Theo Thượng úy Nguyễn Thành Nhân, Trợ lý quần chúng, Trung tâm Huấn luyện Vùng 4 (Quân chủng Hải quân), nhiều sĩ quan trẻ có gia đình phải thuê nhà ở ngoài vì nhà công vụ của đơn vị lúc nào cũng kín người ở. Với chế độ tiền lương như hiện tại, so với mặt bằng giá cả tại tỉnh Khánh Hòa, cơ bản quân nhân chỉ đủ chi tiêu mà không có tích lũy, còn nghĩ đến có mảnh đất để làm nhà là điều xa vời. Để thay đổi và nâng cao chất lượng đời sống gia đình hậu phương quân nhân, đã có nhiều chính sách hỗ trợ xây nhà như: Làm nhà tình nghĩa, nhà đồng đội... Tuy nhiên, những chính sách này đều hướng đến quân nhân đã có đất ở riêng. Do đó, sẽ khó đáp ứng được nhiều cho nhu cầu chung của đại đa số quân nhân. Vì vậy, trong thời gian tới, được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai xây nhà công vụ đáp ứng nhu cầu nhà ở của gia đình quân nhân.

leftcenterrightdel
Khu nhà công vụ của Lữ đoàn Tăng thiết giáp 405 (Quân khu 3). Ảnh: qdnd.vn 

 

Còn Thiếu tá Võ Chí Sơn, Trợ lý trinh sát, Ban Tham mưu, Trung đoàn Bộ binh cơ giới 48, Sư đoàn 320 (Quân đoàn 3) chia sẻ: “Tôi may mắn thuê được nhà của đồng đội cùng đơn vị nên đỡ được phần nào chi phí sinh hoạt. Tuy nhiên, chi phí thuê nhà vẫn là gánh nặng lớn đối với gia đình quân nhân do không ổn định, thu nhập thấp, nếu vợ không có việc làm càng tăng thêm gánh nặng. Nếu tăng lương thì mới chỉ hỗ trợ phần nào về cuộc sống sinh hoạt đời thường. Tôi nghĩ, với một số đơn vị, địa phương có quỹ đất lớn nên hỗ trợ phần nào về đất ở cho bộ đội bằng cách hỗ trợ giá, ưu tiên những sĩ quan trẻ có gia đình nhưng chưa có nhà ở, đất ở. Như vậy, sẽ giảm áp lực với tổ chức, tạo chính sách chung cho tất cả quân nhân yên tâm công tác, cống hiến”.

VŨ DUY

------

Nhà ở là một trong những nhu cầu hàng đầu

Nhà ở là nhu cầu hàng đầu của mọi người dân nói chung nên mới có câu “an cư lạc nghiệp”. Trước đây, do điều kiện chiến tranh, bộ đội đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc, chưa có điều kiện nghĩ đến việc nhà ở mà do hậu phương gia đình tự lo liệu là chính. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước rồi bước vào thời kỳ đổi mới, việc quan tâm đến nhà ở cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng đã được mở ra. Chia đất, phân nhà chủ yếu ở đô thị, quanh doanh trại cũng là một giải pháp cơ bản ban đầu. Khi quân đội tinh giản biên chế có phân phối vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng cho cán bộ về quê làm nhà cũng là biện pháp tình thế. Tiếp theo là xây nhà công vụ, xây nhà phân phối chính sách xã hội, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu liên tục phát triển của quân đội một cách cơ bản, lâu dài... Quỹ đất trong quân đội hết dần, nhà ở cũng không còn mãi để phân, rất nhiều quân nhân gặp khó khăn về nhà ở.

Chính sách về nhà ở đã được quy định rõ trong Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng. Thế nhưng đến nay, hai đối tượng này vẫn chưa được hưởng phụ cấp nhà ở; số được hỗ trợ về nhà ở xã hội và được mượn, thuê nhà công vụ cũng rất ít. Thực tế này kéo dài đã lâu mà chưa giải quyết được, khiến quân nhân gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải tập trung nghiên cứu giải quyết cơ bản, lâu dài để bảo đảm công bằng về nhà ở cho các đối tượng đã nêu. Trước hết là quy hoạch nhà ở công vụ cho các cơ quan, đơn vị đóng quân ổn định, lâu dài để giải quyết chỗ ở cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng. Đồng thời, phải đưa trợ cấp nhà ở thành một khoản trợ cấp cho các đối tượng theo thời gian công tác từng giai đoạn để có thể mua nhà, thuê nhà ở, bảo đảm sự công bằng chung cho mọi đối tượng. Chính phủ cần xây dựng, ban hành văn bản cụ thể để giải quyết cơ bản, lâu dài vấn đề nhà ở, tạo điều kiện cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng yên tâm công tác, ổn định cuộc sống.

Thiếu tướng HOÀNG KIỀN

(nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh)

--------

Chung tay để đồng đội có mái ấm

Sau gần một năm triển khai thực hiện, đến nay, Bộ CHQS tỉnh Cà Mau đã vận động, quyên góp được hơn 800 triệu đồng, xây tặng 18 căn nhà “Mái ấm đồng đội” (mỗi ngôi nhà hỗ trợ từ 40 đến 60 triệu đồng). Ngoài ra, từ các nguồn kinh phí của Bộ Quốc phòng, Quân khu 9 đã hỗ trợ xây mới 10 căn “Nhà tình nghĩa”, “Nhà đồng đội” trị giá hơn 500 triệu đồng tặng các đối tượng chính sách và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Đặc biệt, Bộ CHQS tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức lực lượng đến hỗ trợ, giúp đỡ về ngày công... Tuy số tiền ủng hộ chưa phải là nhiều nhưng phần nào giúp đồng chí, đồng đội ổn định cuộc sống, yên tâm công tác. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động, quyên góp trong cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, tạo nguồn quỹ để hỗ trợ thêm cho các đồng chí còn khó khăn về nhà ở. Chúng tôi phấn đấu mỗi năm ít nhất có 14 trường hợp trở lên được giúp đỡ, với mức hỗ trợ từ 40 đến 60 triệu đồng/căn nhà, tùy thuộc vào hoàn cảnh và nhu cầu của mỗi gia đình. Để hỗ trợ xây nhà đúng “địa chỉ”, các cơ quan, đơn vị phối hợp với địa phương khảo sát, xét duyệt cụ thể từng trường hợp. Đặc biệt, công tác thanh tra, giám sát, nghiệm thu chất lượng công trình cũng phải được thực hiện nghiêm túc, không để thất thoát, làm mất lòng tin của các cá nhân, tập thể đã hết lòng ủng hộ.

Đại tá LÊ QUANG LUẬT

(Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Cà Mau)