“Các đồng chí thân mến! Bây giờ là lúc chúng ta cùng nhìn lại việc rèn luyện của bản thân mình thông qua các nhiệm vụ. Chỉ 5 phút ngắn ngủi sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn mình, từ đó sửa mình. Chúng ta hãy lắng tâm lại để nghe từng lời dẫn, với một tâm hồn trong sáng. Và hãy thầm trả lời “có” mỗi khi thấy mình trong những ngày qua đã cố gắng học hỏi, rèn luyện và thực hiện các nhiệm vụ...”. Đó là đoạn mở đầu trong một bản dẫn “5 phút lắng đọng” ở Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316). Để thực hiện lời dẫn có cảm xúc, đi sâu vào tâm thức của chiến sĩ, tổ phát tin đã nghiên cứu kỹ tài liệu về tâm lý và sự tĩnh lặng của con người, đặc biệt là tài liệu về nghệ thuật thiết lập truyền thông. Sau khi nghiên cứu, tổ biên tập thực hành nghe trước rồi lấy ý kiến chỉnh sửa, thu âm, phát thử nghiệm. Khi đủ “tiêu chuẩn” mới tổ chức phát chương trình đồng loạt.

Tổ tuyên truyền Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 biên tập nội dung “5 phút lắng đọng”.

Binh nhất Phạm Văn Hòa (Trung đội 1, Đại đội 9, Tiểu đoàn 6) kể: “Ngay từ ngày đầu về đơn vị, trước giờ ngủ nghỉ được nghe giọng đọc truyền cảm với những câu chuyện ngắn từ chiếc radio của trung đội trưởng, bản thân tôi hiểu sâu sắc hơn về môi trường quân đội. “5 phút lắng đọng” cũng đã giúp vun bồi năng lực bản thân, nhắc nhở chúng tôi hãy sống cuộc đời có ý nghĩa hơn và ngay hôm sau phải vươn lên cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Đại úy Hà Xuân Hiền, Chính trị viên Tiểu đoàn 6 cho hay, tiểu đoàn đã thực hiện có hiệu quả mô hình “5 phút lắng đọng”. Chỉ huy tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho tổ phát tin, trực tiếp phụ trách là chính trị viên phó tiểu đoàn. Tổ phát tin có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, xác định chủ đề dẫn, kiểm định chất lượng nội dung, duy trì hoạt động của các thành viên theo kế hoạch. Hằng tuần, các đại đội gửi nội dung cần tuyên truyền, sau đó tổ nội dung thông qua và lựa chọn những chủ đề cần thiết để chuẩn bị. Nội dung “5 phút lắng đọng” tập trung vào kết quả huấn luyện, rèn luyện của chiến sĩ, những vấn đề còn vướng mắc trong thực hiện 10 lời thề danh dự của quân nhân; 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân hoặc những câu chuyện kể, lời dạy của các vĩ nhân, anh hùng dân tộc; truyền thống, nét đặc sắc văn hóa các dân tộc, nhiệm vụ của đơn vị; gương người tốt, việc tốt để các chiến sĩ học tập.

Tìm hiểu, chúng tôi thấy, để nâng cao chất lượng mô hình “5 phút lắng đọng”, việc lựa chọn cán bộ là khâu quan trọng. Ở Sư đoàn 316, các cán bộ chính trị tham gia thực hiện đều là cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, có nhận thức tốt, hiểu biết sâu về tâm lý, công nghệ thông tin, có tinh thần trách nhiệm cao. Trung đội trưởng sau khi kiểm tra việc ngủ nghỉ của bộ đội sẽ trực tiếp mở radio có kết nối USB, phát chương trình “5 phút lắng đọng” để bộ đội nghe và suy ngẫm.

Thực hiện mô hình đã giúp bộ đội hiểu sâu sắc hơn về bản thân, về những lời dạy và công lao to lớn của các tấm gương anh hùng, đặc biệt là tấm gương Bác Hồ kính yêu, qua đó thêm hiểu về nhiệm vụ quân đội, đơn vị, về bản sắc văn hóa vùng miền, từ đó xây dựng tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm cao trong công việc, chấp hành nghiêm pháp luật, kỷ luật, nêu gương người tốt, việc tốt, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Trung tá Vũ Thanh Tuấn, Phó chính ủy Trung đoàn 174 khẳng định: “Nhờ việc phát huy tốt mô hình “5 phút lắng đọng” và các mô hình khác đã giúp mọi cán bộ, chiến sĩ trung đoàn có nhận thức tốt về nhiệm vụ, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, nhất là các nhiệm vụ khó khăn, gian khổ. Kết quả đó góp phần xây dựng các tiểu đoàn ngày càng vững mạnh. Năm 2021, trung đoàn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được sư đoàn đề nghị quân khu tặng cờ thi đua”.

Theo Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 316, người trực tiếp đưa ra ý tưởng thực hiện mô hình “5 phút lắng đọng”, để hiểu được chiến sĩ là rất khó, đặc biệt là biết chiến sĩ đang băn khoăn điều gì, cần gì từ người cán bộ đơn vị... Nếu người cán bộ biết kết hợp rèn luyện bộ đội dựa vào truyền thông trước giờ ngủ buổi tối sẽ thu được rất nhiều lợi ích. Mô hình “5 phút lắng đọng” ở cấp trung đội trong sư đoàn đã phần nào bồi đắp niềm tin, nghị lực của chiến sĩ. Cũng thông qua đó, mỗi cán bộ có thêm kiến thức, kỹ năng truyền thông trước những thông tin xấu độc lan truyền trên mạng xã hội.

Bài và ảnh: CAO XUÂN PHÚ