QĐND - 5 năm tái thành lập, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Đảng ủy, Ban giám hiệu Trường Sĩ quan Chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, nhất là các giải pháp mang tính đột phá, nhanh chóng đưa nhà trường đi vào ổn định và phát triển ngang tầm với quy mô, vị thế của một trường đại học trong hệ thống các học viện, trường đại học của quân đội và quốc gia.

“Tạo đà” từ 3 khâu đột phá 

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội trong tình hình mới, ngày 22-5-2008, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 69/QĐ-BQP, thành lập Trường Sĩ quan Chính trị. Tháng 12-2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2344/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Chính trị, trên cơ sở nâng cấp Trường Sĩ quan Chính trị.

Thời gian đầu tái thành lập, cùng với lãnh đạo toàn diện các nhiệm vụ, Đảng ủy nhà trường kịp thời ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác giáo dục-đào tạo (GD-ĐT). Các cơ quan, khoa giáo viên…tập trung xây dựng, điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo, nhất là với các đối tượng mới. Kế hoạch đề bài, đề cương chi tiết các môn học được xây dựng theo hướng đổi mới, từng bước khắc phục sự trùng lắp về nội dung giữa các cấp học, môn học, giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành.

Cùng với quan tâm đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng nhiệm vụ GD-ĐT, nghiên cứu khoa học, Đảng ủy nhà trường tập trung lãnh đạo, tạo chuyển biến mạnh 3 khâu đột phá: Xây dựng đội ngũ nhà giáo, đổi mới phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.

Để học viên tốt nghiệp ra trường hoàn thành tốt chức trách được giao, nhà trường rất chú trọng nội dung thực tập cuối khóa; chủ động liên hệ với các đơn vị trong toàn quân nghiên cứu, sắp xếp chức danh thực tập cho phù hợp với đối tượng học viên. Trước kỳ thi tốt nghiệp, học viên đều đi thực tập tại các đơn vị theo yêu cầu của từng đối tượng đào tạo để có điều kiện tiếp cận nhiệm vụ, cọ sát thực tế ở đơn vị cơ sở, rèn luyện kỹ năng tiến hành CTĐ, CTCT, việc giải quyết mối quan hệ giữa bí thư với cấp ủy, giữa cán bộ chủ trì về chính trị với người chỉ huy... Kết thúc các đợt thực tập cuối khóa, hầu hết học viên hoàn thành nhiệm vụ; năm 2011, học viên hoàn thành tốt nhiệm vụ thực tập chiếm hơn 56%.

Trường Đại học Chính trị luôn chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học, đạt kết quả tích cực. (Trong ảnh: Một giờ học tại phòng học chuyên dùng CTĐ, CTCT). Ảnh: Minh Trường

Đối tượng học viên đào tạo giáo viên chủ yếu thực tập tại các khoa chuyên ngành của nhà trường, được tạo điều kiện tham gia vào các hoạt động chuyên môn, các hình thức sau bài giảng và các hoạt động phương pháp khác; nhiều đồng chí thể hiện phong cách sư phạm chững chạc, tự tin trong giảng dạy, biết xử lý một số tình huống về sư phạm...

Học đi đôi với hành, nhà trường gắn với đơn vị

Công tác nghiên cứu khoa học của học viên được cấp ủy, chỉ huy các cấp của nhà trường quan tâm, khuyến khích. Các học viên có kết quả học tập khá trở lên, rèn luyện tốt có thể tham gia nghiên cứu đề tài khoa học và làm khóa luận tốt nghiệp. Nhiều học viên khi làm khóa luận đã chủ động nghiên cứu, thu thập nguồn tư liệu phong phú, bảo vệ khóa luận tốt nghiệp đạt kết quả cao. Những năm học gần đây, mỗi năm có bình quân 15% học viên các đối tượng đào tạo (trừ lớp văn bằng 2 của sĩ quan) tham gia bảo vệ khóa luận tốt nghiệp, trong đó đối tượng đào tạo giáo viên tham gia 100% quân số. Đây là cơ sở hình thành, rèn luyện khả năng tư duy nghiên cứu khoa học của học viên và trang bị cho các sĩ quan chính trị tương lai phương pháp nghiên cứu khoa học, khi tốt nghiệp ra trường về đơn vị công tác biết khơi dậy, phát huy trí tuệ tập thể, xây dựng các đề tài khoa học xã hội và nhân văn có giá trị thực tiễn cao.

Kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình học tập, rèn luyện tại trường và khi thực tập ở đơn vị cơ sở giúp học viên ôn tập, thi tốt nghiệp đạt kết quả cao. Từ năm 2009 đến nay, nhà trường có hơn 3.400 học viên tốt nghiệp ra trường; kết quả học tập, rèn luyện được nâng cao:100% đạt yêu cầu, trong đó có từ 74% đến 80% khá, giỏi, hơn 95% rèn luyện tốt; học viên tốt nghiệp ra trường an tâm, phấn khởi nhận nhiệm vụ.

Đội ngũ giảng viên của nhà trường phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, trong đó gần 37% có trình độ sau đại học (6,42% tiến sĩ, hơn 30% thạc sĩ), tăng 7,67% so với năm 2010. Nhà trường đã xây dựng và công bố chuẩn đầu ra cho 8 ngành đào tạo đại học, 1 ngành đào tạo cao đẳng. Tháng 8-2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ký các quyết định cho phép Trường Đại học Chính trị được đào tạo trình độ thạc sĩ ở 3 chuyên ngành: Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Xây dựng Đảng và chính quyền nhà nước. Đây là sự khẳng định năng lực đào tạo, bước phát triển và vị thế của Trường Đại học Chính trị trong hệ thống các nhà trường quân đội nói riêng, trong hệ thống GD-ĐT của quốc gia nói chung. 

Đảng ủy nhà trường luôn quan tâm chăm lo xây dựng tổ chức đảng TSVM, gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị, khoa giáo viên VMTD; đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Ba năm (2009-2011), nhà trường được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng", năm 2011 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba.

Thời gian tới, cùng với phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm, nhà trường tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của trên về đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI); nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, phù hợp các nội dung về “Đổi mới căn bản, toàn diện công tác GD-ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ và hội nhập quốc tế; xác định phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý là khâu then chốt”. Cùng với nâng cao chất lượng GD-ĐT, nhà trường chủ động phát hiện, đề xuất Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị tham gia giải quyết những vấn đề lý luận và thực tiễn, nhất là xây dựng quân đội về chính trị và hoạt động CTĐ, CTCT ở cơ sở; đẩy mạnh xây dựng nhà trường “chính quy, tiên tiến, mẫu mực”; xây dựng Đảng bộ TSVM, nhà trường VMTD, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống "Trung thành, đoàn kết, sáng tạo, vượt khó, dạy tốt, học tốt".

Trung tướng TRẦN TRUNG KHƯƠNG, Chính ủy Trường Đại học Chính trị