Để có được kết quả này, trung đoàn đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, nhất là thực hiện hiệu quả phương châm “4 dễ” trong huấn luyện (dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu và dễ vận dụng).
Chúng tôi khá ấn tượng khi được chứng kiến cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141 (Quân đoàn 1) huấn luyện nội dung võ tay không. Đầu giờ sáng mùa hè, thời tiết oi nồng khiến lưng áo bộ đội đẫm mồ hôi. Đại úy Phùng Văn Chương, Đại đội trưởng Đại đội 6 hô khẩu lệnh và bộ đội tập các động tác võ tương đối đều, đẹp, nhưng thi thoảng anh lại cho bộ đội dừng tập bởi vài chiến sĩ tập chưa chuẩn động tác. Mỗi lần như thế, Đại đội trưởng Chương lại gọi đội mẫu lên trước hàng quân để vào vai "địch" và "ta", người đánh-người đỡ hoặc tránh đòn. Qua động tác mẫu, phân tích từng cử động và giải thích vì sao phải có động tác chuẩn như vậy, Đại úy Phùng Văn Chương đã giúp chiến sĩ thấy rõ nếu động tác võ không chuẩn thì không thể đánh thắng đối phương. Từ đó, các chiến sĩ tập đúng động tác hơn.
 |
Cán bộ Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) làm mẫu động tác khi huấn luyện nội dung võ tay không. |
Trò chuyện với chúng tôi trong giờ nghỉ giải lao, Đại úy Phùng Văn Chương cho biết: “Làm mẫu để bộ đội quan sát là một trong những biện pháp thực hiện "4 dễ" trong huấn luyện. Để giúp bộ đội dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu và dễ vận dụng, trước khi tổ chức huấn luyện, cán bộ phải thục luyện giáo án, thông qua bài giảng và phải nắm chắc nội dung, vì có nắm chắc được nội dung thì mới hình thành được phương pháp huấn luyện phù hợp, hiệu quả. Quá trình huấn luyện, đơn vị yêu cầu coi trọng hình ảnh trực quan, động tác thực hành, làm mẫu để bộ đội dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Nội dung huấn luyện tránh dàn trải chung chung mà phải tập trung huấn luyện kỹ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, có ví dụ, liên hệ thực tiễn. Chúng tôi chỉ cho bộ đội ghi chép những nội dung thật sự cần thiết, tăng cường thời gian luyện tập và kiểm tra để bộ đội có ý thức tự giác học tập, đồng thời hạn chế dùng những câu từ khiến bộ đội khó hiểu”.
Thiếu tá Nguyễn Hoàng Anh, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn 2-người đoạt giải nhất hội thi cán bộ giảng dạy chính trị và báo cáo viên giỏi năm 2022 của Trung đoàn 141, chia sẻ: “Thực hiện phương châm “4 dễ” trong huấn luyện do sư đoàn đề ra, khi huấn luyện, giáo dục bộ đội cũng như lúc thi giảng dạy chính trị và báo cáo viên, tôi luôn cố gắng truyền đạt nội dung sao cho người nghe dễ hiểu, dễ nhớ nhất”.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, trước đây, một số cán bộ khi huấn luyện thường nặng về lý thuyết, dùng câu từ kiểu “hàn lâm”, cho bộ đội ghi chép dài dòng, không có trọng tâm, trọng điểm khiến bộ đội khó hiểu, khó tiếp thu, vận dụng. Qua thực tế kiểm tra và tiếp thu ý kiến của chiến sĩ trong các hội nghị rút kinh nghiệm về công tác huấn luyện, giáo dục chính trị, lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 312 yêu cầu đội ngũ cán bộ thực hiện phương châm “4 dễ” trong huấn luyện và Trung đoàn 141 đã quán triệt, có nhiều biện pháp để hiện thực hóa phương châm này, xác định đây là một khâu đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện. Từ đó, trình độ tổ chức chỉ huy, thực hành huấn luyện của đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt. Bộ đội nắm chắc nội dung huấn luyện và biết vận dụng vào thực hiện các nhiệm vụ hơn. Qua kiểm tra công tác huấn luyện, SSCĐ và cuộc thi “Dân chủ, điều lệnh, kỷ luật, an toàn” giai đoạn 1 năm 2022, Trung đoàn 141 có 100% đạt yêu cầu, trong đó gần 83% khá, giỏi, đơn vị an toàn tuyệt đối.
Thượng tá Phùng Xuân Tùng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 141 khẳng định: “Phương châm “4 dễ” trong huấn luyện được đội ngũ cán bộ quán triệt và phấn đấu thực hiện nên phương pháp huấn luyện ngày càng khoa học, phù hợp với trình độ nhận thức của bộ đội, giúp chiến sĩ nắm nội dung tốt hơn. Nhờ đó, chất lượng huấn luyện, SSCĐ của đơn vị được nâng lên, giữ được sự đồng đều vững chắc”.
Bài và ảnh: ĐÀO NGỌC LÂM