Báo Quân đội nhân dân giới thiệu tới bạn đọc một số ý kiến tại tọa đàm.
*Thiếu tướng BÙI CÔNG CHỨC, Phó chính ủy Quân khu 3:
Môi trường sống có tác động lớn đối với công tác quản lý bộ đội
Môi trường sống có yếu tố quan trọng góp phần hình thành phẩm chất, nhân cách của mỗi quân nhân, đồng thời cũng là yếu tố tác động trực tiếp đến công tác quản lý bộ đội ở các cơ quan, đơn vị. Do vậy, xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh ở các đơn vị chính là góp phần giữ vững kỷ luật, bảo đảm cho quân đội luôn hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
 |
Thiếu tướng Bùi Công Chức.
|
Nhận rõ sự tác động của môi trường sống đối với công tác quản lý bộ đội, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong LLVT Quân khu 3 luôn quan tâm xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh trong đơn vị, coi đó là giải pháp quan trọng để xây dựng phẩm chất tốt đẹp cho quân nhân, đẩy lùi những hạn chế, tiêu cực; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý bộ đội. Tuy nhiên, thời gian qua, một số đơn vị thuộc Quân khu 3 đã xảy ra những vụ việc tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ, ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống của quân đội và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Nguyên nhân xảy ra các vụ việc trên, trước hết là do công tác nắm tư tưởng, giáo dục, quản lý bộ đội ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, nhất là việc cán bộ quản lý trực tiếp thiếu sâu sát, buông lỏng quản lý đơn vị hoặc chủ quan… Bên cạnh nguyên nhân do thiếu ý thức rèn luyện, thiếu bản lĩnh và kỹ năng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, còn có nguyên nhân quan trọng khác là tác động tiêu cực từ môi trường xã hội.
Vì vậy, để xây dựng môi trường tốt đẹp, lành mạnh trong LLVT, đồng thời phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật, các đơn vị trong quân khu đã tăng cường công tác quản lý, duy trì nghiêm nền nếp chế độ chính quy, rèn luyện kỷ luật, các chế độ ngày, tuần, chế độ kiểm tra nắm tình hình. Thực hiện nghiêm quy chế dân chủ ở cơ sở, sinh hoạt đối thoại; thường xuyên nắm chắc tình hình nội bộ, diễn biến tư tưởng bộ đội; quản lý chặt chẽ các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ, nhất là những trường hợp có biểu hiện bất thường trong công tác, sinh hoạt. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức, chính sách; quan tâm chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; xây dựng đơn vị có môi trường văn hóa lành mạnh, tập thể quân nhân đoàn kết, quyết tâm cao, có ý chí khắc phục khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ…
*Thiếu tướng TRẦN ĐĂNG THÀNH, Phó cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu:
Duy trì nghiêm các chế độ nền nếp là vấn đề then chốt
Xây dựng chính quy và rèn luyện kỷ luật trong quân đội là chủ trương lớn của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, đã được cụ thể hóa trong nhiều chỉ thị và văn bản hướng dẫn của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về công tác quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn.
Thực tiễn cho thấy, chuyển biến về chấp hành kỷ luật những năm gần đây là tích cực, có tiến bộ. Tuy nhiên vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, sự tiến bộ chưa đồng đều, chưa thực sự vững chắc, vẫn còn một số vụ việc có tính chất nghiêm trọng...
 |
Thiếu tướng Trần Đăng Thành.
|
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm kỷ luật của bộ đội, bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó việc buông lỏng thực hiện các chế độ chính quy, nhất là chế độ ngày, tuần là một nguyên nhân quan trọng. Thực tế các vụ việc cho thấy hầu hết đều liên quan đến việc cán bộ duy trì lỏng lẻo các chế độ quy định, quân nhân nằm ngoài sự quản lý, chỉ huy của đơn vị dẫn đến vi phạm kỷ luật. Do đó, duy trì nghiêm các chế độ nền nếp chính quy là vấn đề then chốt trong duy trì và giữ vững kỷ luật quân đội, chấp hành pháp luật Nhà nước. Bảo đảm cho chỉ huy các cấp thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; nắm vững các quy định của điều lệnh, nhất là chế độ công tác của người chỉ huy. Qua đó nâng cao tính tổ chức, tính kỷ luật, tính khoa học, tính kế hoạch trong mọi hoạt động chỉ huy, điều hành đơn vị; khắc phục tình trạng gia trưởng, tùy tiện. Bảo đảm người chỉ huy quản lý chặt chẽ đơn vị và mọi hoạt động của quân nhân; quản lý chặt chẽ cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị; cán bộ các cấp luôn nắm vững mọi hoạt động của đơn vị; quản lý chắc quân nhân thuộc quyền cả về số lượng và chất lượng trong mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh, tạo thành ý thức tự giác, thói quen chấp hành kỷ luật, chấp hành chế độ; loại bỏ tình trạng quân nhân tự do, vô tổ chức hoạt động ngoài sự quản lý của chỉ huy và đơn vị.
*Đại tá DƯƠNG HOÀNG TOÁN, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5:
Tăng cường nắm bắt, định hướng tư tưởng bộ đội
Quản lý tư tưởng bộ đội là một khoa học trong công tác lãnh đạo, quản lý ở đơn vị cơ sở. Trong điều kiện mới của đời sống xã hội, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, yêu cầu, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế của quân đội có sự điều chỉnh đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm một bộ phận cán bộ, chiến sĩ. Đối Quân khu 5, hằng năm tiếp nhận, huấn luyện hàng nghìn chiến sĩ mới, trong đó chiến sĩ là người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ khoảng 25-30%. Trình độ học vấn không đồng đều và bất đồng về ngôn ngữ giữa các chiến sĩ người DTTS với cán bộ và chiến sĩ khác là những khó khăn nhất định trong công tác giáo dục, quản lý bộ đội ở đơn vị.
 |
Đại tá Dương Hoàng Toán. |
Qua đặc điểm tình hình và thực trạng quản lý tư tưởng ở đơn vị cơ sở trong LLVT Quân khu 5, chúng tôi xin nêu một số giải pháp tăng cường nắm bắt, định hướng tư tưởng bộ đội. Trước hết, đối với cấp ủy, chỉ huy các cấp phải quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của trên về công tác giáo dục quản lý bộ đội. Đối với tổ chức đoàn thanh niên, hội đồng quân nhân phải là chỗ dựa để chiến sĩ tham gia tốt các hoạt động, phát huy trí tuệ tập thể để xây dựng đơn vị, tạo ra bầu không khí vui tươi phấn khởi, dân chủ, đoàn kết trong đơn vị. Phát huy tốt vai trò của tổ tư vấn tâm lý-pháp lý quân nhân, tổ chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận trong nắm bắt tình hình. Đây là lực lượng quan trọng, gần gũi trong công việc hằng ngày với bộ đội, do đó cần có sự lựa chọn kỹ lưỡng và phân công nhiệm vụ chặt chẽ, để làm cầu nối tích cực giữa chỉ huy với cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên hội ý, phát hiện sớm các biểu hiện tư tưởng và tham mưu xử lý kịp thời các tình huống tư tưởng nảy sinh của bộ đội.
Một trong những giải pháp quan trọng nữa là cần kịp thời thông tin, định hướng tình hình ở các thời điểm nhạy cảm và thông tin định hướng khi xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật, mất an toàn... Đây là giải pháp hết sức quan trọng, có nắm được tình hình, định hướng rõ ràng mới nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành cho bộ đội. Việc thông tin, thông báo tình hình vi phạm kỷ luật quân đội được đơn vị tiến hành thường xuyên qua các buổi thông báo chính trị-thời sự. Trong thông báo, các đơn vị thường nêu cụ thể, kết hợp rút kinh nghiệm, phân tích rõ nguyên nhân, liên hệ với tình hình đơn vị, từ đó đề xuất các biện pháp ngăn chặn, phòng, chống; gắn thông báo với giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của bộ đội, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ…
* Đại tá TRƯƠNG MẠNH DŨNG, Phó tư lệnh Quân đoàn 1:
Kỷ luật quân đội - nét đẹp riêng có của người quân nhân
Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng dù thực hiện bất cứ nhiệm vụ gì thì người quân nhân cũng cần phải có kiến thức, nhận thức về pháp luật và phải chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội. Chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội là nét đẹp riêng có của người quân nhân cách mạng. Để làm được điều đó, vai trò công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục các quy định, điều lệ trong quân đội có yếu tố quan trọng, quyết định đến nhận thức, thúc đẩy hành động tích cực của mỗi quân nhân. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng dù thực hiện bất cứ nhiệm vụ gì thì người quân nhân cũng cần phải có kiến thức, nhận thức về pháp luật và phải chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội. Chấp hành nghiêm điều lệnh, điều lệ, kỷ luật quân đội là nét đẹp riêng có của người quân nhân cách mạng. Để làm được điều đó, vai trò công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục các quy định, điều lệ trong quân đội có yếu tố quan trọng, quyết định đến nhận thức, thúc đẩy hành động tích cực của mỗi quân nhân.
 |
Đại tá Trương Mạnh Dũng.
|
Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, chúng tôi thực hiện tốt phương châm “linh hoạt, năng động, sáng tạo”; xây dựng các mô hình tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định, điều lệnh, điều lệ trong quân đội phù hợp, sát với trình độ văn hóa, nhận thức của bộ đội, sát với thực tiễn của đơn vị. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên, hằng năm, nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy quân đoàn đều xác định rõ các chủ trương, giải pháp lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật; bảo đảm an toàn, nhất là an toàn trong huấn luyện, an toàn trong tham gia giao thông. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và công tác phổ biến, giáo dục các quy định, điều lệnh, điều lệ trong quân đội nói riêng luôn được các cơ quan chức năng và các đơn vị gắn chặt với kết quả thực hiện cuộc thi ở cơ quan, đơn vị mình. Ngoài việc tuyên truyền, giáo dục theo kế hoạch, Bộ tư lệnh quân đoàn đã chỉ đạo các trung đoàn, lữ đoàn (đủ quân) tuyên truyền bằng nhiều hình thức, tác động trực tiếp đến tình cảm và nhận thức của bộ đội, như: Hội diễn văn nghệ quần chúng, diễn đàn, tọa đàm, trao đổi...; đồng thời, duy trì nghiêm túc, có chất lượng hoạt động của "Tổ tư vấn tâm lý, sức khỏe, pháp luật"; hoạt động "Ngày pháp luật" ở đơn vị cơ sở. Thực hiện có chất lượng mô hình "Mỗi tuần học một điều luật; mỗi ngày một câu hỏi pháp luật"; chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm nền nếp chế độ giao ban pháp luật ở các cấp; giao ban cụm địa bàn với các địa phương nơi đơn vị đóng quân để đánh giá kết quả và kịp thời rút kinh nghiệm về tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của bộ đội.
Do quán triệt và triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục, những năm vừa qua, Quân đoàn 1 đã không ngừng nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành pháp luật, kỷ luật và các nền nếp, chế độ theo quy định. Hiện nay, do làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nên tình hình tư tưởng, bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ trong quân đoàn bảo đảm ổn định vững chắc…
* Đại tá NGUYỄN VĂN TRỊ, Phó chính ủy Binh chủng Thông tin liên lạc:
Chú trọng giáo dục, quản lý kỷ luật ở các tổ, trạm lẻ
Công tác quản lý kỷ luật tại các tổ, trạm lẻ ở Binh chủng TTLL là một nhiệm vụ mang tính đặc thù, chịu sự chi phối, tác động của nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan. Với hàng trăm điểm đóng quân trên các tỉnh, thành phố, trong đó có hàng chục tổ, trạm lẻ đóng quân độc lập, xa vị trí chỉ huy và sự quản lý trực tiếp của các cấp nên công tác chỉ huy, điều hành, phổ biến, giáo dục pháp luật; duy trì nền nếp chế độ xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật là vô cùng khó khăn.
Cùng với đó, hầu hết địa bàn đóng quân của các tổ, trạm lẻ ở vùng sâu, vùng xa. Cơ sở vật chất bảo đảm cho sinh hoạt và thực hiện nhiệm vụ ở các tổ, trạm lẻ còn nhiều thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ phụ trách phần lớn là QNCN, trình độ, năng lực, kinh nghiệm, phương pháp tác phong công tác có mặt còn hạn chế. Việc thực hiện nhiệm vụ như tuần tra, bảo vệ tuyến cáp, khắc phục các sự cố thông tin rất nặng nề.
 |
Đại tá Nguyễn Văn Trị. |
Phân tích, đánh giá đúng thực tiễn, những năm qua, Binh chủng TTLL thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp thiết thực, như: Bố trí công tác phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, nhân viên hợp thức hóa gia đình, ổn định đời sống; quan tâm giải quyết đầy đủ chế độ, chính sách, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần để bộ đội yên tâm gắn bó xây dựng các tổ, trạm. Triển khai các hình thức giáo dục chính trị, phổ biến pháp luật phù hợp. Xây dựng nhiều mô hình thiết thực và nhân rộng trong các đơn vị thông tin toàn quân. Kết hợp tốt giữa kiểm tra thường xuyên với kiểm tra đột xuất. Tăng cường cán bộ trong những thời điểm khó khăn, nhạy cảm, nhiệm vụ nặng nề, phức tạp. Thông qua cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương để nắm, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của bộ đội. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý con người…
Đặc biệt, trong từng tổ, trạm lẻ, phải xây dựng tình đoàn kết, yêu thương đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi; cán bộ, nhân viên, chiến sĩ coi tổ trạm như gia đình, đồng chí, đồng đội như anh em ruột thịt. Quản lý, chỉ huy ở tổ, trạm không nặng về mệnh lệnh hành chính đơn thuần mà chú trọng tính tự giác trong thực hiện chế độ, nền nếp; chấp hành pháp luật, kỷ luật. Quan tâm, giáo dục trang bị kiến thức, kỹ năng sống cho nhân viên, chiến sĩ về phong tục, tập quán của địa phương; trong giao tiếp, ứng xử, giải quyết các mối quan hệ và có sức đề kháng trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, các tệ nạn xã hội.
* Đồng chí HÀ ĐĂNG, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương:
Kỷ luật nghiêm minh là phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ
Nói đến phẩm chất cao quý của Quân đội ta, chúng ta nhớ đến lời Bác Hồ căn dặn: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nói đến kỷ luật quân đội, chúng ta cũng nói đến một trong những đặc trưng hàng đầu của phẩm chất đặc biệt này.
Năm 1947, trả lời câu hỏi đời sống mới trong bộ đội nên như thế nào, Bác Hồ đáp: Bộ đội là một đoàn thể tổ chức nghiêm ngặt đã sẵn, càng dễ thực hành đời sống mới. Bác căn dặn 8 điều, trong đó, “Một là kỷ luật phải cực kỳ nghiêm”. Cũng tháng 3-1947, trong thư gửi Báo Vệ quốc quân, Người căn dặn 12 điều cần thực hiện, trong đó, điều số 1 là: "Mỗi việc đều phải theo mệnh lệnh cấp trên". Tháng 12-1947, kỷ niệm Ngày thành lập Giải phóng quân Việt Nam, Bác nói: "Vệ quốc quân, dân quân du kích phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng, cái đạo đức: trí, dũng, liêm, trung của Giải phóng quân".
 |
Đồng chí Hà Đăng.
|
Tháng 8-1948, nói chuyện với Hội nghị Quân sự lần thứ năm, về công tác của người tướng, Bác căn dặn 4 điều, điều thứ nhất là: "Đối với kỷ luật: Trong quân đội, mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm xuống tới mỗi đội viên. Chỗ nào mệnh lệnh không xuống tới thì chỗ đó hỏng", "Về kỷ luật, phải thưởng phạt cho công minh. Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt, ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ"
Tuy nhiên, khi nói kỷ luật là phẩm chất của quân đội thì cũng phải hiểu phẩm chất tuy rất quan trọng nhưng cũng chỉ là một mặt, không hoàn toàn đồng nhất với bản chất của quân đội. Bản chất của quân đội tùy thuộc rất nhiều vào bản chất thể chế chính trị của mỗi nước và tính chất cuộc chiến đấu (hay chiến tranh) mà quân đội đó tham gia.
Là người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng ta, người xây dựng nền cộng hòa dân chủ Việt Nam và mặt trận dân tộc thống nhất, là người Cha thân yêu của LLVT nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt coi trọng yếu tố kỷ luật để tạo sức mạnh của đội quân cách mạng. Chính vì thế, việc thực hiện kỷ luật nghiêm minh là một phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ.
Từ lúc Đảng ta phát động các phong trào học tập và làm theo Bác, từ Đại hội XII đến nay là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cho thấy, tất cả các phong trào trong quân đội đều nhằm mục tiêu xây dựng quân đội xứng danh Bộ đội Cụ Hồ; xây dựng các thành viên trong quân đội xứng danh là anh Bộ đội Cụ Hồ, trong đó yếu tố kỷ luật, những điều căn dặn của Người về kỷ luật quân đội luôn vừa là mục tiêu, vừa là động lực để xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Nhóm phóng viên QPAN (lược ghi)