Đã trở thành thói quen, hằng ngày, trước khi nấu cơm, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mê đều bớt lại từ khẩu phần ăn của mình một ít gạo bỏ vào "Hũ gạo nghĩa tình đồng đội". Với cách làm này, 8 năm qua, cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn đã tiết kiệm hơn 7 tấn gạo, tương đương gần 70 triệu đồng. Số tiền này đơn vị dành cho việc động viên, thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình cán bộ, chiến sĩ hoàn cảnh khó khăn, gặp thiên tai, hoạn nạn.
Binh nhất Lê Hồng Quân, chiến sĩ Trung đội Bộ binh, Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mê, có bố không may bị tai nạn qua đời, điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Để góp phần giúp Quân yên tâm công tác, đơn vị đã trích 5 triệu đồng từ "Hũ gạo nghĩa tình đồng đội" ủng hộ, động viên gia đình vơi bớt khó khăn.
    |
 |
Đại diện Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Ình ở phường Quảng Đông, TP Thanh Hóa. |
Được biết, mô hình “Hũ gạo nghĩa tình đồng đội" của Tiểu đoàn Hỗn hợp đảo Mê triển khai thực hiện năm 2013 và đã có hơn 35 lượt cán bộ, chiến sĩ được hỗ trợ từ mô hình này với mức từ 500.000 đồng trở lên. Những món quà tuy không lớn nhưng đó là sự động viên, tạo động lực để cán bộ, chiến sĩ đơn vị vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Không chỉ có "Hũ gạo nghĩa tình đồng đội" mà nhiều mô hình như: “Tiếp kiệm phụ cấp giúp đỡ gia đình”, “Búp măng vàng”, “Lục lạc vàng”, “Học Bác từ việc nhỏ”... hay phong trào giúp đỡ các địa phương xây dựng nông thôn mới được các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT tỉnh Thanh Hóa hưởng ứng, thực hiện hiệu quả.
Đóng quân ở phía tây tỉnh Thanh Hóa, đời sống cán bộ, nhân viên Ban CHQS huyện Mường Lát gặp không ít khó khăn. Học tập, làm theo tấm gương Bác Hồ, Ban CHQS huyện đã xây dựng mô hình “Học Bác từ việc nhỏ”. Theo đó, mỗi tháng sau khi nhận lương, cán bộ, chiến sĩ tự giác đóng góp từ 20.000 đến 50.000 đồng vào quỹ. Số tiền từ mô hình “Học Bác từ việc nhỏ”, Ban CHQS huyện ủng hộ, giúp đỡ những gia đình quân nhân hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn và các gia đình chính sách trên địa bàn đóng quân.
Đại úy Vi Văn Đức, trợ lý dân quân, Ban CHQS huyện Mường Lát, chia sẻ: “Trận lũ lịch sử năm 2019 đã cuốn trôi nhà cửa và tài sản khiến cuộc sống sau lũ của gia đình tôi hết sức khó khăn. Số tiền 8 triệu đồng từ mô hình "Học Bác từ việc nhỏ" đơn vị hỗ trợ đã giúp gia đình tôi giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”.
Còn ở Ban CHQS huyện Như Thanh, việc học tập và làm theo Bác được đông đảo cán bộ, chiến sĩ tích cực hưởng ứng. Trong 4 năm, đơn vị đã vận động, quyên góp được 100 triệu đồng và hàng nghìn ngày công giúp 4 thôn của các xã: Xuân Phúc, Xuân Khang, Phú Nhuận, Thanh Kỳ làm đường bê tông; thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn...
Tại Ban CHQS huyện Yên Định có mô hình “Lục lạc vàng” trao bò giống tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hằng tháng, Ban CHQS huyện kêu gọi cán bộ, chiến sĩ cơ quan và dân quân tự vệ, dự bị động viên tự giác đóng góp, ủng hộ thực hiện mô hình. Đến nay, sau 9 năm thực hiện mô hình, Ban CHQS huyện đã trao hàng chục con bò tặng các hộ nghèo trên địa bàn, góp phần giúp bà con từng bước thoát nghèo.
Đặc biệt, việc học tập và làm theo Bác còn được cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Thanh Hóa gắn với những thói quen hằng ngày theo phương châm “mỗi ngày làm một việc tốt” như: Tăng gia sản xuất vào cuối giờ chiều tất cả các ngày trong tuần, trồng rau xanh, nuôi gà, lợn để cải thiện bữa ăn; trồng cây, dọn vệ sinh trụ sở đơn vị; sử dụng tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm... “Hiệu quả việc học tập và làm theo Bác đã tạo sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động đối với mọi cán bộ, chiến sĩ trong LLVT tỉnh.
Chính từ những việc làm cụ thể trong học tập và làm theo Bác đã giải quyết các khâu yếu, việc khó ở mỗi cơ quan, đơn vị, góp phần để LLVT hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đồng thời thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết quân dân”, Đại tá Lê Văn Trung, Chính ủy Bộ CHQS Thanh Hóa khẳng định.
Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG