, vai trò nêu gương của cán bộ. Tăng cường giáo dục pháp luật, kỷ luật, đề cao ý thức phòng ngừa. Không bao che, giấu giếm khuyết điểm. Thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh, tiến hành đồng bộ các biện pháp quản lý bộ đội.

Biểu hiện của tính nhân văn trong quản lý, rèn luyện kỷ luật quân đội là phổ biến kỹ, tuyên truyền sâu, giúp cán bộ, chiến sĩ hiểu đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò, tác dụng, giá trị và ý nghĩa của việc nhận thức đúng, chấp hành quy định của pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội. Cùng với đó, phải quan tâm chăm lo xây dựng môi trường văn hóa pháp luật-kỷ luật lành mạnh, tạo ra ý thức tự giác chấp hành mọi quy định, mệnh lệnh của cấp trên; làm cho cán bộ, đảng viên luôn “dị ứng” với những việc làm sai trái, đề cao cái tốt, cái chân-thiện-mỹ; đề cao ý thức phòng, chống vi phạm pháp luật, kỷ luật từ sớm, từ xa.

Tính nhân văn của kỷ luật còn là việc khen thưởng đúng, xử phạt nghiêm, đánh giá đúng người, đúng việc, đúng công, đúng tội. Đội ngũ cán bộ luôn “dĩ công vi thượng”, công tâm, khách quan trong khen-chê, thưởng-phạt. Kịp thời uốn nắn, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ khi họ hiểu chưa đúng, làm chưa tốt, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giải quyết tốt mối quan hệ giữa công tác của tập thể và quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, giữa việc chung và việc riêng. Tuyệt đối không để tình huống, hoàn cảnh xô đẩy cán bộ, chiến sĩ rơi vào trạng thái bức bách, dẫn đến hành động bồng bột, thiếu kiểm soát…

Thiếu tướng LÊ XUÂN SANG, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị:

Nâng cao nhận thức của bộ đội trong rèn luyện, chấp hành kỷ luật quân đội

Những năm gần đây, công tác tư tưởng luôn được cấp ủy, chỉ huy các đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai với nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, nhiều hình thức sáng tạo, sát với tình hình thực tiễn, góp phần quản lý chặt chẽ và giữ nghiêm kỷ luật quân đội, xây dựng các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Tuy nhiên, ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn có các trường hợp vi phạm kỷ luật phải xử lý. Nguyên nhân vi phạm kỷ luật quân đội, quy định đơn vị có cả khách quan, chủ quan, nhưng nhìn chung là nhận thức, trách nhiệm của một số cán bộ, chiến sĩ chưa cao. Công tác nắm, đánh giá, quản lý và giải quyết tư tưởng của cán bộ, đảng viên ở đơn vị cơ sở còn một số thiếu sót, hạn chế…

Thiếu tướng Lê Xuân Sang.

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội, đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó, cần coi trọng phát huy vai trò công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bộ đội về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, góp phần giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Theo đó, cần tăng cường quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, quy định của các cấp về chấp hành pháp luật, kỷ luật, bảo đảm an ninh, an toàn. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quân đội. Thường xuyên động viên bộ đội phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện và phát triển nhân cách người quân nhân cách mạng. Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, đơn vị. Quan tâm rèn luyện bản lĩnh chính trị, xây dựng niềm tin, bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, thói quen, hành vi ứng xử văn hóa, đồng thời trang bị kỹ năng sống cho quân nhân…

Thường xuyên rà soát, bổ sung hoàn thiện quy chế, quy định phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của đơn vị. Duy trì thực hiện nghiêm nền nếp chính quy. Phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình để giáo dục, quản lý tư tưởng, kỷ luật đối với quân nhân. Phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần bộ đội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân đạt thành tích. Xử lý kỷ luật theo thẩm quyền, bảo đảm tính nghiêm minh, chống biểu hiện bao che, giấu diếm khuyết điểm. Nghiên cứu, dự báo các vấn đề nảy sinh, kịp thời phát hiện giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh.

Đại tá PHẠM KIM SƠN, Phó cục trưởng Cục Dân vận (Tổng cục Chính trị):

Đoàn kết quân dân, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ

Mối quan hệ mật thiết với nhân dân là truyền thống quý báu, là nền tảng, cội nguồn sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội ta là quân đội cách mạng, ra đời, trưởng thành và lớn mạnh đều bắt nguồn từ nhân dân, chiến đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Hơn 75 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta luôn chăm lo xây dựng và không ngừng tăng cường mối quan hệ quân dân ngày càng gắn bó keo sơn, trở thành một truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta.

 Đại tá Phạm Kim Sơn.

Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, để Quân đội ta hoàn thành tốt chức năng đội quân công tác và đấu tranh làm thất bại âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc hòng tuyên truyền xuyên tạc, phủ nhận bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, kích động, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt quân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân; để quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng về bản chất Quân đội ta vào xây dựng, củng cố, phát triển tình đoàn kết quân dân trong tình hình mới, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp. Trong đó công tác dân vận của quân đội cần hướng mạnh về cơ sở, quan tâm đến những vấn đề thiết thực trong đời sống nhân dân, nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, quân đội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo phong trào cách mạng rộng lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Các đơn vị trong toàn quân cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đồng bào theo tôn giáo về thành tựu mọi mặt của đời sống xã hội trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chủ động, thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân gần gũi, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; giúp nhân dân thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ công dân và quyền làm chủ trực tiếp theo đúng quy định của pháp luật…

Thượng tá BÙI QUANG TRUNG, Phó chính ủy Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1, Binh chủng Đặc công:

Tạo khả năng “miễn dịch” cho bộ đội trước mặt trái xã hội

Về mặt tích cực, những đơn vị đóng quân, công tác ở môi trường đô thị phát triển thì cán bộ, chiến sĩ có điều kiện được tiếp cận nhiều tri thức, bộ đội có tính năng động, sáng tạo; có điều kiện thuận lợi trong chăm lo bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho từng cá nhân và tập thể. Ngoài ra, ở môi trường thành phố, đô thị, cán bộ, chiến sĩ có điều kiện tiếp thu lượng thông tin đa dạng, thúc đẩy bộ đội tư duy sáng tạo trong công tác, thực hiện nhiệm vụ.

Thượng tá BÙI QUANG TRUNG.

Tuy nhiên nếp sống thành phố, đô thị cũng có những mặt trái, tác động không nhỏ lên tư tưởng, nhận thức bộ đội bởi có nhiều thành phần xã hội, sự đan xen văn hóa phức tạp, trong đó có những văn hóa xấu độc. Đặc biệt là sự tác động, đấu tranh giữa lối sống thực dụng với lối sống nhân văn trong mỗi con người. Trên địa bàn thành phố, các thế lực thù địch cũng có nhiều âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, mua chuộc hoặc tìm cách bôi nhọ, hạ thấp uy tín, danh dự người quân nhân cách mạng. Bên cạnh đó, sự đa dạng và phong phú trong cơ cấu nghề nghiệp, thu nhập khiến những quân nhân không kiên định sẽ có sự dao động về mục tiêu phấn đấu, so sánh bên trong-bên ngoài, không yên tâm thực hiện nhiệm vụ…

Chính vì thế, việc phân tích, đánh giá, dự báo và đưa ra giải pháp khắc phục mặt trái xã hội, giữ nghiêm kỷ luật quân đội, không ngừng củng cố nâng cao sức mạnh chiến đấu là đòi hỏi khách quan, tất yếu để lữ đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm. Đây cũng là yêu cầu vừa có tính trước mắt, vừa có tính lâu dài trong suốt quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của đơn vị.

Nhận thức rõ điều đó, với hệ thống giải pháp đồng bộ, khoa học, sự vào cuộc của cấp ủy, người chỉ huy, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, những năm qua, Lữ đoàn Đặc công Biệt động 1 đã tranh thủ được thuận lợi, những mặt tích cực khi đóng quân trên địa bàn thành phố, tạo ra đột phá trong khắc phục khâu yếu, việc khó, trang bị cho bộ đội những tri thức, nhận thức, khả năng “miễn dịch” trước những tiêu cực xã hội, giúp cán bộ, chiến sĩ luôn yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị, nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Thượng tá VŨ KIM THẮNG, Phó chính ủy Lữ đoàn 242, Quân khu 3:

Gắn quản lý với giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội

Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 242 (Quân khu 3) luôn xác định công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật, đổi mới hình thức, phương pháp nắm và giải quyết tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sĩ gắn với thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội có vai trò quan trọng, trực tiếp tác động đến tâm tư, tình cảm và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, chiến sĩ. Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn đã chỉ đạo phòng chính trị chuẩn bị nội dung, xây dựng đề cương tuyên truyền hướng dẫn các đơn vị thực hiện; thường xuyên đổi mới, kết hợp nhiều nội dung, hình thức như: Tọa đàm, diễn đàn, các hoạt động văn hóa văn nghệ, giao lưu kết nghĩa... Bên cạnh những nội dung tuyên truyền theo định hướng của trên, đơn vị đã lồng ghép những nội dung liên quan đến tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật của các đơn vị, thông báo rộng rãi trên hệ thống phát thanh nội bộ để 100% cán bộ, chiến sĩ nắm được tình hình chấp hành kỷ luật của đơn vị mình.

Thượng tá Vũ Kim Thắng.

Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, cùng với duy trì thực hiện nghiêm ngày pháp luật tại đơn vị, lữ đoàn đã phối hợp cùng Viện Kiểm sát Khu vực 31, Phòng Điều tra Hình sự, Phòng Thi hành án quân khu... tổ chức các lớp giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại các điểm đóng quân của lữ đoàn trên các đảo.

Cùng với triển khai đồng bộ các biện pháp, hằng tháng, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn đã phân công các đồng chí chỉ huy và các cơ quan thường xuyên luân phiên ra các đơn vị đảo cùng ăn, cùng ở với bộ đội để theo dõi, giúp đỡ đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra đột xuất, nội dung kiểm tra tập trung vào việc duy trì các chế độ nền nếp; việc thực hiện quy chế dân chủ; công tác nắm, giải quyết tình hình tư tưởng; việc bảo đảm các tiêu chuẩn, chế độ của bộ đội... Quá trình kiểm tra tổ chức rút kinh nghiệm tại chỗ, chỉ rõ những điểm hạn chế và chỉ đạo hướng khắc phục, do vậy, những hạn chế, khuyết điểm đã được khắc phục kịp thời.

Từ những biện pháp đồng bộ và đổi mới trên, trong những năm qua, công tác giáo dục, quản lý gắn với giải quyết tốt chính sách hậu phương quân đội đã được Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn thực hiện có hiệu quả. Cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, yên tâm công tác, xác định tốt trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, nội bộ đoàn kết, thống nhất cao, đơn vị an toàn về mọi mặt.

Đại úy TRỪ MINH VIỆT, Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1):

Ngăn ngừa vi phạm kỷ luật ở những thời điểm nhạy cảm

Là người quản lý, chỉ huy bộ đội ở cơ sở, chúng tôi nhận thấy thời gian vi phạm kỷ luật của bộ đội, nhất là hạ sĩ quan, binh sĩ thường vào thời điểm sau huấn luyện, công tác, sinh hoạt; trong các giai đoạn như trước khi xuất ngũ (tư tưởng xả hơi), giai đoạn đầu khi kiện toàn biên chế sau huấn luyện, khi nghỉ phép, tranh thủ; sau các cuộc hội thao, hội thi, sau diễn tập hoặc khi vắng người chỉ huy, quản lý. Đặc biệt, ở một số chiến sĩ nhận thức còn hạn chế, thường lợi dụng thời điểm sau khi người chỉ huy kiểm tra đơn vị theo chế độ thường xuyên để vi phạm…

Nắm bắt, tổng hợp được các thời gian, thời điểm nhạy cảm đó, Đảng ủy, chỉ huy Tiểu đoàn 6 đã có nhiều chủ trương, biện pháp khoa học, cơ bản khắc phục triệt để tình trạng vi phạm kỷ luật, quy định đơn vị. Đơn vị nhiều năm liền không có trường hợp vi phạm kỷ luật phải xử lý. Chất lượng huấn luyện, công tác của các tập thể không ngừng được củng cố, nâng cao.

Đại úy Trừ Minh Việt.

Không dừng lại ở các giải pháp quản lý hành chính, để công tác giáo dục, quản lý kỷ luật mang tính lâu dài, vững chắc, Tiểu đoàn 6 luôn tập làm tốt việc giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, như: Phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật, điều lệnh quản lý bộ đội, các nghị định, thông tư, chỉ thị, hướng dẫn của trên, bảo đảm cho bộ đội có “nhận thức đúng đắn để hành động đúng đắn”.

Ngoài thực hiện việc giáo dục chính trị theo kế hoạch, tiểu đoàn chú trọng lồng ghép cùng nội dung sinh hoạt cấp tổ, tiểu đội; sinh hoạt giáo dục nhiệm vụ tuần, tháng cấp trung đội, đại đội; kết hợp các buổi điểm danh, kiểm tra quân số. Phát huy tốt vai trò, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ cán bộ, đảng viên các cấp trong kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm về việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của bộ đội. Tiểu đoàn cũng lập kế hoạch, phân công, cắt cử cán bộ kiểm tra vào ban đêm, thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát, đồng thời làm tốt công tác khen thưởng, xử phạt, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt rộng rãi trong toàn đơn vị… tạo không khí thi đua chấp hành kỷ luật trong đơn vị.

Nhóm phóng viên QPAN lược ghi