Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới thì CTKT cần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng.
Bài 1: Đòn bẩy thúc đẩy ngành kỹ thuật phát triển
Thượng tướng Trương Quang Khánh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng "bật mí" rằng: Nghị quyết 382 ra đời là sự ấp ủ, nung nấu của nhiều thế hệ lãnh đạo Tổng cục Kỹ thuật, bởi những năm đầu thế kỷ 21, CTKT và ngành kỹ thuật bộc lộ những hạn chế, với nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải được khắc phục, tháo gỡ để có sự chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn
Trước năm 2007, hệ thống ngành kỹ thuật toàn quân đã được quan tâm xây dựng, kiện toàn, phát triển khá toàn diện; cơ chế quản lý chỉ đạo, phương thức bảo đảm kỹ thuật ngày càng hoàn thiện, CTKT bước đầu vào nền nếp chính quy. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, hơn nữa, với thực trạng hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) của Quân đội ta lúc đó thì CTKT chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Ví dụ như ở Quân khu 7, vào thời điểm năm 2007 cần xây dựng mới 112 nhà kho kỹ thuật; các cơ sở sửa chữa chưa hoàn thiện; cơ sở huấn luyện kỹ thuật còn nhiều hạn chế, trang thiết bị, mô hình học cụ vừa thiếu vừa lạc hậu; đội ngũ cán bộ kỹ thuật so với biên chế thiếu gần 11% (qua đào tạo cơ bản, có trình độ cao đẳng, đại học chỉ đạt hơn 45%), thiếu cả thợ kỹ thuật bậc cao, thợ lành nghề...
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật cho biết: Trước năm 2007, CTKT, ngành kỹ thuật đứng trước nhiều thách thức, khó khăn khi Quân đội ta còn trong biên chế nhiều chủng loại VKTBKT thế hệ cũ từ những năm chiến tranh, đã quá hạn sử dụng nhiều năm, điều kiện cất giữ, bảo quản chưa tốt; trong khi đó, ngân sách bảo đảm hạn hẹp, thiếu vật tư kỹ thuật; nguồn viện trợ quân sự của các nước bạn không còn. Đã có nhiều loại VKTBKT không được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời, xuống cấp, thiếu đồng bộ nghiêm trọng. Năng lực của các cơ sở kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các nhà máy, trạm, xưởng chưa đủ năng lực sửa chữa các loại VKTBKT công nghệ cao; khả năng sửa chữa cơ động thấp. Các cơ sở nghiên cứu khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự chức năng còn chồng chéo; nhiều nghiên cứu chưa gắn với thực tiễn CTKT của các đơn vị nên thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, nhận thức, trách nhiệm và sự quan tâm của một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị đối với CTKT chưa đúng mức. Do vậy, tổ chức ngành kỹ thuật chưa được thống nhất, gây khó khăn cho công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện; sự phối hợp giữa các chuyên ngành kỹ thuật, các cơ quan, các ngành nghiệp vụ thiếu chặt chẽ.
Theo Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, trước năm 2007, Quân đội được Đảng, Nhà nước đầu tư một số vũ khí, khí tài hiện đại nhưng việc khai thác làm chủ chậm; linh kiện thay thế và công tác sửa chữa phụ thuộc nhiều vào nước ngoài; các nhà máy công nghiệp quốc phòng trong nước mới chỉ sản xuất nhỏ, chủ yếu là vũ khí trang bị bộ binh... Chính vì vậy, Nghị quyết 382 ra đời là sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy Quân sự Trung ương nhằm “vực dậy” ngành kỹ thuật đang gặp nhiều khó khăn, bất cập, góp phần bảo đảm kỹ thuật cho các nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới.
 |
Bảo quản định kỳ xe thu phát tại Tiểu đoàn 62, Trung đoàn 236 (Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không-Không quân). |
Mục tiêu cụ thể, triển khai sâu rộng
Thượng tướng Trương Quang Khánh kể: "Nhờ tiến hành công tác chuẩn bị công phu, bài bản, có hệ thống nên dự thảo Nghị quyết 382 được Đảng ủy Quân sự Trung ương đồng thuận và biểu quyết thông qua. Tổng cục Kỹ thuật nhanh chóng xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện nghị quyết và đề xuất với Đảng ủy Quân sự Trung ương tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt, hướng dẫn các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn quân triển khai thực hiện”.
Nghị quyết 382 xác định 3 mục tiêu, 4 quan điểm chỉ đạo và 8 nhiệm vụ, giải pháp chính đối với việc lãnh đạo CTKT trong tình hình mới; trong đó đặc biệt nhấn mạnh: Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả CTKT nhằm bảo đảm kịp thời, đầy đủ VKTBKT có chất lượng tốt, đồng bộ cho lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc; tạo được sự chuyển biến cơ bản, toàn diện về nhận thức, tổ chức, hệ thống cơ sở kỹ thuật và cơ chế quản lý, chỉ đạo CTKT. Xây dựng ngành kỹ thuật vững mạnh, tinh gọn, thống nhất, đồng bộ và hiệu quả, phù hợp với tổ chức lực lượng Quân đội trong tình hình mới.
Sau khi có Nghị quyết 382, Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng quan tâm, ưu tiên bảo đảm ngân sách đặc biệt và nhiều nguồn ngân sách khác cho CTKT. Tổng cục Kỹ thuật là Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 382 đã tích cực hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện; đặc biệt là tham mưu xây dựng 9 Chương trình thực hiện Nghị quyết 382 với 7 đề án hoàn thiện lý luận về tổ chức và xây dựng ngành kỹ thuật; 2 dự án quy hoạch tổng thể cơ sở bảo đảm kỹ thuật; 22 kế hoạch dài hạn và xây dựng cụ thể các mục tiêu trọng tâm cần đạt được theo từng năm. Các cấp ủy đảng trong toàn quân đều ra nghị quyết chuyên đề, ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết. Quá trình triển khai, nhiều nơi đã có những cách làm sáng tạo, gắn thực hiện Nghị quyết 382 với các phong trào thi đua và thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”; tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đảng viên và quần chúng trong toàn quân đối với CTKT...
Thượng tá Trần Trung Kiên, Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân cho biết: Thực hiện Nghị quyết 382, định kỳ, từng giai đoạn, các đơn vị trong quân chủng tổ chức kiểm điểm đánh giá kết quả lãnh đạo CTKT và các chương trình, mục tiêu của nghị quyết, xác định phương hướng lãnh đạo trong thời gian tới sát với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tập trung vào một số nội dung chính: Nâng cao chất lượng nghiên cứu lý luận về CTKT phòng không-không quân; quy hoạch, sử dụng VKTBKT; bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí trang bị; quy hoạch, đầu tư nâng cấp hệ thống kho tàng, cơ sở bảo đảm kỹ thuật; xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật; nghiên cứu khoa học...
Với sự chung tay vào cuộc, triển khai đồng bộ, quyết liệt, có thể khẳng định, Nghị quyết 382 đã tạo nên diện mạo mới cho ngành kỹ thuật. Những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà nghị quyết xác định chính là cơ sở quan trọng nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả CTKT trong toàn quân, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.
(còn nữa)
Bài và ảnh: SƠN BÌNH