QĐND - Sau những thất bại liên tục trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, kế hoạch Na-va nguy cơ bị phá sản, tháng 12-1953, Na-va quyết định rút lực lượng khỏi Lai Châu về Điện Biên Phủ, đồng thời gấp rút tăng cường lực lượng, phương tiện chiến tranh xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, nhằm ngăn chặn lực lượng của ta từ Đồng bằng Bắc Bộ lên và khống chế lực l­ượng từ Thư­ợng Lào xuống, thu hút lực lượng ta lên giao chiến theo quy ­ước mà Pháp đã tính sẵn.

Về phía ta, sau khi phân tích tình hình Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định tập trung lực lượng mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại hình thức phòng ngự cao nhất của địch, giành thắng lợi quyết định cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, giải phóng toàn bộ Tây Bắc. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, ta mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm (từ 13-3 đến 7-5-1954), quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định dẫn đến Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở miền Bắc Việt Nam.

Bộ đội ta đánh chiếm hầm tướng Đờ Cát, cứ điểm cuối cùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu.

Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi đã thể hiện sâu sắc nghệ thuật phát huy sức mạnh của tác chiến hiệp đồng binh chủng, tập trung ưu thế binh hỏa lực tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, phá vỡ từng mảng phòng ngự, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đó là nghệ thuật vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, chủ động khắc phục khó khăn bảo đảm hậu cần kỹ thuật… Một trong những điển hình là nghệ thuật thực hiện cách đánh hiểm, nhằm phát huy thế mạnh của ta, khoét sâu chỗ yếu của địch.

Tại Điện Biên Phủ, địch bố trí 49 cứ điểm, khoanh thành 8 cụm cứ điểm, được chia thành 3 phân khu: Trung tâm, Bắc và Nam, mỗi cứ điểm, phân khu vừa có sức đề kháng độc lập, vừa có thế chi viện hỗ trợ cho nhau khi bị tiến công. Để đánh bại tập đoàn phòng ngự của địch với quân số đông, hỏa lực mạnh, hệ thống trận địa phòng ngự liên hoàn vững chắc và rộng lớn, ta đã thay đổi phương châm “từ đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” với cách đánh sáng tạo. Trong chiến dịch, ta dựa vào hệ thống trận địa, thực hành vây hãm kết hợp với đột phá lần lượt có trọng điểm từ ngoài vào trong; kết hợp đánh chính diện với các mũi thọc sâu, luồn sâu, tạo thế chia cắt; kết hợp các đợt đánh lớn và thường xuyên vây lấn ngày càng siết chặt vòng vây từng cụm cứ điểm và tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế trận liên hoàn của chúng, tiêu diệt từng bộ phận, làm suy yếu, tạo thời cơ thực hành tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Ngay từ tháng 12-1953, ta đã thực hành bao vây địch về chiến dịch, chốt trên các ngả đường Lai Châu - Điện Biên, Tuần Giáo - Điện Biên, Điện Biên - Sốp Nao, Thượng Lào; chốt chặn cả hai đầu con đường độc đạo Bắc-Nam dọc cánh đồng Mường Thanh, từ Bản Tấu đến Pom Lót, đào hàng trăm ki-lô-mét giao thông hào và công sự bao quanh phân khu, ngày càng siết chặt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, khống chế không phận, triệt đường tiếp tế của địch.

Trong chiến dịch, ta mở ba đợt tiến công. Đợt 1 từ ngày 13-3 đến 17-3-1954, ta tiến công địch ở phân khu phía Bắc, đã tiêu diệt 2 cứ điểm đồi Độc Lập, Him Lam, làm tan rã địch ở Bản Kéo, phá vỡ hệ thống phòng ngự của địch ở phía Bắc, đưa chủ lực ta áp sát trung tâm tập đoàn cứ điểm Mường Thanh. Chuẩn bị cho đợt tiến công tiếp theo, các lực lượng của ta thực hành vây lấn, đào hàng trăm cây số giao thông hào và chiến hào, hình thành một thế trận bao vây vững chắc và tiến công hoàn chỉnh, quy mô từ cấp đại đoàn đến các đại đội và ngày càng phát triển vào khu trung tâm Mường Thanh siết chặt yết hầu quân địch, cắt rời từng cứ điểm, cụm cứ điểm quân địch. Trong quá trình thực hành vây lấn, kết hợp với đột phá đánh chiếm từng cứ điểm, cụm cứ điểm, ta tổ chức lực lượng đột phá trên chính diện, bên sườn, sử dụng các phân đội thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu bên trong, tạo thành thế xen kẽ với địch. Đợt 2 từ ngày 30-3 đến 30-4-1954, các đại đoàn chủ lực của ta tiến công một số điểm cao ở phía đông và phía bắc sân bay Mường Thanh và một số điểm cao khác. Sau khi ta làm chủ một số điểm cao D1, D2, E, 311, 106…, để tạo điều kiện phát triển vào khu trung tâm Mường Thanh, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương tổ chức các lực lượng nhỏ, hoạt động rộng rãi dưới hình thức đánh lấn, lần lượt đánh chiếm từng ụ đề kháng, tiêu diệt thêm một số vị trí của địch, tổ chức các đội dũng sĩ luồn sâu vào bên trong đánh phá kho tàng, bắt tù binh, tập kích các vị trí địch. Ta còn tổ chức các tổ bắn tỉa, tổ đoạt dù tiếp tế, những đội hỏa lực cơ động hoạt động rộng khắp, thường xuyên tiêu hao sát thương sinh lực địch, làm cho chúng luôn lo sợ, căng thẳng, tinh thần suy sụp, tuyệt vọng. Đồng thời, ta cơ động một số phân đội hỏa lực phòng không tiến sâu vào cánh đồng Mường Thanh khống chế không phận, sử dụng các loại hỏa lực bắn máy bay địch bay thấp, buộc chúng phải thả dù từ độ cao xuống nên không chính xác, phần lớn số dù tiếp tế rơi vào trận địa của ta. Từ trung tuần tháng 4-1954, ta đã từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường, sân bay Mường Thanh bị ta cắt đứt từ hai hướng đông và tây, tiến đến hoàn toàn khống chế sân bay, khu trung tâm đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta. Đợt 3 từ ngày 1-5 đến 7-5-1954, ta tiếp tục phát triển trận địa bao vây tiến công, chia cắt, thu hẹp khu trung tâm Mường Thanh của địch còn khoảng 2km2, các đại đoàn 308, 312, 316 lần lượt tiêu diệt các cứ điểm C1, 505, 505A, 311A, 311B, C2, A1. Ngày 7-5-1954 ta thực hành tổng công kích, đúng 17 giờ 30 phút ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, nghệ thuật thực hiện cách đánh vây hãm kết hợp với đột phá vẫn còn nguyên giá trị, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, kế thừa và phát triển. Vận dụng bài học Chiến dịch Điện Biên Phủ vào tổ chức trong tác chiến phòng thủ, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới có ý nghĩa đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá Đào Văn Đệ