Xác định rõ vai trò của dinh dưỡng

Chúng tôi cùng Thượng tá, TS Phạm Đức Minh, Chủ nhiệm BM-KDD, BVQY 103 xuống khu chế biến bữa ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Anh Minh nâng chai súp thành phẩm trong tay, nói với chúng tôi: "Nhìn chai súp tưởng đơn giản thế này nhưng để tạo ra nó là cả một quá trình nghiên cứu, phân tích thành phần dinh dưỡng rất kỹ lưỡng và nghiêm túc. Hiện nay, suy dinh dưỡng bệnh viện rất phổ biến trong đời sống xã hội. Ở nước ta, hiện tượng suy dinh dưỡng năng lượng và protein (suy mòn cơ thể) thường gặp ở 20-50% người bệnh. Đây là nguy cơ làm tăng các loại bệnh tật, tăng tỷ lệ tử vong, giảm chất lượng cuộc sống, kéo dài thời gian nằm viện, gây tốn kém trong điều trị...".

Bằng kiến thức chuyên sâu về dinh dưỡng, anh Minh kết luận: "Có thể hiểu dinh dưỡng chính là một phần quan trọng của công tác điều trị, không làm tốt khâu dinh dưỡng thì mọi phác đồ điều trị đều bị giảm hiệu quả, thậm chí vô hiệu...". 

Chỉ huy Bộ môn-Khoa Dinh dưỡng trao đổi với chuyên gia nước ngoài trong điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

Nhận thấy rõ thực tế đó, để nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân, từ nhiều năm nay, các thầy thuốc BM-KDD đã tích cực nghiên cứu để bảo đảm các suất ăn bệnh lý cho thương binh, bệnh binh và bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, với nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Chẳng hạn BM-KDD đã có sáng kiến công thức súp qua xông; súp cà rốt... Trong 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm BM-KDD cung cấp hơn 1,5 triệu suất ăn cho bệnh nhân, chất lượng dinh dưỡng cao, bảo đảm tốt về an toàn thực phẩm.

Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm, theo chương trình hợp tác chuyên môn và chuyển giao công nghệ giữa BVQY 103 với các đơn vị bạn, BM-KDD đã hỗ trợ chuyên môn dinh dưỡng điều trị cho các đơn vị như: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện 198, Bệnh viện Y học Cổ truyền (Bộ Công an), Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa các tỉnh: Thái Nguyên, Hòa Bình, Thái Bình…

Nói chuyện với chúng tôi, Thượng tá, TS Phạm Đức Minh rất tự hào vì trong sự thành công chung của Học viện Quân y về lĩnh vực ghép tạng, có phần đóng góp quan trọng của BM-KDD. Từ năm 1992 (thời điểm BVQY 103 thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên tại Việt Nam) đến nay, BM-KDD đã có đóng góp không nhỏ trong sự thành công của hơn 500 ca ghép tạng, ghép đa tạng tại Việt Nam được tiến hành tại BVQY 103, đưa BVQY 103 trở thành đơn vị đạt kỷ lục Guinness Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng.

Góp phần củng cố một ngành học mới

So với các ngành đào tạo có tính truyền thống như nội khoa, ngoại khoa... thì ngành dinh dưỡng ở Học viện Quân y còn rất "trẻ". Bộ môn Dinh dưỡng được thành lập năm 2000 và đến năm 2017 thì sáp nhập với Khoa Dinh dưỡng (Phòng Hậu cần-Kỹ thuật) thành BM-KDD như hiện nay. Thực hiện nhiệm vụ đào tạo bậc đại học là một trong ba nhiệm vụ chính trị trọng tâm của BM-KDD. Tuy số lượng giảng viên có hạn, nhưng BM-KDD luôn hoàn thành tốt chương trình giảng dạy. Ngay từ những ngày đầu thành lập, BM-KDD đã tham gia huấn luyện, đào tạo cho hàng trăm lớp bác sĩ dài hạn quân-dân y, bao gồm cả học viên quốc tế Lào, Campuchia, bác sĩ cơ sở.

Chúng tôi được biết, chương trình huấn luyện của BM-KDD ngày càng tăng. Hiện nay, khung chương trình của bộ môn-khoa đã đạt tới hơn 2.000 tiết/năm. Không những thế, bộ môn-khoa còn tham gia huấn luyện cơ động ở các tuyến trong và ngoài quân đội như tại các bệnh viện: Trung ương Quân đội 108, Đại học Y Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương… Mỗi giảng viên của BM-KDD hiện có số giờ giảng đạt trung bình 350 tiết/năm. Họ đã rất cố gắng trong kết hợp giữa giảng dạy với điều trị và nghiên cứu khoa học, bảo đảm thu được hiệu quả cao nhất ở tất cả các lĩnh vực.

Bộ môn-khoa cũng đã biên soạn nhiều giáo trình về dinh dưỡng lâm sàng; là cơ sở "đặt hàng" tin cậy của Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai... về xây dựng các bộ tài liệu dinh dưỡng. Công tác nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ được BM-KDD xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Mọi đề tài đều hướng đến giải quyết các vấn đề thực tiễn và nâng cao trình độ, kỹ năng của cán bộ, giảng viên, nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển kỹ thuật công nghệ về dinh dưỡng. Hiện nay, BM-KDD đã chủ trì được đề tài độc lập cấp Nhà nước và các đề tài nhánh, cùng nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ Quốc phòng và cấp cơ sở...

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, Thượng tá, TS Phạm Đức Minh nói với chúng tôi như chia sẻ: "Các thế hệ lãnh đạo BM-KDD luôn chú trọng động viên, khơi dậy cho mọi cán bộ, đảng viên, thầy thuốc, nhân viên y tế về tình yêu nghề, bầu nhiệt huyết. Khi họ có được hai điều đó thì mọi khó khăn đều có thể được khắc phục, vươn lên trở thành những cán bộ, nhân viên mẫu mực của bộ môn-khoa. Bên cạnh đó, BM-KDD cũng chú trọng duy trì nghiêm kỷ luật quân đội, các quy định của bệnh viện, học viện, giữ vững phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc chiến sĩ, xứng đáng với truyền thống, thành tích của một đơn vị thuộc trung tâm y tế hàng đầu của quân đội và đất nước".

Bài và ảnh: TIẾN ĐẠT