Đổi mới phương pháp giáo dục chính trị
Tại buổi giáo dục chính trị của Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 673 được tổ chức trung tuần tháng 5 vừa qua tại Lữ đoàn, chúng tôi thấy không khí rất sôi nổi, hào hứng. Với giọng nói truyền cảm, cách thể hiện sinh động, khuyến khích các chiến sĩ cùng trao đổi, tương tác, tham gia ý kiến vào nội dung bài học, Thượng úy Nguyễn Xuân Dương, Chính trị viên Đại đội 3 đã tạo được hứng thú học tập cho các chiến sĩ.
Trong từng nội dung bài giảng, Thượng úy Nguyễn Xuân Dương đều lấy ví dụ thực tiễn để phân tích, chứng minh đồng thời xây dựng giáo án điện tử lồng ghép hình ảnh các hoạt động của đơn vị và trong cuộc sống hằng ngày để bộ đội dễ dàng tiếp thu bài giảng. Quá trình lên lớp, Thượng úy Nguyễn Xuân Dương luôn chủ động nêu vấn đề, đặt câu hỏi và khuyến khích chiến sĩ phát biểu ý kiến.
Sau giờ học tập, Binh nhất Phạm Gia Long (Trung đội 1, Đại đội 3) chia sẻ với chúng tôi: “Những ngày đầu nhập ngũ, tôi cứ nghĩ học tập chính trị là khô khan. Nhưng rồi học chính trị lại là nội dung tôi thích nhất bởi vì tôi biết thêm nhiều kiến thức về chính trị, xã hội, mở mang tầm hiểu biết và giáo viên có phương pháp truyền đạt, tạo sự hứng thú, vui vẻ cho người học”.
 |
Lữ đoàn 673 tổ chức tập huấn công tác Đảng, công tác chính trị, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. |
 |
Tổ chức thông qua giáo án, bồi dưỡng cán bộ vào thứ Sáu hằng tuần tại Lữ đoàn 673, Quân đoàn 12.
|
Quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị 2423-CT/QUTW ngày 9-11-2023 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục chính trị trong giai đoạn mới; trên cơ sở nội dung giáo dục theo Quy chế số 438 được Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành, Lữ đoàn 673 đã cụ thể hóa, sát với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó, các nội dung giáo dục tự xác định (tỷ lệ 20%) đã quan tâm đến nội dung giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ.
Đại tá Lưu Văn Cảo, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: “Hình thức, phương pháp giáo dục chính trị tại Lữ đoàn thường xuyên được đổi mới, sáng tạo. Trong đó, thời gian giáo dục được điều chỉnh phù hợp theo hướng tăng cường thời gian trao đổi, bổ trợ để người học nắm được những kiến thức cốt lõi, từ đó liên hệ vận dụng vào thực tiễn cuộc sống quân nhân và nhiệm vụ được giao”.
 |
Lữ đoàn 673 tham gia Hội thi Tuyên truyền viên trẻ đạt giải nhất cấp Quân đoàn năm 2024. |
Thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm
Đại tá Lưu Văn Cảo nhấn mạnh: “Yêu cầu đầu tiên là phải thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Đây là giải pháp then chốt, quyết định chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị cơ sở”.
Thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Tìm hiểu thực tế tại Lữ đoàn, chúng tôi được biết, trước mỗi mùa huấn luyện, các đơn vị đều có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng bảo đảm sát, đúng, phù hợp. Trên cơ sở đó, nghiên cứu nắm chắc đặc điểm, nhiệm vụ giáo dục, đối tượng giáo dục để làm tốt công tác chuẩn bị, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng tham gia, nhất là cơ quan chính trị, các tổ cán bộ giảng dạy chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị. Trong đó, chính trị viên, đội ngũ cán bộ chính trị phải là ngọn cờ, trung tâm phối hợp, hiệp đồng, tạo động lực cho sự đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ.
 |
Chiến sĩ mới Lữ đoàn 673 tham gia Hội thi vũ điệu tập thể và các bài hát quy định trong Quân đội. |
Từ đó, Lữ đoàn 673 hết sức chú trọng bồi dưỡng toàn diện cả về trình độ, phương pháp sư phạm và năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng bài chính trị cho đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã xuất hiện, như: “3 thực chất”, “Tổ cán bộ giảng dạy chính trị giỏi”, “Tổ giáo viên chuyên sâu”… làm tăng thêm hiệu quả tuyên truyền.
Trung tá Nguyễn Thanh Hải, Phó chính ủy Lữ đoàn cho biết thêm: “Để thực hiện tốt các nội dung này, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó trong đơn vị, xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh và chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ”.
Theo Trung tá Nguyễn Thanh Hải, chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ được tạo thành bởi tổng hòa các yếu tố từ nội dung giáo dục, người dạy, người học, vật chất bảo đảm… Do đó, muốn nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng phải coi trọng đổi mới đồng bộ các yếu tố của hoạt động giáo dục. Theo đó, việc đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng đòi hỏi các đơn vị nghiên cứu nắm chắc yêu cầu của từng bài học và tổng thể chương trình giáo dục.
 |
Giao lưu múa hát tại trận địa. |
Trên cơ sở tài liệu học tập do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành, đội ngũ cán bộ giảng dạy chính trị cụ thể hóa, cập nhật, bổ sung những nội dung mới vào các bài giảng cho cán bộ, chiến sĩ ở đơn vị mình. Đồng thời, cần đầu tư công sức, trí tuệ vào những nội dung giáo dục tự xác định; lựa chọn sử dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp, giúp cho người học dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng vào thực tiễn cuộc sống sinh hoạt của bộ đội.
“Bên cạnh đó, chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm cũng như đổi mới công tác kiểm tra, phúc tra, đánh giá kết quả giáo dục chính trị, tư tưởng là những cách làm hiệu quả mà Lữ đoàn triển khai trong những năm qua”, Trung tá Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh.
Bài, ảnh: VĂN HIỆP
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.