So sánh lực lượng
Thế bố trí của địch năm 1975, nếu bị đánh mạnh trên toàn miền Nam thì rõ ràng địch không có khả năng tăng viện cho nhau. Với lực lượng tại chỗ tại đồng bằng khu 5, khả năng cao nhất của địch tập trung vào một khu vực nóng là 4-5 trung đoàn bộ binh và 1-2 chi đoàn xe tăng, thiết giáp.
Trong trường hợp buộc phải rút quân dù chi viện cho nơi khác thì khả năng đó còn thấp hơn. Đó là chưa kể yếu tố tâm lý khi “vắng” quân dù, quân đồn trú sẽ rất lo ngại.
Về ta, sau khi sư đoàn 3 vào đánh cắt đường số 19 phối hợp với chiến dịch Tây Nguyên, quân khu 5 đã giao nhiệm vụ đánh địch ở từng chiến trường, chủ lực còn lại gồm 1 sư đoàn, 1 lữ đoàn, 1 trung đoàn và phần lớn binh khí kỹ thuật đều tập trung vào khu trọng điểm chiến dịch (tây Tam Kỳ). Như vậy so sánh lực lượng bộ binh khi bước vào chiến dịch, trên hướng trọng điểm sẽ là ta 1/ địch 1.
Lực lượng quân Ngụy Sài Gòn năm 1975 ở đồng bằng ven biển miền Trung có 4 sư đoàn, 3 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn xe tăng thiết giáp, 16 tiểu đoàn và 5 đại đội pháo (không kể không quân). So sánh lực lượng địch-ta thì về bộ binh, địch 1,9/ta 1; về pháo và xe tăng thiết giáp, địch từ 3-5/ta 1. Nếu tính riêng chiến trường trọng điểm Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi thì về bộ binh, địch 2,2/ta 1. Vấn đề đặt ra làm thế nào để có ưu thế chiến dịch, nhất là phải có ưu thế lực lượng hơn hẳn địch trong các trận đánh then chốt để giành thắng lợi nhanh và gọn.
Hai biện pháp lớn
Để tạo ra ưu thế hơn hẳn địch ở hướng trọng điểm chiến dịch, quân khu đã cho thực hiện hai biện pháp lớn:
Một là, do bị uy hiếp mạnh bởi thế trận của ta tạo ra sau hè - thu 1974, lực lượng chủ lực địch ở ba tỉnh nam quân khu 1 địch buộc phải giãn ra đối phó với ta ở Thượng Đức (Quảng Đà), tây Quế Sơn (Quảng Nam), Nghĩa Hành - Minh Long (Quảng Nghãi) và trên vành đai bảo vệ Đà Nẵng. Quân khu đã chủ động mở trước các chiến dịch tiến công tổng hợp của chiến tranh nhân dân địa phương để nghi binh, kiềm giữ, buộc chủ lực địch phải đối phó với các lực lượng địa phương ta ngay tại khu vực đang đứng chân, tạo điều kiện cho chủ lực ta tập trung trên hướng chủ yếu và bất ngờ tiến công địch.
Hai là, sử dụng các trung đoàn tập trung của Quảng Ngãi tổ chức khu chiến đánh cắt giao thông trên đoạn Đốc Sỏi (giữa Chu Lai và Quảng Ngãi) với nhiệm vụ lức đầu giữ chặt không cho sư đoàn 2 ngụy từ Quảng Ngãi ra ứng cứu cho Tam Kỳ, sau đó theo mệnh lệnh của quân khu mở cửa cho từng trung đoàn địch đi vào khu chiến theo ý định của chiến dịch.
Dùng các tiểu đoàn tập trung của Quảng Nam thọc xuống vùng đông Thăng Bình diệt địch, giành quyền làm chủ, kéo trung đoàn 2 của sư đoàn 3 ngụy xuống và treo chân địch lại ở đó.
Trung đoàn tập trung của Quảng Đà mở khu chiến ở Gò Nổi và đường số 100 diệt địch, tiếp tục kiềm chân sư đoàn 3 (thiếu) của địch tại địa phương.
Tình hình đã diễn ra đúng như ý định chiến dịch của ta: Từ đầu tháng 3 năm 1975, chiến dịch tiến công tổng hợp của các địa phương bắt đầu. Chủ lực địch bị kiềm giữ tại chỗ, ta triển khai lực lượng chiến dịch trên hướng chủ yếu hoàn toàn bí mật bất ngờ.
Ngày 10 tháng 3 năm 1975, trong khi ở nam Tây Nguyên ta tiến công thị xã Buôn Ma Thuột, thì chủ lực của quân khu 5 với ưu thế lực lượng hơn hẳn địch đã tiến công tiêu diệt và phá vỡ hoàn toàn cụm phòng ngự, cơ bản Tiên Phước - Phương Lâm, lá chắn trực tiếp bảo vệ cho thị xã Tam Kỳ; chiếm giữ và khống chế toàn bộ các điểm cao phía tây Tam Kỳ, hình thành thế trận sẵn sàng đánh tiêu diệt từng trung đoàn chủ lực ngụy vào ứng cứu.
Quân địch hốt hoảng vội vã điều lực lượng về ứng cứu. Nhưng theo đúng kế hoạch, sau khi "thả" cho trung đoàn 5 đi qua, lực lượng địa phương Quảng Ngãi đã khoá chặt lực lượng còn lại của sư đoàn 2 ngụy tại chỗ. Ở Quảng Nam, trung đoàn 2, sư đoàn 3 ngụy vừa rục rịch cơ động cũng bị lực lượng ta kéo xuống vùng đông và giam chân tại đó. Trong lúc đó sư đoàn 3 (thiếu) cũng bị lực lượng Quảng Đà giữ chân lại.
Ngoài trung đoàn 5, sư đoàn 2, quân địch chỉ đưa thêm được đến tây Tam Kỳ liên đoàn 12 biệt động quân. Giờ đây, so sánh lực lượng tại khu trọng điểm chiến dịch trong thời điểm này, về bộ binh, ta 2,5/địch 1. Ta khống chế được địa hình có lợi và dựa vào ưu thế binh lực hơn hẳn địch, ta chủ trương tập trung lực lượng đánh tiêu diệt hoặc đánh thiệt hại nặng làm mất sức chiến đấu từng trung đoàn chủ
lực, tiêu diệt và đánh cạn lực lượng chủ lực cơ động ngụy đi ứng cứu, tạo ra thời cơ trực tiếp giải phóng Tam Kỳ - Quảng Ngãi, thực hiện chia cắt địch về chiến lược đồng bằng ven biển.
Tiến công áp đảo
Ngày 21 tháng 3 năm 1975, sau hơn 6 giờ tiến công áp đảo, ta đã đánh thiệt hại nặng cả trung đoàn 5 và liên đoàn 12 biệt động quân ngụy. Quân địch lại phải vét lực lượng
tăng cường phòng thủ Tam Kỳ nhưng chúng cũng chỉ có thêm được một trung đoàn, vì "cánh cửa" bắc Quảng Ngãi của ta đã khoá chặt sau khi cho trung đoàn 4 ngụy đi qua, trong lúc các đơn vị khác vẫn bị giam chân tại chỗ.
Lúc này tình hình tác chiến chung đang phát triển như vũ bão và rất thuận lợi cho ta. Toàn bộ lực lượng ở Tây Nguyên đã bị tiêu diệt, chủ lực ta từ phía tây đang tràn xuống các tỉnh phía nam quân khu. Ở phía bắc, ta đã giải phóng Quảng Trị và đang từ ba mặt bao vây tiến công địch ở Thừa Thiên Huế.
Tuy chủ trương đánh tiêu diệt lực lượng cơ động ngụy mà chủ yếu là sư đoàn 2 ngụy, mới được thực hiện một phần, nhưng thời cơ đã xuất hiện, việc giải phóng Tam Kỳ, Quảng Ngãi đã trở thành một khả năng thực tế và cấp bách. Toàn bộ lực lượng dự trữ của quân khu được tung vào chiến đấu.
Ngày 24 tháng 3, ở phía bắc sư đoàn 2 của ta đột phá vào Tam Kỳ, trung đoàn 36 đánh chiếm quận lỵ, Lý Tín, chia cắt giữa Tam Kỳ và Chu Lai. Hai tiểu đoàn tập trung của Quảng Nam từ đông Thăng Bình vòng về phía nam, hình thành mũi vu hồi lợi hại từ phía đông đánh lên. Ở phía nam, trong lúc lữ đoàn 52 (thiếu) cùng 3 tiểu đoàn đặc công và một bộ phận pháo binh, thiết giáp của quân khu phối hợp với hai tiểu đoàn tập trung tỉnh tiến công vào thị xã Quảng Ngãi thì trung đoàn địa phương 94 bao vây tiêu diệt các đơn vị cơ động còn lại của quân ngụy đang tìm đường tháo chạy về Chu Lai. Quần chúng khắp nơi nổi dậy giành quyền làm chủ và kêu gọi địch bỏ vũ khí về với nhân dân.
Thực hiện chia cắt
Trên thế áp đảo, đến 11 giờ ngày 24 tháng 3 ta đã hoàn toàn làm chủ thị xã Tam Kỳ và 23 giờ 30 cùng ngày giải phóng thị xã Quảng Ngãi, tiêu diệt sư đoàn 2, 2 liên
đoàn biệt động, 2 thiết đoàn của ngụy.Như vậy là với một lực lượng chủ lực ít hơn địch, nhưng do khéo tổ chức và kết hợp các lực lượng, các khu chiến của chủ lực và địa phương, ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, tạo được ưu thế lực lượng hơn hẳn địch trong các trận then chốt. Kết quả đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng cơ động của quân khu 1 ngụy, thực hiện chia cắt quân địch về chiến lược trên chiến trường đồng bằng, cô lập Đà Nẵng về phía nam, góp phần tạo ra thời cơ tiêu diệt lực lượng còn lại của quân khu 1 địch.
Chuyển hướng tiến công ra Đà Nẵng
Kiên quyết bỏ qua các mục tiêu thứ yếu, tiến thẳng đến mục tiêu chủ yếu.
Chiến dịch tiến công của quân khu 5 trên hướng Tam Kỳ - Quảng Ngãi lúc đầu mang tính chất địa phương, nhằm phối hợp chiến trường chung và giành một thắng lợi quân sự cục bộ, tạo lực tạo thế, tạo thời cơ cho các chiến dịch tiếp theo. Dựa vào thế tiến công chung trên toàn chiến trường miền Nam, chiến dịch đã phát triển thuận lợi, giành thắng lợi lớn trong thời gian ngắn, và cùng với thắng lợi chung, tạo ra thế bao vây chia cắt, cô lập căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng từ ba hướng bắc, tây, nam. Đà Nẵng trở thành mục tiêu phát triển tất yếu của chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế ở phía bắc và chiến dịch giải phóng Tam Kỳ - Quảng Ngãi ở phía nam; chiến dịch tiến công của quân khu trên hướng Tam Kỳ - Quảng Ngãi mặc nhiên trở thành một bộ phận của chiến dịch lịch sử Huế - Đà Nẵng.
Đà Nẵng là căn cứ quân sự liên hợp lớn thứ hai của Mỹ ngụy ở miền Nam. Đến ngày 25 tháng 3, do tăng thêm đám tàn quân từ Trị - Thiên dồn vào, tổng quân số địch ở Đà Nẵng lên đến 10 vạn tên, trong đó có 15 tiểu đoàn quân chủ lực và 15 tiêu đoàn bảo an. Tuy nhiên trong quân ngụy tư tưởng thất bại tràn lan, phần lớn bọn sĩ quan chỉ lo cứu bản thân và gia đình, hàng ngũ địch bắt đầu hỗn loạn.
Tranh thủ và tận dung thời cơ, phát triển tiến công trong hành tiến với tốc độ cao là thành công lớn của quân khu trong nghệ thuật chỉ huy ở cánh phía nam của chiến dịch này.
Chiếu 24 tháng 3, khi trận tiến công giải phóng Tam Kỳ còn chưa kết thúc, quân khu đã ra mệnh lệnh sơ bộ cho các đơn vị phát triển về hướng Đà Nẵng, và ngay đêm đó hạ quyết tâm giải phóng Đà Nẵng, theo cách đánh tiến công phát triển nhanh để phối hợp với hai cánh quân phía bắc và phía tây của Quân đoàn 2. Bỏ qua các mục tiêu thứ yếu, tập trung lực lượng đánh thẳng vào Đà Nẵng, quyết tâm đó hoàn toàn phù hợp với ý định của trên. Ngày 25 tháng 3, quân khu nhận được điện của Bộ Tổng tham mưu: "Tiến công nhanh Đà Nẵng bằng lực lượng tại chỗ có thể huy động được, không chờ lực lượng trên tăng cường. Vấn đề mấu chốt là diệt quân đoàn 1 ngụy và sư đoàn lính thủy đánh bộ, không cho chúng rút lui co cụm về Sài Gòn".
Mờ sáng ngày 28 tháng 3, cùng với hai mũi tiến công của quân đoàn 2, từ phía bắc vào và phía tây xuống, toàn bộ lực lượng chủ lực của quân khu ở hướng trọng điểm (sư đoàn 2, trung đoàn 36, lữ đoàn 52) và 2 trung đoàn tập trung tỉnh Quảng Đà hình thành một mũi tiến công mạnh, từ hướng nam theo trục đường 1 đánh ra Đà Nẵng.
Hòng làm chậm bước tiến của ta để quân của chúng có thêm thời gian tháo chạy, bọn chỉ huy quân ngụy vội vã cho máy bay đánh sập cầu Bà Rén và cầu Lâu, đồng thời hình thành nhiều chốt chặn dọc đường 1. Nhân dân ở hai bờ sông Thu Bồn đã huy động ngay hàng trăm thuyền chở bộ đội vượt sông nhanh chóng, an toàn. Nhân dân ở dọc đường số 1, kể cả nhân dân thành phố Đà Nẵng, đã huy động hàng trăm xe đủ loại để chở bộ đội tiến công. Các đơn vị được nhân dân giúp đỡ đã vượt qua bọn chốt chặn, thọc thẳng vào Đà Nẵng.
Tốc độ tiến công nhanh, sức mạnh tiến công áp đảo, hành động thọc sâu kiến quyết táo bạo của lực lượng chủ lực quân khu, hiệp đồng chặt chẽ với hai cánh quân của binh đoàn cơ động của Bộ và hành động nổi dậy giành quyền làm chủ của nhân dân, đã làm cho quân địch không kịp đối phó và tan vỡ rất nhanh. Chỉ đến 12 giờ trưa ngày 29 tháng 3, ta đã đánh chiếm xong các mục tiêu then chốt: sân bay, sở chỉ huy quân đoàn 1, toà thị chánh, quân vụ thị trấn, đài phát thanh; đến 15 giờ chiếm xong quân cảng và các mục tiêu trên đỉnh Sơn Trà, giải phóng hoàn toàn thành phố Đà Nẵng.
Từ thắng lợi chia cắt, tiêu diệt địch, lực lương ta ở hướng nam Đà Nẵng đã góp phần vào chiến thắng vẻ vang của chiến dịch thứ hai. Mở ra thời cơ chiến lược cho toàn chiến trường miền Nam.
TRẦN DANH BẢNG (Tổng hợp)