Tại lễ chào cờ ở Trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp, sau phần nhận xét tình hình tháng, Đại tá Hoàng Trung Kiên, Hiệu trưởng, thông báo về những đơn thư phản ánh trong hòm thư góp ý tháng qua, theo đó chỉ có duy nhất một lá thư phản ánh về công tác thi đua. Một học viên phản ánh với hiệu trưởng việc có học viên học tập kết quả cao, nhưng vừa vi phạm kỷ luật, uống rượu say mà vẫn được chỉ huy đại đội "ưu ái" đưa vào bình xét danh hiệu chiến sĩ thi đua. Hiệu trưởng giao cho cơ quan chính trị khẩn trương kiểm tra sự việc.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Vũ Văn Công, Trưởng phòng Tham mưu-hành chính nhà trường phân tích những đổi mới trong sử dụng hòm thư góp ý ở đơn vị. Trước đây, mặc dù theo quy chế dân chủ ở cơ sở, các đơn vị đều có hòm thư góp ý, từ cấp đại đội trở lên. Cấp nhà trường cũng có hòm thư, nhưng rất hiếm khi có thư góp ý. Từ năm 2005, hiệu trưởng yêu cầu hòm thư góp ý được đặt ở vị trí tương đối thuận lợi, "tế nhị" cho người góp ý. Cứ hai ngày một lần hòm thư được mở, người góp ý không cần phải ghi rõ tên, địa chỉ trong thư.
Theo Đại tá Nguyễn Duy Môn, Chính ủy nhà trường: Tuy thư góp ý không ghi rõ họ tên, địa chỉ người viết, nhưng các nội dung phản ánh đều cơ bản đúng sự thật. Nhiều sự việc như: học viên "vượt rào" đi chơi, hút thuốc lá, uống rượu bia say… đã được phát hiện, kiểm điểm, xử lý, ngăn chặn nhờ hòm thư góp ý. Hòm thư góp ý còn trở thành "mệnh lệnh không lời" giúp học viên rèn luyện nghiêm, cán bộ gương mẫu hơn; nhiều vướng mắc được giải quyết kịp thời. Ba năm qua, Trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp không có đơn thư khiếu kiện, tố cáo vượt cấp.
"Công khai hóa và nhìn thẳng vào sự thật"- đó là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong các hoạt động của nhà trường. Với quan niệm "cán bộ là cái gốc của công việc", lãnh đạo, chỉ huy nhà trường còn đặt ra yêu cầu dân chủ từ việc xây dựng đội ngũ cán bộ từ tiểu đội trưởng trở lên. Học viên Mai Xuân Tuân, ở Phân đội 2 cho rằng, cách chọn cán bộ tiểu đội của nhà trường rất dân chủ. Đội ngũ "đầu binh cuối cán" này gần gũi bộ đội nhất, nên phải được anh em "tâm phục khẩu phục". Hằng năm, nhà trường đều chỉ đạo các đơn vị bầu tiểu đội trưởng, tiểu đội phó, tránh xảy ra hiện tượng ê-kíp, cục bộ...
Tại căng-tin của nhà trường, mọi hàng hóa, từ chiếc phong bì, cây bút bi… đều được niêm yết giá bằng hoặc rẻ hơn giá thị trường. Như thế, mặc dù lãi ít hơn, nhưng mặt lợi là giúp anh em học viên yên tâm dùng nhu yếu phẩm ngay tại đơn vị, không phải ra ngoài thị xã mua hàng, vừa xa, vừa tốn kém, dễ dẫn đến mất an toàn giao thông. "Tiệm cắt tóc" của nhà trường với giá rất "mềm", chỉ 3.000 đồng/lượt; bể bơi, sân ten-nít, ban giám hiệu chỉ đạo "của bộ đội phải dành cho bộ đội", không kinh doanh, cho người ngoài nhà trường vào thuê, sử dụng…
Câu chuyện mà chúng tôi ghi lại ở Trường sĩ quan Tăng - Thiết giáp về sử dụng hòm thư góp ý và thực hiện chế độ công khai là những thiết chế dân chủ thiết thực phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật quân đội.
NGUYÊN MINH - TRẦN DANH