Đặc thù trên là một trong những yếu tố thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hậu cần nghiên cứu, phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mô hình phục vụ huấn luyện, BĐHC cho SSCĐ và thực hiện nhiệm vụ thường xuyên của đơn vị.

Tham quan các sản phẩm tại Hội thi sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện hậu cần của Binh chủng TTLL, chúng tôi ấn tượng với các mô hình, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đều mang đậm đặc thù sinh hoạt của bộ đội TTLL. Những mô hình, sáng kiến đưa vào áp dụng góp phần khắc phục khó khăn trong công tác BĐHC cho huấn luyện, cơ động thực hiện nhiệm vụ, trong điều kiện địa bàn đóng quân phân tán, nhỏ lẻ. Đại tá Nguyễn Duy Phi, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 205, cho biết: "Các mô hình, sáng kiến, cải tiến đều xuất phát từ thực tiễn công tác BĐHC của đơn vị, như: Tủ đựng bát do Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) sản xuất, cán bộ, nhân viên lữ đoàn cải tiến, lắp thêm bóng điện halozen giúp sấy khô, lắp bộ phận hút ẩm, đèn tia cực tím để khử khuẩn bát, đũa. Chi phí làm sáng kiến rất nhỏ, nhưng việc bảo đảm an toàn vệ sinh được thực hiện triệt để... Từ đặc thù đóng quân phân tán, ở các tổ, trạm, có ít hoặc không có đất để trồng trọt, chăn nuôi, nên nhiều tổ, trạm TTLL đã sáng tạo mô hình trồng rau bằng những chậu nhựa nhỏ được gắn lên khung giá nhiều tầng. Nhờ đó, bộ đội có rau xanh cải thiện, đáp ứng một phần nhu cầu sinh hoạt của bộ đội".

Với thế mạnh về công nghệ thông tin, nhiều sáng kiến là phần mềm hướng dẫn, huấn luyện công tác BĐHC được ứng dụng công nghệ 2D, 3D, như phần mềm mô phỏng huấn luyện, khai thác vận hành sử dụng hệ thống bếp lò hơi cơ khí của Lữ đoàn 134. Thượng tá Nguyễn Quang Trùy, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 134, cho biết: “Những phần mềm này tạo thuận lợi trong công tác huấn luyện, vận hành và bảo đảm an toàn khi sử dụng trang thiết bị hậu cần, giúp bộ đội dễ nhớ, dễ hình dung về nguyên lý hoạt động, cách vận hành sản phẩm mới, chỉ cần được huấn luyện thông qua màn hình, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hậu cần có thể thao tác sử dụng ngay khi tiếp cận với sản phẩm”.

Mô hình bếp Hoàng Cầm cấp 1 trưng bày tại hội thi.

Yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi bộ đội thông tin phải thường xuyên cơ động, di chuyển, vì thế công tác BĐHC cũng khó khăn hơn nhiều. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Dương Lâm, Chủ nhiệm Chính trị Cục Hậu cần, Binh chủng TTLL, cho biết: “Nhiều sáng kiến, mô hình, trang thiết bị huấn luyện hậu cần phục vụ hoạt động dã ngoại và làm nhiệm vụ cơ động của binh chủng được phát hiện thông qua hội thi lần này. Những sản phẩm như: Mô hình hầm bán âm kết hợp thông tin, bộ dụng cụ cấp dưỡng và bếp cải tiến dã ngoại cho xe thông tin cơ động, thiết bị lọc nước bảo đảm cho dã ngoại, tủ lưu nghiệm thức ăn dã ngoại… đều mang tính ứng dụng cao. Thực tế cho thấy, các đơn vị nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm này đã ứng dụng vào thực tiễn và cho kết quả tốt, giúp công tác hậu cần thuận tiện, nhanh chóng hơn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị”.

Bên cạnh những sáng kiến hậu cần phục vụ đời sống bộ đội, những mô hình, sáng kiến cải tiến kỹ thuật còn tập trung phục vụ công tác huấn luyện, quản lý của đơn vị, như phần mềm quản lý doanh trại trên nền bản đồ 3D, phần mềm kế hoạch quản lý phương tiện sử dụng xăng dầu… Áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý sẽ giúp chỉ huy đơn vị dễ dàng hơn trong việc nắm bắt, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ và xử lý kịp thời những tình huống phát sinh.

Hàng chục sáng kiến, cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện hậu cần của các đơn vị thuộc Binh chủng TTLL đã được áp dụng thực tế và có tính ứng dụng cao. Thông qua hội thi lần này, những sản phẩm tiêu biểu, có chất lượng tốt sẽ được tiếp tục đầu tư để hoàn thiện và nhân rộng, phục vụ công tác hậu cần trong toàn binh chủng.

Bài và ảnh: HÀ MY